Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU - Bài cuối: Cái bắt tay còn để ngỏ
28/07/2025 13:39:54
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU - Bài cuối: Cái bắt tay còn để ngỏ
TTXVN (Washington, New York 28/7): Theo tờ The Washington Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố những nét chính của thỏa thuận thương mại khung giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vào chiều ngày 27/7 tại khu nghỉ dưỡng Trump Turnberry ở Scotland.
Đối với EU, mức thuế suất chung 15% tệ hơn nhiều so với những gì mà các quan chức châu Âu từng kỳ vọng. Khối này đã đề xuất mức thuế "0 đổi 0". Gắn bó trong mối quan hệ đồng minh và quân sự truyền thống, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ.
Và sau nhiều tháng nhận được những tín hiệu lẫn lộn và lời đe dọa từ chính quyền Tổng thống Trump, các quan chức EU cho biết họ mong muốn có một thỏa thuận mang lại sự ổn định cho các ngành công nghiệp quan trọng, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể lập kế hoạch và đầu tư hiệu quả hơn. “Trong thời điểm hỗn loạn này, việc cải thiện khả năng dự đoán là điều các doanh nghiệp cần nhất”, bà von der Leyen phát biểu với báo giới.
Mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU - gần 236 tỷ USD trong năm 2024 - từ lâu đã là vấn đề khiến ông Trump phàn nàn. Tuy nhiên, Mỹ có thặng dư lớn về thương mại dịch vụ (du lịch, giáo dục và tài chính), giúp cán cân thương mại song phương gần như cân bằng, với tổng giá trị trao đổi đạt khoảng 1.800 tỷ USD và mức thâm hụt ròng chưa đến 100 tỷ USD.
* Thỏa thuận trước thời hạn chót Thuế quan áp dụng với ô tô là một trong những vấn đề gai góc nhất trong đàm phán giữa hai bên, đặc biệt với Đức - quốc gia xuất khẩu hàng đầu của EU sang Mỹ. Ông Trump cho biết EU sẽ dỡ bỏ rào cản đối với các công ty Mỹ và gợi ý rằng người châu Âu sẽ thích xe SUV và xe bán tải Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định quy định khắt khe và hạ tầng giao thông nhỏ hẹp tại châu Âu khó cho phép tăng mạnh doanh số xe Mỹ.
Trước cuộc gặp với bà von der Leyen, ông Trump đã nói rằng ông đang không hài lòng và cho rằng vẫn còn khoảng 4 vấn đề lớn chưa được giải quyết. Bản thân ông và bà von der Leyen đều nhận định cơ hội đạt thỏa thuận chỉ là “50-50”.
Chủ tịch EC được cho là đã “đánh trúng” vào hình ảnh mà ông Trump tự xây dựng về bản thân như một nhà đàm phán cứng rắn và người làm nên các thỏa thuận. Bà đã gọi thỏa thuận này là “có lợi cho các ngành công nghiệp đôi bên”. Bà cũng khẳng định: “Thỏa thuận này đặt nền tảng để tiếp tục cắt giảm thuế quan thêm nữa”, đồng thời tiết lộ hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong những tuần tới.
Trong khi đó, thời hạn 1/8/2025 - thời điểm chính quyền Tổng thống Trump cam kết sẽ áp thuế mới nếu không đạt được thỏa thuận với các đối tác thương mại - đang đến gần. Theo kênh truyền hình CNN, ông Trump ngày 27/7 tái khẳng định sẽ áp thuế với các quốc gia không đạt được thỏa thuận trước thời điểm nói trên, ngoại trừ các biện pháp áp với thép và nhôm nhập khẩu.
Ngồi cạnh ông Trump tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Chủ tịch von der Leyen, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết Mỹ sẽ công bố thuế mới với chất bán dẫn trong vòng hai tuần tới. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Fox News Sunday” cùng ngày, ông Lutnich đã nói rằng sẽ không có thêm bất kỳ gia hạn hay thời gian ân hạn nào sau ngày 1/8/2025, nhưng “các nền kinh tế lớn” vẫn có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ. “Ngày 1/8, các mức thuế sẽ được ấn định và có hiệu lực”, ông nói.
