UAV và bài học từ mặt trận Ukraine-Nga
28/07/2025 08:00:41
3 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
UAV và bài học từ mặt trận
Ukraine-Nga TTXVN (Sydney 27/7)
Trang tin của Viện các vấn đề quốc tế Australia (AIIA) ngày 24/7 đăng bài viết cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine đã mở ra một kỷ nguyên chiến tranh mới, được định hình bởi thiết bị bay không người lái (UAV) giá rẻ, sẵn có trên thị trường, thách thức sự thống trị của các thiết bị quân sự truyền thống. Khi UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) và khả năng tấn công từ xa định hình lại chiến lược tác chiến và đạo đức chiến trường, ranh giới giữa chiến đấu và trò chơi điện tử ngày càng mờ nhạt.
Xung đột Nga-Ukraine đã phá vỡ học thuyết quân sự thông thường, chuyển từ chiến dịch dự kiến kéo dài 3 ngày của Nga thành một cuộc chiến không biết hồi kết, minh chứng cho những tác động mang tính biến đổi của hệ thống không người lái đối với chiến tranh hiện đại. Việc Ukraine triển khai máy bay không người lái FPV đã khiến các chiến thuật chiến trường truyền thống ngày càng trở nên lỗi thời, phơi bày những hạn chế của thiết bị hạng nặng truyền thống trong một kỷ nguyên mà những gì diễn ra trên chiến trường là điều không thể che giấu.
Sự chuyển đổi từ các nền tảng thông thường, đắt tiền sang công nghệ UAV giá rẻ, sẵn có trên thị trường đại diện cho một sự thay đổi mô hình trong các hoạt động quân sự. Trong bối cảnh các hệ thống này hiện đang thống trị, các nhà hoạch định chính sách phải nhận ra rằng các cuộc xung đột trong tương lai sẽ không được định hình bởi máy móc quân sự quy mô công nghiệp, mà bởi khả năng dễ tiếp cận, phát triển nhanh chóng của máy bay không người lái, giúp tăng cường sức mạnh sát thương trên chiến trường.
UAV là thiết bị điều khiển từ xa hoặc tự động, có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho kẻ thù, đồng thời giúp phi công hoặc người vận hành tương đối an toàn và tránh xa chiến trường. UAV công nghệ cao như MQ 9 Reaper đã được sử dụng hiệu quả trong Cuộc chiến chống Khủng bố Toàn cầu. Chúng cũng là minh chứng cho sự thống trị mà chỉ những người giàu nhất mới có thể mua được (một chiếc có giá lên tới 30 triệu USD, trong khi người ta có thể mua một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 JF-17 được trang bị đầy đủ, vượt trội hơn bất kỳ máy bay không người lái chiến đấu nào đã biết, với giá từ 25-30 triệu USD).
Trong cuộc chiến Karabakh lần thứ hai, Azerbaijan đã sử dụng máy bay không người lái tấn công và tự sát. Họ tuyên bố rằng những máy bay này chịu trách nhiệm phá hủy thiết bị của Armenia trên mặt đất, cho phép bộ binh Azerbaijan tiến quân tương đối an toàn. Có những tranh cãi về cách máy bay không người lái giúp giảm bớt các hoạt động chiến đấu trên mặt đất, song hầu như không có tranh cãi nào về việc chúng đã mang lại lợi thế cho Azerbaijan. Azerbaijan sở hữu các máy bay tấn công truyền thống như SU 25. Những máy bay này đã được sử dụng một cách thận trọng trong cuộc xung đột thay vì máy bay không người lái Bayraktar TB2 và Hermes 450.
Các UAV như Bayraktar TB2 đã được sử dụng ở Ukraine. Chúng hiệu quả trong việc chống xe bọc thép, pháo binh và các thiết bị mặt đất hạng nặng khác của Nga nhờ khả năng giám sát trên không vượt trội. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng trở nên dễ bị tấn công bởi các hệ thống phòng không và khả năng tác chiến điện tử được cải thiện của Nga. Kết quả là chúng gần như biến mất khỏi bầu trời. Hiện nay, chúng chủ yếu được sử dụng cho mục đích tình báo và giám sát ở những khu vực có thể được bảo vệ an toàn khỏi hệ thống phòng không của Nga. Xét cho cùng, đây là những thiết bị khá đắt đỏ, mặc dù chúng có giá cả phải chăng hơn so với các thiết bị tương tự của Mỹ. Ví dụ, một hệ thống Bayraktar TB-2 có thể có giá "chỉ" khoảng 5 triệu USD.
