Ngoại giao-an ninh Hàn Quốc: Chủ nghĩa thực dụng và tầm nhìn mới (phần cuối)
27/07/2025 01:16:41
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
NGOẠI GIAO-AN NINH HÀN QUỐC: CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG VÀ TẦM NHÌN MỚI
(Phần cuối)
Chính sách đối với Nhật Bản: Tìm kiếm giải pháp thực tiễn trên nền tảng nhất quán Quan hệ Hàn-Nhật đang bước vào một thời điểm then chốt. Đối với Chính quyền Tổng thống Lee Jae Myung, nhiệm vụ trước mắt là xử lý những vướng mắc còn tồn đọng từ thời chính quyền tiền nhiệm Yoon Suk Yeol, đồng thời bảo vệ đà giao lưu nhân dân đang phục hồi mạnh mẽ với hơn 12 triệu lượt trao đổi mỗi năm. Trong bối cảnh giao thoa này, việc duy trì và củng cố bầu không khí hữu nghị giữa 2 dân tộc trở nên đặc biệt quan trọng.
Sự chuyển dịch trật tự quốc tế từ đơn cực sang đa cực, cùng những biến động chưa định hình rõ ràng, đang buộc Hàn Quốc phải mở rộng lựa chọn chiến lược. Trong đó, hợp tác với Nhật Bản - nếu được định hướng đúng đắn - có thể giúp Seoul ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu. Kinh nghiệm từ Chính quyền Moon Jae In cũng cho thấy: Quan hệ ổn định với Tokyo chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc chuyển giao chính phủ trùng với 3 cột mốc lịch sử quan trọng: 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Nhật, 80 năm ngày Giải phóng bán đảo Triều Tiên và 120 năm Hiệp ước Eulsa - hiệp định đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ Nhật thực dân hóa Triều Tiên. Những mốc thời gian này không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, mà còn nhắc nhở 2 nước rằng đã đến lúc cần một cách tiếp cận dũng cảm và thành thật hơn đối với quá khứ.
Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ thẳng thắn làm rõ với Tokyo rằng việc “khép lại quá khứ” không thể là trách nhiệm của một bên. Đó là nghĩa vụ chung của cả 2 quốc gia, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhất quán và tầm nhìn dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh 2 nước đang hướng tới việc trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Một trong những bước đi cần thiết là xem xét lại những giới hạn của Hiệp ước cơ bản Hàn-Nhật năm 1965. Điều 2 của hiệp ước - liên quan đến tính hợp pháp của thời kỳ thực dân - vẫn là điểm gây tranh cãi và cần được tiếp cận với tinh thần cởi mở hơn. Nếu muốn xây dựng một nền tảng bền vững trong thế kỷ 21, 2 nước không thể tiếp tục “để quá khứ làm hiện tại mắc kẹt”.
Một chủ đề lịch sử nhạy cảm khác là vấn đề “phụ nữ mua vui” - vốn kéo dài qua nhiều chính phủ và luôn làm lu mờ nỗ lực tái lập lòng tin song phương. Chính phủ Hàn Quốc cần mở rộng phạm vi giải pháp, không chỉ theo đuổi sự đền bù hay xin lỗi, mà hướng tới xây dựng một khuôn khổ giải quyết dựa trên sự thừa nhận lịch sử, công bằng và thiện chí ngoại giao. Một sáng kiến tiến bộ và nhân văn trong vấn đề này có thể tạo nền tảng cho đối thoại chính thức, giúp 2 nước cùng vượt qua một trong những trở ngại lớn nhất của quan hệ song phương.
Tổng thống Lee Jae Myung, từ khi tranh cử đến khi nhậm chức, luôn khẳng định lập trường thực dụng nhưng nhất quán trong chính sách đối ngoại. Quan điểm này đã được nhiều chính trị gia tại Tokyo đón nhận như một tín hiệu mở ra cơ hội thiết lập không gian đối thoại minh bạch và mang tính xây dựng hơn giữa 2 nước.
Chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Ishiba cũng đang thể hiện thiện chí tái khởi động quan hệ song phương sau cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7. Dự kiến, Liên minh Nghị sĩ Hàn-Nhật sẽ thăm Seoul vào cuối tháng 8 - một động thái phù hợp với xu thế đối thoại và hàn gắn.
Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của Tổng thống Lee Jae Myung vào ngày Giải phóng bán đảo Triều Tiên (15/8) sẽ có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Đây không chỉ là cơ hội để khẳng định định hướng chiến lược với Tokyo, mà còn là dịp để gửi đi thông điệp rõ ràng về cam kết hướng tới tương lai trên nền tảng công lý, tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau vượt qua quá khứ.
Chính sách với Nga: Quản lý không gian phương Bắc trong bối cảnh hậu chiến Cuộc chiến Nga-Ukraine, bước sang năm thứ 4, đã vượt xa dự báo ban đầu về khả năng sớm kết thúc. Đến nay, Nga kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine - tương đương diện tích Hàn Quốc - và vẫn giữ thế chủ động tương đối trên chiến tuyến. Tuy nhiên, khác với Ukraine - quốc gia nhận được hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ và NATO - Nga đang trong tình trạng cô lập chiến lược, khi không nhận được viện trợ vũ khí sát thương từ bất kỳ cường quốc nào, ngoại trừ sự hỗ trợ quân sự công khai từ Triều Tiên.
