Trung Quốc đang xây dựng một đế chế dữ liệu như thế nào?
27/07/2025 12:30:39
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Trung Quốc đang xây dựng một đế chế dữ liệu như thế nào?
TTXVN (Paris 25/7)
Báo “Le Nouvel Economiste” của Pháp gần đây có bài phân tích về cách Trung Quốc xây dựng một đế chế dữ liệu lớn. Toàn bộ chiến lược của Bắc Kinh dựa trên dữ liệu, thứ đang cách mạng hóa nền kinh tế Internet và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Khoảng 1,1 tỷ người dùng internet tại Trung Quốc đang tạo ra lượng dữ liệu lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Mạng lưới camera nhận dạng khuôn mặt rộng lớn của quốc gia này cũng đứng đầu thế giới.
Khi xe tự lái lướt nhanh trên đường phố và drone lượn trên bầu trời, chất lượng và giá trị của thông tin từ các công nghệ mới nổi sẽ càng bùng nổ. Nhưng khối lượng dữ liệu khổng lồ không phải là điều duy nhất khiến Trung Quốc trở nên khác biệt. Chính phủ Trung Quốc cũng đang tích hợp quản lý dữ liệu vào nền kinh tế và an ninh quốc gia. Chiến lược này có những tác động sâu rộng đối với Trung Quốc, và mang lại bài học cho các nền dân chủ.
Chia sẻ dữ liệu quy mô lớn Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc xem dữ liệu như một yếu tố sản xuất, tương tự như lao động, nguồn vốn và đất đai. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định dữ liệu là một nguồn lực cơ bản “có tác động mang tính cách mạng” đối với cạnh tranh quốc tế. Tầm nhìn này có quy mô chưa từng có, bao trùm mọi lĩnh vực, từ quyền tự do dân sự, lợi nhuận của các công ty internet cho đến tham vọng dẫn đầu toàn cầu về AI của Trung Quốc.
Tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình đang được triển khai nhanh chóng. Năm 2021, Trung Quốc đã ban hành các quy định lấy cảm hứng từ Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU). Hiện tại, Trung Quốc đang có những bước đi đáng kể, rời xa các chuẩn mực phương Tây. Mọi cấp chính quyền đều phải huy động các nguồn dữ liệu sẵn có. Một dự án quy mô lớn nhằm đánh giá dữ liệu do các doanh nghiệp nhà nước tích lũy đang được triển khai. Mục tiêu là định giá chúng như tài sản, bổ sung vào bảng cân đối kế toán hoặc giao dịch trên các sàn giao dịch công khai. Vào ngày 3/6/2025, Quốc vụ viện đã ban hành các quy định mới yêu cầu mọi cấp chính quyền phải chia sẻ nguồn dữ liệu.
Một biện pháp quan trọng khác là việc triển khai “Thẻ căn cước kỹ thuật số” từ ngày 15/7. Với loại thẻ kiểm soát này, chính quyền trung ương sẽ có thể kiểm soát lịch sử truy cập vào tất cả các trang web, ứng dụng mà mỗi công dân sử dụng. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty công nghệ trong việc liên kết tên của một người với hoạt động trực tuyến của họ. Họ sẽ chỉ thấy một chuỗi số và chữ cái ẩn danh. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng lo ngại là dữ liệu truy cập này một ngày nào đó có thể được sử dụng như một công cụ giám sát nhà nước hàng loạt.
Thiên đường cho sự giám sát, kiểm duyệt Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc dường như là tạo ra một biển dữ liệu quốc gia tích hợp, không chỉ bao gồm người tiêu dùng mà còn cả hoạt động công nghiệp và nhà nước. Những lợi ích này rất rõ ràng, bao gồm quy mô kinh tế để đào tạo các mô hình AI và giảm thiểu rào cản gia nhập cho các công ty nhỏ, mới thành lập.
Tuy nhiên, một số nhược điểm cũng rõ ràng không kém. Đã có nhiều vụ việc thể hiện sự yếu kém trong việc quản lý dữ liệu cá nhân, ví dụ như Cảnh sát Thượng Hải đã mất 1 tỷ hồ sơ sau một vụ tấn công mạng.
Nếu các công ty tư nhân mất quyền kiểm soát dữ liệu do họ tạo ra, lợi nhuận của họ có thể bị ảnh hưởng, làm giảm động lực đổi mới. Mặc dù hệ thống căn cước kỹ thuật số có thể thay thế hệ thống giám sát trực tuyến hiện tại vốn cồng kềnh hơn, nơi các đặc vụ cấp thấp lạm quyền, thì cách tiếp cận mới này rất giống một thiên đường của chế độ giám sát.
Đi trước nền dân chủ Hầu hết các quốc gia đang vật lộn với việc quản lý và kiểm soát dữ liệu. Có thông tin cho rằng chính quyền Trump có thể cân nhắc thuê công ty công nghệ Palantir để bảo vệ cơ sở dữ liệu chính phủ. EU có thể cần cập nhật các quy tắc GDPR. Hệ thống ID Aadhaar của Ấn Độ nhấn mạnh vào quyền riêng tư, có khả năng gây tổn hại đến sự phục hồi kinh tế.
Mọi quốc gia đều cần quản lý dữ liệu hiệu quả và quy mô lớn.
Nhưng nhiệm vụ này khó khăn hơn đối với các nền dân chủ, vì họ phải thiết lập các cơ chế kiểm tra và cân bằng để bảo vệ quyền sở hữu, quyền riêng tư và quyền tự do cá nhân. Khi bắt tay vào thử nghiệm quy mô lớn, Trung Quốc sẽ ít chú trọng đến những khía cạnh này và có thể xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả và phi đạo đức. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã là “một kẻ theo sau nhanh chóng” các sáng kiến của phương Tây. Nếu Trung Quốc hiện đang đi trước bằng cách chứng minh giá trị tài chính của kho dữ liệu quốc gia, phương pháp tập trung hóa của họ sẽ đặt ra không chỉ một thách thức kinh tế mà còn cả vấn đề chính trị nữa./.