Việc Nga triển khai máy bay không người lái Shahed do Iran thiết kế (sản xuất trong nước với tên gọi Geran) từ cuối năm 2022 cho thấy một bước tiến quan trọng trong chiến lược chiến tranh bất đối xứng. Với giá khoảng 35.000 USD mỗi chiếc, những UAV tấn công một chiều này cho phép các cuộc tấn công bão hòa làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine một cách có hệ thống, đồng thời tạo ra hành lang cho các cuộc tấn công bằng tên lửa có giá trị cao hơn. Cách tiếp cận tiết kiệm chi phí này gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, mặc dù tỷ lệ đánh chặn cao. Tuy nhiên, không giống như việc sử dụng máy bay không người lái chiến thuật được thấy trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020, các hệ thống này chỉ hoạt động chống lại các mục tiêu ở khu vực phía sau bằng cách sử dụng tọa độ được lập trình sẵn, thiếu khả năng nhắm mục tiêu động cần thiết để hỗ trợ chiến đấu trực tiếp.
Nga bù đắp cho lỗ hổng chiến thuật này bằng bom lượn - vũ khí không chính xác nhưng tiết kiệm, cung cấp sự hỗ trợ hủy diệt trên chiến trường mà lực lượng mặt đất của họ cần. Chiến lược không người lái phân nhánh này làm nổi bật sự khác biệt đang nổi lên giữa các chiến dịch tiêu hao chiến lược và các hoạt động chiến đấu chiến thuật trong chiến tranh đương đại.
Sự hội tụ của công nghệ máy bay không người lái thương mại với các ứng dụng quân sự đã tạo ra một loại đạn dược dẫn đường chính xác mới, làm thay đổi căn bản phép tính chi phí-lợi ích của chiến tranh hiện đại. Các FPV - ban đầu được thiết kế cho mục đích giải trí dân sự - hiện là một năng lực chiến đấu quan trọng ở Ukraine, cung cấp độ chính xác cao trong việc nhắm mục tiêu theo thời gian thực với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với vũ khí truyền thống. Các hệ thống này thể hiện tính linh hoạt chưa từng có, tấn công các mục tiêu trên toàn bộ phạm vi đe dọa, từ các chiến binh cá nhân đến các tài sản chiến lược cách chiến trường hàng nghìn km.
Việc tăng cường sử dụng khả năng tấn công chính xác này đại diện cho một sự thay đổi mô hình: công nghệ thương mại có giá hàng trăm USD có thể vô hiệu hóa các tài sản quân sự trị giá hàng triệu USD, buộc phải đánh giá lại toàn diện học thuyết bảo vệ lực lượng và các ưu tiên mua sắm trên mọi lĩnh vực chiến tranh.
Đơn vị thành công nhất ở Ukraine là Birds of Magyar - cả một trung đội thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hiệu quả vào các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, dù sở hữu tất cả những lợi thế đó, FPV không phải là bất khả chiến bại.
Người ta từng nói rằng chiến tranh ở Ukraine là "cuộc chiến của 1 thời gian ngắn trước khi kẻ thù thích nghi, phản công và vượt qua. Cơ hội để tiêu diệt hoặc giám sát kẻ thù khép lại rất nhanh. Ví dụ, người Nga đã có thể phát triển các hệ thống gây nhiễu điện tử hiệu quả để chặn tín hiệu cho máy bay không người lái, do đó người điều khiển sẽ mất liên lạc với đơn vị của mình. Người Ukraine đã nhanh chóng bắt kịp và phải tìm kiếm các cơ hội để “lẻn” qua, và trong khi ưu thế trong việc phát triển và đổi mới trong chiến tranh UAV chủ yếu nằm ở phía Ukraine, người Nga đã nảy ra ý tưởng về FPV được kết nối với người điều khiển bằng cáp quang.
Chiến tranh đã thực sự thay đổi?
Dù máy bay không người lái có nhanh, rẻ và hiệu quả đến đâu, chúng cũng không thể đóng vai trò quyết định trong việc giành chiến thắng trong chiến tranh, mặc dù chúng góp phần vào chiến thắng của các trận chiến. Trên chiến trường, lợi thế của chúng được đảm bảo bởi khả năng giám sát thời gian thực từ các máy bay không người lái cấp cao hơn, vệ tinh và kết nối internet tốc độ cao, chất lượng cực kỳ tốt.
