Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - những đối thủ “một mất một còn” tại Syria
28/07/2025 13:30:48
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - những đối thủ “một mất một
còn” tại Syria TTXVN (Paris 27/7)
Theo báo Le Point của Pháp, sự suy yếu của Iran và tham vọng độc đoán của chính quyền Hồi giáo Syria đang đặt Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào con đường đối đầu.
Cuộc biến động lớn sau ngày 7/10 đang diễn ra ở Trung Đông đã làm gia tăng một cách nguy hiểm sự kình địch chiến lược giữa Ankara và Jerusalem. Các cuộc giao tranh và tội ác bạo lực diễn ra vào giữa tháng 7 tại khu vực sinh sống của người Druze ở Syria đã minh chứng bi thảm cho cuộc đối đầu này. Chính quyền Hồi giáo ở Damascus, được Ankara bảo trợ, đã tìm cách khẳng định quyền lực của mình đối với khu vực miền Nam vốn luôn chống lại chính quyền trung ương; Israel thì can thiệp để bảo vệ cộng đồng thiểu số Druze, ngăn chặn việc các lực lượng thánh chiến thiết lập chỗ đứng gần biên giới phía Bắc của họ.
Hơn 1.000 người, chủ yếu là người Druze, đã thiệt mạng.
Chủ nghĩa đế quốc tân Ottoman của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - người từ lâu ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo và Hamas - cùng mối quan hệ đồng minh mới tại Damascus với các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã trở thành mối lo ngại lớn đối với Jerusalem.
Kể từ cú sốc chiến lược ngày 7/10/2023, khi các tay súng Hồi giáo từ Gaza đã bất ngờ “qua mặt” lực lượng Phòng vệ Israel và thảm sát hàng trăm người ở miền Nam, các nhà lãnh đạo Israel quyết tâm xóa bỏ mọi mối đe dọa trực tiếp có thể xuất hiện gần lãnh thổ của mình.
Israel yêu cầu phi quân sự hóa miền Nam Syria và không ngần ngại sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu, minh chứng rõ rệt là cuộc không kích của không quân Israel vào trụ sở Quân đội Syria tại Damascus ngày 16/7. Trớ trêu thay, chính Nhà nước Do Thái đã vô tình mở đường cho các lực lượng Hồi giáo do Ankara hậu thuẫn lên nắm quyền vào năm ngoái. Sau ngày 7/10, khi dồn dập oanh tạc Hezbollah ở Lebanon và các lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tại Syria, Israel đã phá hủy những tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ nhà độc tài Bashar al-Assad, buộc ông này phải chạy sang Moskva.
Kể từ đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Israel đều tìm cách tận dụng sự suy yếu của Iran để mở rộng vùng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Sự kình địch giữa hai bên chủ yếu diễn ra tại Syria - một quốc gia đã bị tàn phá sau 13 năm nội chiến. Các phe Hồi giáo dòng Sunni cáo buộc các cộng đồng thiểu số - bất kể là Alawite, Kitô hữu, Kurd hay Druze - đã cấu kết với chế độ Assad. Khát vọng trả thù và ý đồ thanh trừng những “kẻ ngoại đạo” đã dẫn đến các cuộc tấn công vào vùng người Kurd ở Đông Bắc hồi tháng 12, vụ thảm sát hàng trăm người Alawite hồi tháng 3, vụ đánh bom một nhà thờ Chính thống giáo tại Damascus vào tháng 6, rồi các cuộc đụng độ trong tháng 7 với người Druze - một cộng đồng theo tôn giáo huyền bí sống chủ yếu ở vùng núi phía Nam.
Ahmad al-Sharaa, bản thân từng là một phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc al-Qaeda, cùng các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn dựng nên một chính quyền tập quyền và độc đoán dựa trên luật Hồi giáo Sharia, gần như không dành chỗ cho các cộng đồng thiểu số. Hiến pháp mà nguyên thủ quốc gia này ban hành ngày 13/3 đi đúng theo hướng này.
Ngược lại, Israel lại chủ trương một mô hình liên bang, nhằm hạn chế quyền lực của Damascus và trao quyền tự trị rộng rãi cho các nhóm thiểu số. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Jerusalem muốn chia cắt Nhà nước Syria, thay thế nó bằng các tiểu quốc cộng đồng.
Trong những tháng gần đây, Washington đã hy vọng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Damascus sẽ mở đường cho Syria tham gia các Hiệp định Abraham và tiến tới một quá trình bình thường hóa khu vực. Những hy vọng đó hóa ra ảo tưởng, chẳng khác gì các cam kết mà chính quyền Syria mới đưa ra về việc dung hợp các cộng đồng thiểu số. Sự ổn định chính trị, yếu tố then chốt cho công cuộc tái thiết Syria, hiện vẫn ngoài tầm với. Việc đất nước này trở thành đấu trường cho một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel chỉ càng làm gia tăng bất ổn. Nguy cơ về một cuộc chiến ủy nhiệm thông qua các lực lượng dân quân giữa hai cường quốc quân sự khu vực chưa bao giờ lớn như hiện nay./.