Mặc dù đạt mức tăng trưởng GDP 3,6% trong năm 2024, kinh tế Nga đang chạm ngưỡng giới hạn của một nền kinh tế thời chiến. Lạm phát cuối năm vượt 12%, lãi suất cơ bản tăng lên 21%, và khoảng 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng - một con số đáng báo động. Gần 10% tổng sản lượng công nghiệp cũng đã được huy động phục vụ cho chiến tranh, cho thấy mô hình “tự lực cầm cự” của Nga đang phải chịu áp lực lớn cả về tài chính lẫn xã hội.
Ở chiều ngược lại, Ukraine - dù tiếp tục nhận viện trợ quốc tế - cũng đang suy yếu về năng lực tác chiến. Những đợt không kích đáp trả lẫn nhau gần đây cho thấy nguy cơ leo thang vẫn hiện hữu, nhưng với thực trạng hiện nay của cả 2 bên, một lệnh ngừng bắn trong trung hạn là khả thi, dù chưa có lối ra rõ ràng cho các vấn đề gai góc như phân chia lãnh thổ hay khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Một hệ lụy nghiêm trọng từ chiến sự là việc Triều Tiên trở thành đối tác quân sự chủ lực của Nga, cung cấp cả vũ khí và nhân lực. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng sẽ nhận được công nghệ quân sự tiên tiến mà nước này khó tự phát triển, như máy bay cảnh báo sớm, tên lửa không đối không, hoặc tàu khu trục hiện đại. Nếu kịch bản đó trở thành hiện thực, năng lực vũ khí thông thường của Triều Tiên - bên cạnh kho hạt nhân - sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng mới đối với an ninh Hàn Quốc. Vì vậy, việc ngăn chặn hợp tác quân sự Nga-Triều vượt qua “lằn ranh đỏ” được xác định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối với Nga của Chính quyền Lee Jae Myung.
Dù đang bị phương Tây cô lập, Nga vẫn duy trì lợi ích lâu dài trong hợp tác kinh tế với bán đảo Triều Tiên - một phần trong “Chính sách phương Đông mới” của Tổng thống Putin. Các dự án như tuyến đường sắt xuyên Siberia (TSR), tuyến hàng hải Bắc Cực và đầu tư vào vùng Viễn Đông Nga được kỳ vọng sẽ giúp Moskva tăng cường kết nối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh xu hướng “xoay trục về phía Đông” ngày càng rõ nét.
Đây là cơ hội để Hàn Quốc tái thiết lập tầm nhìn chiến lược đối với không gian phương Bắc, kế thừa các sáng kiến như “Chính sách phương Bắc” dưới thời Tổng thống Roh Tae Woo, “Sáng kiến Á-Âu” thời Park Geun Hye hay “Chính sách phương Bắc mới” của Moon Jae In. Mục tiêu là quản lý chủ động không gian địa chiến lược này sau khi chiến tranh kết thúc, từ đó tăng cường vai trò của Hàn Quốc trong mạng lưới kết nối lục địa Á-Âu.
Không giống như Mỹ và châu Âu - những bên trực tiếp tham gia viện trợ quân sự cho Ukraine - Hàn Quốc hiện có vị thế trung lập tương đối trong xung đột Nga-Ukraine. Điều này mở ra khả năng để Seoul tiếp cận Moskva thông qua các kênh hợp tác phi quân sự, như viện trợ nhân đạo, tái thiết cơ sở hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương sau chiến tranh.
Chính quyền Lee Jae Myung được khuyến nghị duy trì chính sách thực dụng, vừa giữ khoảng cách hợp lý với các diễn biến quân sự, vừa chủ động tận dụng giai đoạn hậu chiến để thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới với Nga - đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, logistics, kết nối xuyên lục địa và phát triển vùng cực.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu ngày càng phức tạp, không gian phương Bắc không chỉ là điểm nóng an ninh, mà còn là vùng đệm chiến lược và cửa ngõ kinh tế tiềm năng. Việc điều chỉnh chính sách đối với Nga theo hướng linh hoạt, thực tế và dài hạn sẽ giúp Hàn Quốc nâng cao vai trò tại Đông Bắc Á và tăng cường sức đề kháng trước các cơn địa chấn địa chính trị đang hình thành sau chiến tranh.
Chính sách liên Triều: Thiết lập quan hệ mới dựa trên chủ nghĩa thực dụng Quan hệ liên Triều đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Từ cuối năm 2023, Triều Tiên đã chính thức tuyên bố coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, chấm dứt toàn bộ kênh liên lạc giữa 2 miền. Trên thực tế, trạng thái bế tắc đã bắt đầu từ sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội năm 2019 và được chính thức hóa trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2024 của Bình Nhưỡng, vốn phản ánh quan điểm “2 nhà nước đối đầu” trên bán đảo.
