Xung đột Campuchia-Thái Lan: Ngờ vực và ảo tưởng về sự đoàn kết ASEAN
27/07/2025 12:00:55
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Xung đột Campuchia-Thái Lan: Ngờ vực và ảo tưởng về sự đoàn kết ASEAN
TTXVN/Đài Sputnik (Kuala Lumpur 26/7)
Theo báo “Astro Awani” (Malaysia) ngày 26/7, sự leo thang căng thẳng đột ngột giữa Thái Lan và Campuchia không chỉ cho thấy sự mong manh của mối quan hệ song phương, mà còn bộc lộ những thất bại sâu sắc hơn về mặt cấu trúc của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc quản lý các tranh chấp biên giới thường xuyên đe dọa sự ổn định khu vực.
Tâm điểm của cuộc khủng hoảng là một diễn biến bi thảm nhưng nguy hiểm: Thái Lan phát hiện trong lãnh thổ nước này có hơn 100 quả mìn mới được đặt. Đây là loại mìn chống bộ binh PMN-2 do Nga sản xuất. Quân đội Thái Lan, bàng hoàng trước vụ nổ khiến binh sĩ của họ bị thương, đã nhanh chóng cáo buộc Campuchia xâm phạm lãnh thổ Thái Lan và vi phạm cả luật pháp quốc tế lẫn Công ước Ottawa, mà cả hai nước đều là thành viên. Campuchia đáp trả nhanh chóng khi cho rằng quân đội Thái Lan đã xâm phạm lãnh thổ nước này, và bất kỳ vụ nổ nào cũng có thể là do bom mìn sót lại từ các cuộc xung đột trong quá khứ.
Nhưng đây không chỉ là câu chuyện về những bản đồ chồng lấn hay địa hình mờ ám. Vụ việc đã bùng lên vào tháng 5, khi một cuộc đấu súng nổ ra giữa lực lượng Thái Lan và Campuchia, khiến 1 binh sĩ Campuchia thiệt mạng. Cuộc đụng độ diễn ra gần Tam giác Ngọc lục bảo, một khu vực tranh chấp biên giới khét tiếng, tiếp giáp với cả Thái Lan, Campuchia và Lào.
Mặc dù các cuộc giao tranh trước đó giữa hai nước trong giai đoạn 2008-2011 phần lớn đã lắng xuống, nhưng bóng ma của chủ nghĩa dân tộc, bản đồ học thuộc địa và chính sách quân sự bên miệng hố chiến tranh chưa bao giờ thực sự biến mất. Thay vào đó, chúng lại được hồi sinh bởi những bất ổn chính trị trong nước.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, người đang bị đình chỉ chức vụ sau vụ rò rỉ cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cựu Thủ tướng Hun Sen, sự lãnh đạo mong manh của Thái Lan vốn bị lung lay bởi bất đồng nội bộ, đã trở nên rối ren với chính trị biên giới. Nhà lãnh đạo mới của Campuchia, Hun Manet, con trai của cựu Thủ tướng Hun Sen, cũng đang chịu áp lực phải khẳng định chủ quyền quốc gia và sức mạnh quân sự. Do đó, sự việc bắt đầu từ một vụ tai nạn mìn bi thảm đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành tính chính danh của chủ nghĩa dân tộc.
Tuy nhiên, thảm kịch này còn vượt ra ngoài những mất mát cá nhân và sân khấu chính trị. Người dân sống dọc biên giới đã buộc phải tạm dừng giao thương xuyên biên giới, hủy bỏ các phiên chợ và sống trong nỗi sợ hãi về việc kích hoạt mìn mà lẽ ra không bao giờ nên có ở đó. Sinh kế của người dân địa phương, vốn đã căng thẳng bởi những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, giờ đây lại bị xói mòn bởi các vấn đề địa chính trị được ngụy trang dưới vỏ bọc cảnh giác lãnh thổ.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự im lặng của ASEAN. Như thường lệ, nguyên tắc không can thiệp đã lỗi thời của ASEAN đã khiến khối này trở nên trì trệ trước những xung đột đang rình rập. Các cơ chế của ASEAN - Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội đồng cấp cao Hiệp ước thân thiện và hợp tác - vẫn nằm trên giấy tờ nhưng chưa được triển khai.
Không có cuộc họp khẩn cấp nào diễn ra, không có phái đoàn điều tra nào được cử đi, và chắc chắn không có tiếng nói tập thể nào lên tiếng kêu gọi bình tĩnh. Về lý thuyết, ASEAN được cho là bên bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực. Nhưng trên thực tế, khối này chỉ đứng ngoài quan sát.
Campuchia hiện đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cố gắng quốc tế hóa tranh chấp.
Thái Lan, như dự đoán, đã bác bỏ thẩm quyền của ICJ, viện dẫn chủ quyền và các phán quyết pháp lý trước đó. Cuộc đấu tranh pháp lý này có thể kéo dài nhiều năm trong khi căng thẳng trên thực địa vẫn tiếp tục âm ỉ. Hơn nữa, việc phân định các đường biên giới chưa được giải quyết và mối quan hệ song phương từ lâu bị ám ảnh bởi lịch sử.
