Viễn cảnh không mấy sáng sủa của sự “hồi sinh” cơ chế hợp tác 3 bên Nga-Ấn-Trung
27/07/2025 11:30:52
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Viễn cảnh không mấy sáng sủa của sự “hồi sinh” cơ chế hợp tác 3 bên Nga-Ấn-Trung
TTXVN (New Delhi 24/7)
Trang mạng “thediplomat.com” có bài phân tích về việc Nga đang nỗ lực khôi phục Cơ chế hợp tác 3 bên Nga-Ấn Độ-Trung Quốc (RIC) nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược trong bối cảnh bị phương Tây cô lập. Bắc Kinh ủng hộ ý tưởng này trong khi New Delhi vẫn tỏ ra dè dặt do lo ngại cạnh tranh khu vực và ảnh hưởng từ phương Tây. Nếu được khôi phục, RIC có thể góp phần định hình một trật tự thế giới đa cực nhưng vẫn phụ thuộc vào thiện chí đối thoại giữa 3 nước. Nội dung như sau:
Tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng Moskva đang quan tâm đến việc tái khởi động cơ chế hợp tác RIC. Phát biểu tại một hội nghị an ninh diễn ra vào ngày 29/5/2025, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh:
“Tôi muốn tái khẳng định mối quan tâm thực sự đối với việc sớm khôi phục hoạt động trong khuôn khổ bộ ba Nga-Ấn-Trung”. Ông đồng thời lưu ý rằng kể từ khi được thành lập, khuôn khổ này đã “tổ chức hơn 20 cuộc họp cấp bộ trưởng... không chỉ giữa các lãnh đạo phụ trách chính sách đối ngoại mà còn có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan kinh tế, thương mại và tài chính của 3 nước”. Ý tưởng hợp tác 3 bên này lần đầu được đề xuất vào những năm 1990 và chính thức hình thành vào năm 2002, điều mà ông Lavrov cho biết là sáng kiến của Yevgeny Primakov (cố Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga).
Cuộc gặp gần nhất của các nhà lãnh đạo RIC đã diễn ra vào năm 2019 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản. Trước đó, lãnh đạo 3 quốc gia này cũng đã có một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức bên lề Hội nghị G-20 tại Buenos Aires, Argentina. Tuy nhiên, kể từ cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng RIC vào tháng 11/2021, bộ ba này đã không còn hoạt động. Ban đầu, sự gián đoạn xuất phát từ đại dịch COVID-19, sau đó tiếp tục bị đình trệ bởi căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Đông Ladakh vào năm 2020. Mặc dù vậy, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đang có dấu hiệu ấm dần, Moskva cũng tỏ ra rất quyết tâm trong việc khôi phục lại cơ chế hợp tác ba bên này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tuần trước thông báo rằng ông đang tiến hành đàm phán với cả Trung Quốc và Ấn Độ về khả năng khởi động lại RIC. Ông Rudenko nói “Chủ đề này đã được đưa ra trong các cuộc trao đổi của chúng tôi với đại diện của cả hai nước. Chúng tôi coi trọng việc duy trì hiệu quả định dạng này, bởi cả ba quốc gia đều là những đối tác chiến lược quan trọng. Sự vắng mặt của cơ chế này, theo quan điểm của tôi, dường như không phù hợp”. Những tuyên bố này cũng cho thấy rõ nỗ lực của Moskva trong việc hồi sinh RIC - một nền tảng có thể giúp Nga thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình.
Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến việc tái khởi động RIC.
