Chiến dịch trấn áp tội phạm mạng của Campuchia có thực chất?
27/07/2025 01:10:40
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
CHIẾN DỊCH TRẤN ÁP TỘI PHẠM MẠNG CỦA CAMPUCHIA CÓ THỰC CHẤT?
TTXVN (Phnom Penh 22/7)
Trang cambojanews.com của Hiệp hội liên minh nhà báo Campuchia (CamboJA) đăng bài viết cho biết, sau chỉ thị của chính phủ và cuộc họp cấp cao với Thủ tướng Hun Manet, kể từ ngày 16/7, cảnh sát Campuchia tiến hành trấn áp các trung tâm tình nghi lừa đảo trực tuyến ở ít nhất 6 tỉnh, nhưng theo chuyên gia về tội phạm xuyên quốc gia thì các tổ hợp lớn và có quan hệ với giới tinh hoa về mặt chính trị vẫn chưa bị đưa vào tầm ngắm. Cũng có thông tin cho biết chính quyền địa phương làm suy yếu cuộc trấn áp bằng cách thả các nghi phạm, trong khi hình ảnh từ tỉnh Kampong Speu của Campuchia dường như cho thấy những đối tượng tình nghi lừa đảo – chưa rõ là bị ép buộc hay đồng lõa – đã rời khỏi một khu nhà trước khi cuộc khám xét diễn ra.
Cho đến nay, hơn 1.000 người nước ngoài đã bị bắt giữ, bao gồm 115 phụ nữ. Theo báo cáo của cảnh sát, hầu hết những đối tượng bị bắt giữ là công dân Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Đài Loan và Myanmar. Phần lớn các cuộc đột kích diễn ra đêm 16/7 trên khắp các tỉnh Kampong Speu, Pursat, Kratie, Banteay Meanchey, Preah Sihanouk và thủ đô Phnom Penh.
Jacob Sims, nhà nghiên cứu tại Trung tâm châu Á thuộc Đại học Harvard và nghiên cứu về các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia cũng như sự tham gia của nhà nước vào các hoạt động lừa đảo ở Campuchia, nhận định: “Vấn đề chính là không có cuộc đột kích nào trong số này nhằm vào các tổ hợp lừa đảo lớn và nổi tiếng - đây là cuộc tập kích được dàn dựng chặt chẽ nhằm tạo hình ảnh về hành động quyết liệt, trong khi vẫn bảo vệ ngành công nghiệp cốt lõi và lợi ích của giới tinh hoa liên quan”.
Các trung tâm lừa đảo quy mô công nghiệp đã mọc lên như nấm trên khắp Campuchia trong những năm gần đây, tính tới trước thời điểm khám xét hôm 16/7, ước tính có tới 350 cơ sở đang hoạt động, tạo ra doanh thu từ 12 đến 19 tỷ USD mỗi năm. Theo Winrock International - tổ chức dẫn đầu dự án chống buôn người tại Campuchia - các tổ hợp này chủ yếu dựa vào lao động cưỡng bức hoặc bị ép buộc, với khoảng 150.000 người từ ít nhất 22 quốc gia bị bóc lột.
Nhà nghiên cứu Jacob Sims nêu rõ: “Những khu tổ hợp này không hề ẩn náu hay che giấu. Nhiều địa điểm đã được ghi nhận bởi Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), tổ chức Giám sát lừa đảo qua mạng (Cyberscam Monitor), cuộc điều tra của tôi và nhiều tổ chức khác, một số thậm chí đã được chính quyền kiểm tra trước đó mà không đưa ra bất kỳ kết quả quan trọng nào. Tuy nhiên, các địa điểm do giới tinh hoa quyền lực nhất có liên quan tới Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền sở hữu hoặc vận hành vẫn chưa hề hấn gì”.