Các chuyên gia lập luận rằng nhờ những đổi mới trong công nghệ kết nối, “lớp sương mù chiến tranh” (một thuật ngữ trong lĩnh vực quân sự và chiến tranh, ám chỉ sự mơ hồ và không chắc chắn của thông tin, hiểu biết và nhận thức trong một tình huống chiến tranh thực tế) vốn lan tràn trên tiền tuyến đã được khắc phục hoặc giảm thiểu đáng kể. Trong những trường hợp này, một chiếc FPV tự chế giá rẻ có giá trị sử dụng cao hơn một chiếc xe tăng, xe bọc thép công nghệ cao đắt tiền, hoặc một máy bay tấn công. Mặc dù pháo binh vẫn là thần chiến tranh, nhưng nó cũng dễ bị tấn công chính xác bởi một máy bay không người lái dẫn đầu bằng sợi quang có thể bay xuyên qua cửa sổ nhà chứa máy bay nơi nó được cất giấu. Với tầm bắn lên tới 20 km, nó biến tiền tuyến thành một vùng tiêu diệt mở, nơi cả nhân lực và máy móc đều dễ dàng trở thành mục tiêu cho các tài sản - không giống như máy bay không người lái chiến đấu/tấn công công nghệ cao - đủ rẻ để mất. Điều quan trọng nhất và trớ trêu là sự giết chóc được thực hiện "thoải mái trong boongke riêng" và hầu như không thể phân biệt được với một trò chơi điện tử hiện đại, được thiết kế tốt.
Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại. Ukraine đã thực hiện một động thái táo bạo vào ngày 1/6/2025. Theo các nguồn tin, 117 UAV đã cất cánh từ các container được bố trí đặc biệt sâu trong lãnh thổ Nga và tấn công hạm đội hạt nhân chiến lược của không quân Nga, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và kỹ thuật, mà còn là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Nga. Chiến dịch Mạng Nhện được coi là một chiến thắng lớn đối với Ukraine, nhưng lại gây ra một số khó khăn cho Washington, vì không có gì đảm bảo rằng các bên khác không thể hoặc sẽ không sao chép động thái này. Những UAV nhỏ, giá rẻ này có thể được vận chuyển bí mật trong các container vận chuyển, khiến việc kiểm tra gần như bất khả thi.
Các chuyên gia Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể áp dụng các chiến thuật tương tự trong lãnh thổ Mỹ, đặc biệt là thông qua các tàu COSCO neo đậu gần các địa điểm quân sự quan trọng như Trại Pendleton. Điều này thách thức các mô hình răn đe truyền thống vốn dựa trên các hệ thống tập trung, tốn kém như hệ thống chiếm ưu thế trên không hoặc phòng thủ tên lửa. Nếu UAV có thể vô hiệu hóa các tài sản trị giá hàng tỷ USD, nền tảng của sự răn đe dựa trên sự thống trị sẽ sụp đổ, thúc đẩy những lời kêu gọi xem xét lại an ninh quân sự trong thời đại chiến tranh máy bay không người lái phi tập trung, bất đối xứng.
Kết nối kỹ thuật số và giám sát toàn diện đã thực sự xóa tan “màn sương chiến tranh”, biến thực địa thành bãi chiến trường “trong suốt” do các dàn FPV thống trị. Sự chuyển dịch công nghệ này báo hiệu một sự tái cấu trúc cơ bản các hoạt động tác chiến, nơi các sĩ quan điều khiển tấn công mục tiêu từ các trung tâm chỉ huy kiên cố bằng giao diện kiểu trò chơi.
Những hàm ý đối với học thuyết quân sự rất sâu sắc: khi khả năng tác chiến từ xa phát triển, các khái niệm truyền thống về sự hiện diện trên chiến trường, rủi ro và tinh thần chiến binh đang phải đối mặt với sự lỗi thời. Các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với những hậu quả về chiến lược, đạo đức và tâm lý của chiến tranh được thực hiện thông qua màn hình, nơi tính sát thương bị tách khỏi khoảng cách vật lý và các chiến binh trở thành những người điều khiển từ xa trong một chiến trường ngày càng được trò chơi hóa./.