Khi được hỏi về ý định khôi phục cơ chế này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiến, khẳng định “Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với Nga và Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác ba bên. Sự hợp tác giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ không chỉ phù hợp với lợi ích riêng của từng quốc gia mà còn góp phần vào hòa bình, an ninh, ổn định và sự phát triển trong khu vực cũng như trên toàn cầu”.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Bắc Kinh và New Delhi, Moskva tin rằng Ấn Độ đang bị phương Tây lôi kéo vào các chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc. Việc khôi phục cơ chế ba bên sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc có thể tiếp xúc trực tiếp hơn với Ấn Độ đồng thời giúp làm dịu những lo ngại của Bắc Kinh về việc New Delhi tham gia các khối đối trọng với họ. Ngược lại, Ấn Độ đến nay dường như vẫn chưa thể hiện sự cam kết rõ ràng đối với việc khôi phục cơ chế RIC. Khi được hỏi về khả năng nhóm ba nước hoạt động trở lại, ông Randhir Jaiswal, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đã trả lời một cách dè dặt rằng “Cơ chế tham vấn này là một khuôn khổ để ba quốc gia cùng thảo luận về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm. Về thời điểm cụ thể để tổ chức cuộc họp theo khuôn khổ RIC sẽ do cả ba nước cùng thống nhất vào thời điểm thuận tiện, và chúng tôi sẽ thông báo khi có thông tin chính thức”.
Theo truyền thông Ấn Độ, hiện tại chưa có bất kỳ cuộc họp nào của bộ ba RIC được lên kế hoạch, và các cuộc thảo luận liên quan đến việc ấn định lịch họp cũng chưa được khởi động. Tuy nhiên, xét đến tiến triển chậm nhưng ổn định trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây (bao gồm cả chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.
Jaishankar), khả năng khôi phục cơ chế RIC là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Nga sẽ nỗ lực bằng mọi cách để tái lập cơ chế này. Sự ủng hộ của Trung Quốc chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy tham vọng cũng như lợi ích chiến lược của Moskva. Mối quan hệ đối tác chiến lược mà Nga đang duy trì với cả Trung Quốc và Ấn Độ có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tái kích hoạt khuôn khổ RIC - điều mà Moskva kỳ vọng có thể đạt được bằng cách đưa hai nước này trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt đối với sự hồi sinh của RIC có thể chính là vai trò của Mỹ, đặc biệt là dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã tiếp tục theo đuổi chính sách áp thuế mạnh tay, dẫn tới căng thẳng thương mại, đặc biệt với Trung Quốc. Tư tưởng bảo hộ kinh tế của ông Trump lại không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ, khi những bất ổn về thuế quan có thể làm tổn hại đến vị thế kinh tế và chính trị của New Delhi. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp gần đây nhất giữa các nhà lãnh đạo RIC (tại Osaka năm 2019) cũng diễn ra trong một bối cảnh tương tự. Khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale khẳng định “Cả ba nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng, trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, điều quan trọng là phải duy trì xu hướng hội nhập toàn cầu.
Việc bảo vệ tự do hóa thương mại, một hệ thống thương mại mở, dựa trên luật lệ và không mang tính bảo hộ là yếu tố then chốt để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy”. Mặc dù bối cảnh hiện nay không hoàn toàn giống năm 2019 nhưng chiến lược thương mại cứng rắn của ông Trump vẫn không thay đổi và đó có thể chính là yếu tố thúc đẩy sự hồi sinh RIC.
Nếu hợp lực, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có thể tạo thành một “thế lực Á-Âu” với khả năng cân bằng lại sự thống trị của phương Tây. Cả ba quốc gia này hiện đều là thành viên của các tổ chức như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - những cơ chế vốn được xem là một phần trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của phương Tây. RIC nếu được khôi phục và vận hành hiệu quả, chắc chắn có thể góp phần thúc đẩy sự hình thành của một trật tự thế giới đa cực - nơi quyền lực được phân bổ giữa nhiều trung tâm thay vì tập trung ở phương Tây.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cần nghiêm túc ngồi lại với nhau để thảo luận một cách thực chất về các vấn đề toàn cầu và khu vực, cũng như xác định rõ các ưu tiên khu vực của mình. Cho đến khi những cuộc đối thoại đó diễn ra một cách hiệu quả, cơ chế RIC vẫn sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bất định./.