Một báo cáo do Jacob Sims công bố hồi tháng 5 đã đề xuất truy tố, trừng phạt, cấm thị thực và các biện pháp trách nhiệm giải trình khác đối với 28 quan chức chính phủ và doanh nhân - bao gồm cả Hun To, anh họ của Thủ tướng Hun Manet – với cáo buộc có liên quan hoặc tiếp tay cho ngành công nghiệp bất hợp pháp này, tạo ra làn sóng lên án từ các quan chức.
Giám sát lừa đảo qua mạng - tổ chức khu vực theo dõi các mạng lưới tội phạm trực tuyến - xác định được ít nhất 181 địa điểm tình nghi lừa đảo trên khắp Campuchia, bao gồm 6 khu tổ hợp gần một đường dây bị đột kích tại quận Toul Kork của Phnom Penh ngày 14/7. Tổ chức này cũng lưu ý rằng các tổ hợp lớn, nổi tiếng vẫn chưa bị đưa vào tầm ngắm.
Một địa điểm lớn bị tình nghi hoạt động lừa đảo vẫn chưa bị triệt phá là khu tổ hợp ở tỉnh Takeo, được gọi là “Mango Park 2” trên các kênh giám sát lừa đảo. Tổ hợp này cách Mango Park ở tỉnh Kampong Speu khoảng 9 km, nơi được cho là đã bị cảnh sát quốc gia đột kích cuối năm ngoái song dường như vẫn đang hoạt động, với hơn 1.000 người có khả năng là nạn nhân của nạn buôn người chưa được tìm thấy vào thời điểm đó.
Cũng xuất hiện nhiều thông tin về việc chính quyền địa phương thông đồng với các tổ chức tội phạm trong các cuộc đột kích. Trong một chiến dịch ở tỉnh Pursat tối 16/7, một phó công tố viên bị cho là đã “thả một nhóm đối tượng lừa đảo trực tuyến”, theo trang tin Fresh News thân Chính phủ Campuchia, trích dẫn một tin nhắn thoại bị rò rỉ của Thủ tướng Hun Manet ra lệnh làm rõ hành vi của viên chức này. Các bài đăng lan truyền trên mạng xã hội được CamboJA xác minh dường như cho thấy những đối tượng này mang hành lý chạy trốn khỏi tổ hợp ở huyện Kong Pisey, tỉnh Kampong Speu, ngay trước cuộc đột kích. Cảnh sát sau đó cho biết đã bắt giữ 63 đối tượng, chủ yếu là người Trung Quốc, trong chiến dịch này.
Đến nay, các chuyên gia về chống buôn người chỉ trích Chính phủ Campuchia không quan tâm đến việc sàng lọc để đánh giá những người bị bắt giữ trong các cuộc đột kích có liên quan tới nạn buôn người hay không. Khi được hỏi về vấn đề này, bà Chou Bun Eng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về chống buôn người (NCCT), cho biết các thủ tục nêu trên vẫn được áp dụng để xác định xem cá nhân là nạn nhân, kẻ lừa đảo hay đang cư trú bất hợp pháp tại Campuchia. Bà nêu rõ: “Trong các đợt truy quét gần đây, sàng lọc ban đầu của chúng tôi chủ yếu để phát hiện các hành vi vi phạm luật nhập cư và lao động. Về các hành vi vi phạm khác, tôi tin chắc rằng nhóm này sẽ không đưa ra cho chúng tôi câu trả lời rõ ràng hoặc chính xác”.
Bà Chou Bun Eng nói thêm rằng việc dành quá nhiều thời gian để điều tra từng hành vi phạm tội sẽ gây áp lực lên các cơ sở giam giữ và khiến họ phải chịu thêm chỉ trích về vi phạm nhân quyền. Bà kêu gọi “chia sẻ trách nhiệm” với các quốc gia xuất xứ của những đối tượng này, thúc giục các nước tiếp nhận công dân của mình để thẩm vấn thêm trong khi Campuchia tập trung vào việc truy tố tội phạm tại tòa án.