Dưới thời chính quyền tiền nhiệm, Hàn Quốc chủ yếu áp dụng chính sách răn đe cứng rắn, làm thu hẹp không gian đối thoại. Trong khi đó, Triều Tiên chuyển sang chiến lược ngoại giao kiểu Chiến tranh Lạnh, tăng cường hiện đại hóa quân sự và lần đầu tiên đưa binh sĩ ra nước ngoài tham chiến tại Ukraine. Trong bối cảnh đó, các nguyên tắc về thống nhất và hòa bình từng được ghi nhận trong Thỏa thuận cơ bản liên Triều năm 1992 đang dần mất đi tính thực chất.
Trước thực tế này, chính phủ Tổng thống Lee Jae Myung chủ trương tái định hình chính sách liên Triều theo hướng thực dụng, kết hợp giữa răn đe vững chắc và thiện chí đối thoại. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông tuyên bố: “Hòa bình, dù phải trả giá đắt đến đâu, vẫn tốt hơn chiến tranh. Và thắng lợi vững chắc nhất là thắng lợi không cần chiến đấu”. Theo đó, chính phủ mới cam kết duy trì thế răn đe dựa trên liên minh Hàn-Mỹ và sức mạnh quân sự chủ động, đồng thời từng bước khôi phục các kênh liên lạc và xây dựng nền tảng cho đối thoại ổn định.
Để hiện thực hóa chiến lược này, chính phủ đã bổ nhiệm một số cựu quan chức từng tham gia hoạch định Chính sách Ánh dương vào các vị trí chủ chốt trong bộ phận xây dựng chính sách đối với Triều Tiên, thể hiện rõ quyết tâm thiết lập lại quan hệ 2 miền. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nối lại liên lạc sẽ khó thành công nếu không có sự thay đổi lập trường từ phía Bình Nhưỡng - điều chưa có dấu hiệu xảy ra trong ngắn hạn.
Trước mắt, Seoul cần tập trung khôi phục cơ chế trao đổi phi chính phủ trong lĩnh vực nhân đạo và y tế, tạo tiền đề xây dựng lại lòng tin giữa 2 bên. Nếu Bình Nhưỡng phát đi tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Mỹ hoặc Nhật Bản, đây sẽ là cơ hội để Hàn Quốc can dự, giảm thiểu nguy cơ đối đầu và thúc đẩy lộ trình hòa bình mang tính trung và dài hạn.
Bên cạnh các sáng kiến song phương, Chính quyền Lee Jae Myung cũng nên đẩy mạnh đối thoại đa phương với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản - các bên có ảnh hưởng đến tiến trình phi hạt nhân hóa. Đồng thời, cần linh hoạt đưa ra các đề xuất như nới lỏng trừng phạt mang tính nhân đạo, hoặc hỗ trợ y tế và thực phẩm cho người dân Triều Tiên - một bước đi có thể gia tăng thiện chí mà không làm phương hại đến lập trường nguyên tắc của Seoul.
Giữ vững lợi ích quốc gia trong một thế giới biến động Chính sách liên Triều của Chính quyền Lee Jae Myung cần được triển khai trong bối cảnh thế giới đang trải qua làn sóng bất ổn mang tính hệ thống: Chiến sự Nga-Ukraine chưa có hồi kết; Triều Tiên lần đầu can dự quân sự bên ngoài khu vực; căng thẳng gia tăng tại Trung Đông và Nam Á; chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy dưới các chính sách thuế quan của Mỹ; và chủ nghĩa dân tộc cực đoan lan rộng trên toàn cầu.
Trong môi trường ấy, ngoại giao không thể là một công cụ mang tính hình thức, mà phải trở thành trụ cột định hình vị thế quốc gia. Tư tưởng “ngoại giao thực dụng” mà Tổng thống Lee Jae Myung theo đuổi là lời khẳng định về một cách tiếp cận đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, điều phối linh hoạt giữa an ninh, kinh tế và chiến lược - dựa trên thực tế, thay vì ý thức hệ hay đối đầu cứng nhắc.
Sáu tháng bất ổn nội bộ - từ lệnh thiết quân luật cho đến cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn - đã phơi bày rõ những giới hạn của Hàn Quốc khi bị cuốn vào dòng chảy khủng hoảng toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, chính sách liên Triều không thể chỉ mang tính phản ứng, mà cần trở thành một phần chiến lược lớn hơn để xây dựng một Đại Hàn Dân Quốc tự cường, linh hoạt và vững vàng trước bất trắc.
Và cuối cùng, hiệu quả của chính sách liên Triều - cũng như toàn bộ chiến lược đối ngoại thực dụng - sẽ không chỉ được đo bằng tuyên bố chính thức hay hội nghị cấp cao, mà phải thể hiện bằng kết quả cụ thể: Sự ổn định trong khu vực, niềm tin của người dân, và vai trò ngày càng rõ nét của Hàn Quốc trong việc kiến tạo hòa bình ở Đông Bắc Á./.