Vén bức màn bí mật về con đập mới của Trung Quốc
28/07/2025 08:30:44
3 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Vén bức màn bí mật về con đập
mới của Trung Quốc TTXVN (Sydney 25/7)
Trang tin “The Strategist” (Australia) ngày 25/7 đăng bài viết cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một con đập khổng lồ, một con đập sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với Ấn Độ và Bangladesh.
Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố đã khởi công xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Tsangbo ở Tây Tạng. Đây là con sông mà khi chảy vào vùng Đông Bắc Ấn Độ, nó được gọi là Brahmaputra, và sau đó, nó chảy vào Bangladesh.
Dự án này đã vấp phải sự chỉ trích vì những tác động tiêu cực đến người dân và môi trường ở cả hai quốc gia hạ lưu. Việc Trung Quốc bác bỏ những lời chỉ trích này cần được xem xét với một chút hoài nghi, do hồ sơ kém cỏi của nước này trong việc bảo vệ hệ sinh thái đang bị đặt dấu hỏi.
Những lo ngại về nguy cơ gây ra sự gián đoạn sinh thái nghiêm trọng đối với dãy Himalaya mong manh là có thật. Khu vực này đang hoạt động địa chấn mạnh mẽ, và dự án này có thể làm tăng tần suất lũ lụt, động đất và lở đất.
Trung Quốc đang chi khoảng 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (170 tỷ USD) cho con đập mà họ gọi là Nhà máy Thủy điện Medog. Ở một phần của con sông được gọi là Great Bend, đập này sẽ vượt qua đập Tam Hiệp để trở thành dự án lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ sản xuất lượng điện gấp 3 lần - 300 tỷ kilowatt/h mỗi năm, nhiều hơn mức tiêu thụ của Anh năm 2024.
Theo một bài báo của hãng tin Tân Hoa hồi tháng 12/2024, đây là một phần trong chiến lược hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc. Tuy nhiên, lý do Trung Quốc quan tâm đến dự án này có thể liên quan đến việc thúc đẩy nhu cầu đối với các ngành công nghiệp đang dư thừa công suất, chẳng hạn như xây dựng dân dụng. Điều này cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Rõ ràng, đây cũng là lý do chiến lược. Trung Quốc dường như coi nước là công cụ để gây sức ép với các quôc gia láng giềng, chẳng hạn như Ấn Độ, giống như cách họ đã sử dụng sức ép kinh tế đối với Australia và Nhật Bản.
Là một quốc gia thượng nguồn, Trung Quốc có quyền kiểm soát quá mức đối với dòng chảy của sông. Với một con đập thượng nguồn khổng lồ như vậy, nước này sẽ có thể tùy ý đóng mở vòi nước, hạn chế dòng chảy trong mùa khô và tăng dòng chảy khi gió mùa, gây ra lũ lụt.
Ấn Độ, vốn từ lâu đã vướng vào các tranh chấp chính trị và lãnh thổ với Trung Quốc, coi đó như một hồi chuông cảnh báo. Các quan chức và chuyên gia Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại. Pema Khandu, Thủ hiến bang biên giới Arunachal Pradesh của Ấn Độ, phát biểu trong tháng này: “Vấn đề là Trung Quốc không đáng tin cậy. Không ai biết họ có thể làm gì… Điều này sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu cho các bộ lạc và sinh kế của chúng tôi. Nó khá nghiêm trọng vì Trung Quốc thậm chí có thể sử dụng nó như một loại bom nước”.
Còn một lo ngại nữa là khi xây dựng đập, Trung Quốc cũng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Tây Tạng, chẳng hạn như đường sá, mà họ có thể sử dụng để đưa sức mạnh quân sự khổng lồ vào biên giới Ấn Độ.
Không gì có thể chắc chắn ngăn cản Trung Quốc biến nước thành vũ khí. Có lẽ lý do duy nhất kiềm chế họ sẽ là họ không muốn gây tổn hại cho Bangladesh, quốc gia có mối quan hệ quan trọng với Ấn Độ. Ấn Độ không có biện pháp pháp lý nào vì họ không có thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với Trung Quốc giống như Hiệp ước Nước Ấn Độ-Pakistan hay Hiệp ước Sông Hằng Ấn Độ-Bangladesh. Với Trung Quốc, Ấn Độ chỉ có một biên bản ghi nhớ hạn chế tập trung vào việc chia sẻ dữ liệu về nước.
Dù sao thì ý nghĩa của bất kỳ hiệp ước nào thì cũng đều đáng ngờ. Những hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở những nơi khác, bao gồm cả Biển Đông, đã chứng minh rõ ràng rằng họ sẽ không đảm bảo sẽ hành xử một cách tử tế./.