Cảnh sát trưởng các tỉnh Banteay Meanchey và Pursat là Sar Theng và Seth Lous đã không trả lời câu hỏi về việc liệu các khu tổ hợp lừa đảo lớn có bị đưa vào tầm ngắm hay không, cũng như liệu có tiến hành công tác sàng lọc nạn buôn người, hoặc những kẻ cầm đầu hay chủ khu tổ hợp có bị bắt giữ hoặc bị điều tra hay không. Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Chhay Kim Khoeun cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo nhà nghiên cứu Jacob Sims, một cuộc trấn áp thực sự đòi hỏi phải truy cứu trách nhiệm các thượng nghị sĩ, tỉnh trưởng, thành viên nội các và cố vấn cấp cao thân cận với Thủ tướng - những nhân vật mà ông xác định là chủ sở hữu và bảo vệ các tổ hợp lừa đảo lớn. Tuy nhiên, ông cho rằng thực tế chính trị khiến điều này khó xảy ra, và một hành động can thiệp có ý nghĩa sẽ phải đến từ bên ngoài Campuchia.
Dựa trên nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Jacob Sims cho rằng chỉ thị và các cuộc đột kích lần này phần lớn mang tính hình thức, nhằm giảm bớt sức ép quốc tế, đồng thời củng cố quyền lực trong giới tinh hoa. Ông nhấn mạnh rằng mô hình này từng diễn ra trong các lĩnh vực như khai thác gỗ trái phép, nơi các cuộc đàn áp nhắm vào các nhà khai thác nhỏ, song lại bảo vệ các nhóm lợi ích có quan hệ với những người có thế lực.
Tổ chức Ân xá quốc tế, vốn gần đây cáo buộc Chính phủ Campuchia dung túng cho ngành công nghiệp lừa đảo, cho biết không tin rằng chỉ thị trấn áp tội phạm mới đây có thể mang lại thay đổi thực sự. Bà Montse Ferrer, Phó Giám đốc khu vực phụ trách vấn đề nghiên cứu, cho biết: “Mặc dù chúng tôi hy vọng cách tiếp cận mới của Thủ tướng sẽ hiệu quả, nhưng không có lý do gì để nghĩ rằng chiến dịch lần này sẽ khác so với những phản ứng trước đây, vốn dường như tiếp tay cho vấn nạn lừa đảo”. Bà nói thêm: “Những luận điệu mà chúng tôi tiếp nhận không hề đề cập đến các nguyên tắc nhân quyền hay cách thức xác định và đối xử với nạn nhân. Ví dụ, các ngôn từ không đề cập đến nguyên tắc không trừng phạt”, ám chỉ tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức tràn lan tại các trung tâm lừa đảo.
Ngày 16/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Sokha – người bị chuyên gia về tội phạm xuyên quốc gia khuyến nghị áp đặt trừng phạt vì cáo buộc có liên quan đến ngành lừa đảo – đã đăng chỉ thị ngày 14/7 trên Facebook, ra lệnh cho các quan chức và cảnh sát địa phương triệt phá các mạng lưới lừa đảo trong khu vực họ phụ trách. Được Thủ tướng Hun Manet ký, chỉ thị này yêu cầu phối hợp trấn áp với sự tham gia của quân đội, cảnh sát quốc gia, lực lượng biên phòng, cơ quan quản lý cờ bạc và các cơ quan khác, nhằm vào các hoạt động lừa đảo và tội phạm liên quan như buôn người. Chỉ thị nêu rõ: “Các tỉnh trưởng, cảnh sát trưởng và chỉ huy phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Việc không tuân lệnh hoặc không hợp tác sẽ dẫn đến đánh giá có thể ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm, điều chuyển hoặc cách chức”.