Việc đạt được thỏa thuận với EU được đánh giá là khó khăn hơn nhiều so với Nhật Bản hay các quốc gia khác, do quy mô kinh tế - thị trường EU lên đến 450 triệu người tiêu dùng và cơ cấu đàm phán của EU với 27 nước thành viên.
Không có văn bản chung hay tuyên bố chính thức nào được công bố sau cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao. Một nguồn tin thân cận với đoàn đàm phán EU cho biết, việc nhanh chóng cụ thể hóa nội dung thỏa thuận thành văn bản là điều cấp thiết. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ thông báo chi tiết cho Đại sứ các nước thành viên EU tại Brussels trong ngày 28/7.
* Một thỏa thuận có ý nghĩa lớn với Tổng thống Trump?
Tờ The New York Times nhận định thỏa thuận với EU có thể giúp chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố về một chiến thắng lớn, trong cuộc chiến thương mại toàn cầu do ông Trump phát động.
Nhiều tháng qua, việc ông Trump liên tục tuyên bố về tốc độ đàm phán các thỏa thuận thương mại, hứa hẹn sẽ đạt được hàng loạt thỏa thuận trước thời hạn áp thuế ngày 1/8 đã trở thành một “dấu hỏi” ở Washinton. Vì vậy, khi ông Trump công bố đạt được thỏa thuận thương mại với EU, đây không chỉ là thỏa thuận lớn nhất của ông cho đến nay, mà còn mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị đối với Tổng thống Mỹ.
The New York Times bình luận thỏa thuận là bước tiến tích cực về chính trị của Tổng thống Trump trên nhiều phương diện. Các nhà kinh tế đa phần đều không hài lòng với ý tưởng áp thuế trên diện rộng của ông Trump, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng như lạm phát và gia tăng thất nghiệp. Thậm chí, nhiều người chỉ trích tính hợp lý trong chính sách kinh tế của ông Trump và tình hình khó khăn còn lớn hơn nữa trong tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại. Do đó, thỏa thuận với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, có thể sẽ làm dịu đi phần nào những chỉ trích này.
Các cuộc đàm phán thương mại nổi tiếng là phức tạp và mất nhiều thời gian, nên hầu hết các chuyên gia đều hoài nghi việc ông Trump có thể đạt được thành công nhanh chóng. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson trong một phân tích năm 2016 cho biết, chỉ riêng việc đàm phán một hiệp định thương mại có thể mất hơn một năm, và quá trình thực thi còn kéo dài nhiều năm sau đó.
Nhưng điều đó không ngăn được Nhà Trắng đưa ra những tuyên bố đầy lạc quan. Chỉ vài ngày sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng vào ngày 2/4 đối với các nước trên toàn thế giới, các quan chức Nhà Trắng tuyên bố đã có khoảng 70 quốc gia gọi điện muốn đàm phán thỏa thuận. Cố vấn thương mại của ông Trump còn dự đoán sẽ có 90 thỏa thuận trong 90 ngày.
Nhưng những thỏa thuận mà ông Trump công bố trong những ngày gần đây phần lớn là các thỏa thuận khung. Đó không phải là những văn kiện chi tiết, phức tạp mà Mỹ thường đàm phán trước đây, với dung lượng có thể dài hàng trăm trang. Và thỏa thuận mới với EU vẫn có thể gặp rắc rối.
Theo Andrew Hale, một chuyên gia phân tích chính sách thương mại tại Heritage Foundation (một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ), không nên vội đánh giá quá cao thỏa thuận với EU cho đến khi văn bản chính thức được công bố và các vụ kiện đi đến hồi kết. “Đây không phải là các hiệp định thương mại tự do toàn diện. Cần phải nhớ rõ điều này. Và rất có thể phần lớn những gì mới đạt được sẽ bốc hơi”, ông Hale bình luận./.
Ngọc Quang – Hoài Thanh (TTXVN tại Washington, New York)