Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU – Bài 1: Những nhượng bộ chiến lược
28/07/2025 13:39:33
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU – Bài 1: Những nhượng bộ chiến lược
TTXVN (Washington, Paris 28/7): Ngày 27/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt nhiều tháng bất ổn liên quan đến giao thương với đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Theo thông báo từ Tổng thống Trump, mức thuế quan mà hàng hóa châu Âu phải trả khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ là 15%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 30% mà ông Trump từng đe dọa áp dụng hôm 12/7 và mức 20% được công bố trước đó hôm 2/4.
Tuyên bố sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Turnberry (Scotland), Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng EU sẽ không áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và mô tả thỏa thuận này là "đáng hài lòng cho cả hai bên". Chủ tịch von der Leyen cũng cho biết thỏa thuận "mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán”. Bà nói: “Điều đó rất quan trọng đối với các doanh nghiệp của chúng ta ở cả hai bờ Đại Tây Dương”.
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định mức thuế 50% đối với thép sẽ được giữ nguyên, đồng thời để ngỏ khả năng áp thêm thuế lên các mặt hàng dược phẩm - trong đó Ireland là một trong những nhà cung cấp chính. Trước đó, ông Trump từng cảnh báo có thể áp mức thuế lên tới 200% với thuốc nhập khẩu. Tổng thống Mỹ cũng phác thảo một số nội dung của thỏa thuận, cho biết EU cam kết mua 750 tỷ USD năng lượng từ Mỹ và đầu tư 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, chi tiết về hình thức đầu tư cũng như lộ trình thực hiện vẫn chưa được làm rõ.
Ngoài ra, ông tiết lộ thêm, các quốc gia EU dự kiến sẽ mua "một lượng lớn thiết bị quân sự" của Mỹ, mặc dù chưa có số liệu cụ thể. Hiện nay, EC vẫn chủ yếu ưu tiên mua sắm từ các nhà cung cấp trong khối.
Ông Trump nhận định thỏa thuận này sẽ giúp “mở cửa toàn bộ thị trường châu Âu, vốn cơ bản đã bị đóng đối với hàng hóa Mỹ”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy EU vẫn đng nhập khẩu hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Mỹ mỗi năm, với con số của năm 2024 vào khoảng 400 tỷ USD.
* Phản ứng từ Liên minh châu Âu Theo nhận định của NBC News, nội dung của thỏa thuận lần này khá tương đồng với thỏa thuận Mỹ - Nhật Bản công bố ngày 22/7, trong đó hàng hóa Nhật Bản sẽ chịu mức thuế 15%, thấp hơn nhiều so với các mức đe dọa trước đó của ông Trump.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Trump, bà von der Leyen khẳng định mức thuế 15% sẽ không được áp dụng chồng lên các mức thuế hiện hành. Mỹ và EU cũng đồng ý áp dụng mức thuế 0% với một số sản phẩm như máy bay và linh kiện, thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự),thiết bị bán dẫn (chip), một số loại hóa chất và nông sản. Bà nói EU sẽ đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân từ Mỹ, thay thế nguồn cung từ Nga. Theo đó, Chủ tịch EC ước tính sẽ chi khoảng 250 tỷ USD mỗi năm cho năng lượng Mỹ trong vòng ba năm tới.
Bà von der Leyen cho biết rượu mạnh là một trong những lĩnh vực cần xem xét chi tiết trong thỏa thuận thương mại khung trong những tuần tới. Thỏa thuận cũng bao gồm “điều khoản tối huệ quốc” (MFN) cho phép một quốc gia được hưởng lợi thế thương mại tương tự như bất kỳ quốc gia nào khác khi nhập khẩu cùng một sản phẩm. Thỏa thuận đạt được cũng bao gồm chủ quyền quản lý của EU đối với các tiêu chuẩn của khối.
Đối với các quốc gia thành viên EU, việc thu hẹp hoặc xóa bỏ các quy định của châu Âu trong các lĩnh vực công nghệ số, sản phẩm bảo vệ thực vật, hoặc sản phẩm nông nghiệp là “bất khả thi”. Theo một số nhà ngoại giao châu Âu, những tiêu chuẩn này là “ranh giới đỏ” không thể vượt qua.
Về mức thuế 15% mà Washington áp đặt đối với hàng hóa từ EU, bà von der Leyen thừa nhận đây là con số “không thể xem nhẹ”, nhưng “là điều tốt nhất có thể đạt được” trong bối cảnh hiện tại. “Mức thuế này là một thách thức, song vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường Mỹ”, bà nói. Mặc dù mô tả cuộc gặp với Tổng thống Trump là "rất khó khăn" do khác biệt lập trường, nhưng bà von der Leyen cũng cho biết hai bên cuối cùng đã có “một cuộc gặp tốt đẹp và đáng giá”.