Chính quyền Phnom Penh đã tiến hành 2 cuộc khám xét vào đúng ngày chỉ thị được đăng tải, bắt giữ 234 công dân nước ngoài tại một tổ hợp tình nghi lừa đảo, cùng với 3 công dân Trung Quốc thuộc một đường dây lừa đảo nhỏ hơn. Hầu hết các sĩ quan cảnh sát tham gia chiến dịch này đều từ chối bình luận về vụ việc, bao gồm cả việc liệu những người bị bắt giữ có được sàng lọc liên quan tới tội danh buôn người hay không, hoặc liệu có bất kỳ kẻ tình nghi cầm đầu nào nằm trong số những người bị bắt hay không.
Thông tấn xã Campuchia (AKP) đưa tin, tòa nhà bị khám xét đã được “trả lại cho chủ sở hữu để tiếp tục quản lý”. Một phần của tòa nhà, tọa lạc tại quận Toul Kork của thủ đô Phnom Penh, vẫn đang trong quá trình xây dựng. Công nhân xây dựng người Campuchia vẫn có mặt tại công trường ngày 16/7, nhưng từ chối trả lời phỏng vấn của phóng viên CamboJA.
Các chủ cửa hàng gần đó cho biết cảnh sát đã chặn đường và ngăn người qua đường chụp ảnh khi khám xét. Một người bán hàng cho biết xe ô tô hạng sang thường xuyên thả các nhóm người nước ngoài tại khu nhà này. Một người khác cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy hàng trăm người bị dẫn độ ra ngoài, khẳng định trước đây chưa từng thấy ai ra, vào tòa nhà. Ngày 15/7, Thủ tướng Hun Manet gặp các tỉnh trưởng, cảnh sát trưởng và chỉ huy quân đội để đánh giá tiến độ của chiến dịch chống lừa đảo.
Trong khi đó, Thái Lan tăng cường nỗ lực triệt phá các mạng lưới lừa đảo khu vực có liên quan đến các sòng bạc và trung tâm buôn người ở Campuchia. Đầu tháng 7, Chính quyền Thái Lan ban hành lệnh bắt giữ thượng nghị sĩ Campuchia Kok An và gia đình, cáo buộc họ điều hành các hoạt động lừa đảo nhằm vào công dân Thái Lan tại Poipet, thị trấn biên giới có khu nghỉ dưỡng sòng bạc Crown của Kok An. Các cuộc khám xét những bất động sản liên quan đến gia đình Kok An sau đó đã dẫn đến việc tịch thu tài sản và các cuộc điều tra đang được tiến hành. Cảnh sát Thái Lan cho rằng Kok An đã bỏ trốn khỏi đất nước và đã yêu cầu Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã đỏ để bắt giữ Kok An.
Cuộc trấn áp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia gia tăng sau cuộc đụng độ biên giới hồi tháng 5, dẫn đến việc đóng cửa các cửa khẩu đường bộ, lệnh cấm nhập khẩu và đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, người đang bị điều tra vì cáo buộc vi phạm đạo đức liên quan đến cuộc điện đàm bị rò rỉ với cựu Thủ tướng, đương kim Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cuối tháng 6 đã xác định ít nhất 50 địa điểm tình nghi lừa đảo tại Campuchia, trong đó Phó Giám đốc khu vực Montse Ferrer lưu ý rằng chính quyền đã kiểm tra 20 địa điểm, nhưng không đóng cửa các địa điểm đó. Bà nêu rõ: “Báo cáo của chúng tôi cho thấy tình trạng tham nhũng của chính quyền, và điều này phải được giải quyết. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy đây là một ưu tiên. Cuối cùng, hành động của chính phủ sẽ bị đánh giá, chứ không phải chính sách – vốn cho đến nay đã thất bại thảm hại”. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì cảnh giác, thúc giục các chính phủ nước ngoài xem xét chuyển hướng tài trợ và ngừng đào tạo cảnh sát và quan chức chính phủ Campuchia, thay vào đó chuyển nguồn lực sang cho các tổ chức phi chính phủ giải cứu và chống buôn người./.