Lịch sử đóng vai trò rất quan trọng. Tranh chấp giữa hai nước về Đền Preah Vihear, được ICJ phán quyết vào năm 1962 và được xem xét lại vào năm 2013, vẫn là một vết sẹo chưa bao giờ lành hẳn. Người dân ở cả hai bên biên giới đã trải qua những đợt pháo kích và bãi mìn trước đó. Ký ức về chiến tranh không chỉ tồn tại trên lý thuyết mà thực sự cận kề, sống động và đầy sợ hãi.
Đó chính xác là lý do tại sao cuộc khủng hoảng này không thể tiếp tục âm ỉ. Nếu không được kiểm soát, nó có thể tiếp tục thúc đẩy quân sự hóa. Quân đội Thái Lan đã bắt đầu tăng cường tuần tra, trong khi quân đội Campuchia vẫn trong tình trạng báo động cao. Chỉ một sai lầm nhỏ hoặc giao tiếp sai lệch cũng có thể dẫn đến một cuộc đụng độ chết người khác. Trong thời đại của máy bay không người lái, mạng xã hội và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột có thể lan rộng nhanh hơn khả năng kiềm chế của ngoại giao.
Điều trớ trêu là cả Campuchia và Thái Lan đều là các bên tham gia hiệp ước hòa bình, là thành viên của ASEAN và được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ thương mại và du lịch xuyên biên giới chung. Tuy nhiên, hai nước lại bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn leo thang và phủ nhận, do sự thụ động của ASEAN và sự phân tâm của cộng đồng quốc tế.
Đây là thời điểm ASEAN cần phải khẩn trương vào cuộc, không chỉ với tư cách là bên triệu tập mà còn là bên hòa giải. ASEAN phải triển khai các giám sát viên khách quan, có thể phối hợp với Cơ quan hành động bom mìn của Liên hợp quốc (UNMAS), để xác minh các khiếu nại về bom mìn. Một cuộc điều tra chung có thể mang lại sự minh bạch cần thiết để xoa dịu trò chơi đổ lỗi. Quan trọng hơn, cả hai quốc gia phải tái cam kết kết phân định ranh giới chung một cách chính trực và chính xác về mặt kỹ thuật, dựa trên các bản đồ đã được thống nhất và các chuẩn mực quốc tế, chứ không phải dựa trên các động thái chính trị cảm tính.
Cuối cùng, không có tranh chấp nào đáng giá bằng mạng sống của một người lính, một chàng trai trẻ bị mất chân hay nỗi sợ hãi hàng ngày của một người nông dân trồng lúa trên mảnh đất của mình. Biên giới có thể định nghĩa các quốc gia, nhưng sự khôn ngoan để ngăn chặn chiến tranh là một nghệ thuật chính trị. Đã đến lúc cả Thái Lan và Campuchia - và ASEAN - phải lựa chọn sự khôn ngoan.
Nhận định về xung đột Thái Lan-Campuchia, Phó giáo sư Koo In Hoe, Khoa Quan hệ Quốc tế và Nhân quyền Đại học Malaya, cho rằng leo thang xung đột giữa hai nước không phải ngẫu nhiên mà là “ngọn lửa được châm ngòi bởi sai lầm chính trị và làn sóng dân tộc chủ nghĩa”. Ông nêu rõ: “Những va chạm gần đây là hệ quả của căng thẳng tích tụ lâu dài lẫn bối cảnh chính trị thời sự. Mồi lửa bắt nguồn từ vở kịch chính trị có sự tham gia của hai gia tộc quyền lực: dòng họ Shinawatra ở Thái Lan và gia đình Hun ở Campuchia. Đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Thái Lan Phetongthan Shinawatra và cựu Thủ tướng Hun Sen công bố gần đây đã gây phản ứng chính trị tiêu cực tại Bangkok. Sự việc đẩy chính phủ Thái Lan vào thế khó và kích động chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước”.
Theo chuyên gia Koo In Hoe, mặc dù các vụ đụng độ biên giới dẫn đến “tái bùng phát xung đột trên thực địa”, chính bê bối chính trị mới là “chất xúc tác”. Ông nói: “Đây không phải tai nạn bất ngờ. Đó là ngọn lửa âm ỉ được châm bùng bởi sai lầm chính trị và tâm lý dân tộc cực đoan. Nếu lời lẽ dân tộc chủ nghĩa gia tăng như trong các vụ xung đột trước, tình hình có thể nhanh chóng biến thành bất ổn xã hội”.
Hơn nữa, sự leo thang căng thẳng đã gây ra tác động tiêu cực sâu sắc đến người dân cả hai nước, đặc biệt là những người sống ở khu vực biên giới. Hàng ngàn người trong số này đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Chuyên gia Koo In Hoe kết luận:
“Ngoài tác động vật chất, còn có nguy cơ thực sự làm gia tăng sự ngờ vực giữa hai quốc gia. Khả năng này phụ thuộc phần lớn vào cách các nhà lãnh đạo chính trị và truyền thông mô tả cuộc xung đột. Nếu những luận điệu dân tộc chủ nghĩa gia tăng, như đã từng xảy ra trong các cuộc đụng độ trước đây, tình hình có thể dễ dàng leo thang thành căng thẳng xã hội. Chúng ta đã thấy thông tin sai lệch và những câu chuyện mang tính cảm xúc có thể kích động tâm lý công chúng nhanh chóng như thế nào”./.