Trên thực tế, theo chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu của Capital Economics, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa EU trong năm 2024 chỉ là 1,2%.
Thủ tướng Ireland chia sẻ trên mạng xã hội X rằng ông hoan nghênh thỏa thuận, nhưng lưu ý mức thuế mới “cao hơn hiện tại và sẽ ảnh hưởng đến thương mại xuyên Đại Tây Dương”. Còn Thủ tướng Đức phản hồi rằng: “Một cuộc xung đột thương mại đã được ngăn chặn, điều này lẽ ra sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Đức vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, nơi mức thuế hiện tại sẽ được cắt giảm gần một nửa, từ 27,5% xuống còn 15%”.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Mỹ trong năm 2024 đạt 605 tỷ USD, vượt cả Mexico, Canada và Trung Quốc. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là dược phẩm (phần lớn từ Ireland), tiếp theo là ô tô, máy bay và máy móc hạng nặng từ các nước như Pháp và Đức.
Ông Trump từng đe dọa áp thuế 200% với dược phẩm nhập khẩu, nhưng các biện pháp này sẽ không có hiệu lực trong ít nhất 18 tháng tới, và chưa rõ liệu thỏa thuận mới có loại bỏ được mối đe dọa này hay không.
* Tiến trình đàm phán nhiều cam go Các cuộc đàm phán giữa các quan chức EU và Mỹ đã diễn ra âm thầm trong nhiều ngày qua. Mặc dù tại Brussels kỳ nghỉ Hè đã bắt đầu từ ngày Quốc khánh Bỉ (ngày 21/7), nhưng lãnh đạo nhiều cơ quan buộc phải hoãn kỳ nghỉ này, từ Tổng cục Thương mại (DG Trade), Văn phòng Chủ tịch Ủy ban, đến các Ủy ban thương mại của Nghị viện. Các đại diện quốc gia cũng phải luôn trong tình trạng “sẵn sàng”.
Các Đại sứ EU tham dự hàng loạt cuộc họp của Ủy ban đại diện thường trực (Coreper), kể cả vào tối muộn và cuối tuần. Tại đó, Ủy viên Thương mại Maros Sefcovic và Chánh Văn phòng của bà von der Leyen, ông Bjorn Seibert– liên tục cập nhật diễn biến mới nhất. Ông Sefcovic chia sẻ những khó khăn: phía Mỹ thay đổi lập trường đến 3 lần mỗi ngày và ông đã phải sang Mỹ ít nhất 6 lần trong 3 tháng qua, thậm chí Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick còn họp trực tuyến từ du thuyền ở Italy.
Cuối cùng, EU nhận ra rằng chỉ có Tổng thống Trump mới là người ra quyết định và ông dường như có khuynh hướng tự mình áp đặt điều kiện qua một bài đăng trên mạng xã hội.
Trước đó vài ngày, EU từng lầm tưởng có thể chốt thỏa thuận ở mức thuế 10%, cho đến khi ông Trump “đập tan” mọi hy vọng bằng một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, dọa nâng thuế lên 30% từ ngày 1/8/2025.
EC cũng phải dò xét phản ứng từ các quốc gia thành viên về khả năng trả đũa Mỹ. Không giống như Trung Quốc, EU không thể hành động nếu không có sự đồng thuận. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sớm chọn lập trường cứng rắn, kêu gọi đáp trả tương xứng. Ban đầu bị cô lập, Pháp sau đó được nhiều nước ủng hộ hơn sau những lời đe dọa của ông Trump. Trong khi đó, Italy, Hungary và phần lớn các nước Trung – Đông Âu vẫn nghiêng về hướng “hòa giải”.
Ủy ban cũng điều chỉnh danh sách hàng hóa của Mỹ bị đánh thuế, để đáp ứng lợi ích từng nước thành viên. Dưới áp lực của Pháp, Italy và Ireland, rượu bourbon Kentucky đã bị loại khỏi danh sách để bảo vệ rượu vang và sâm-panh châu Âu. Trước đó, rượu whisky của Mỹ đã bị đưa trở lại danh sách bị áp thuế (có hiệu lực từ ngày 7/8) nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Sau nhiều vòng đàm phán, khoảng 25 tỷ euro hàng hóa của Mỹ được loại khỏi danh sách, mặc dù các nước từng yêu cầu gỡ bỏ tới 50 tỷ euro để bảo vệ lợi ích riêng của mỗi nước. Về phía Đức, nước này đã bí mật đàm phán với Mỹ để tìm kiếm ưu đãi riêng cho các hãng xe như Mercedes và BMW./.
Ngọc Quang - Ngọc Hiệp (TTXVN tại Washington, Paris)
(Tiếp theo: Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU - Bài cuối: Cái bắt tay còn để ngỏ)