Quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang tan vỡ?
27/07/2025 01:20:43
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
QUAN HỆ XUYÊN ĐẠI TÂY DƯƠNG ĐANG TAN VỠ?
TTXVN (Bắc Kinh 25/7)
Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), tranh chấp thương mại giữa EU và Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Bên cạnh những bất đồng về thương mại, vị thế của châu Âu trong mắt Washington cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các nước bên ngoài.
Mỹ muốn cải tạo hoàn toàn châu Âu bằng cả biện pháp mềm dẻo và cứng rắn Theo Trần Dương (Chen Yang), Giám đốc Trung tâm châu Âu thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa của EU. Điều này gây ra sự bất mãn mạnh mẽ của EU và khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương một lần nữa bị hoài nghi. Vậy rốt cuộc châu Âu có vị thế như thế nào đối với Washington?
Cách đây không lâu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng một bài viết trên nền tảng mạng xã hội chính thức của mình với tiêu đề “Châu Âu cần trở thành đồng minh văn minh”. Bài viết cảnh báo châu Âu không nên để cho nền dân chủ thoái trào, mà hãy làm theo Mỹ, kế thừa di sản của nền văn minh phương Tây, bảo vệ nền văn hóa chung và đảm bảo các giá trị của nền văn minh phương Tây được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giọng điệu của bài viết này giống với bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị an ninh Munich năm nay. Bài viết này có thể được coi là một bài viết nhằm gây sức ép với châu Âu trong lĩnh vực văn hóa, và một lần nữa lên tiếng kêu gọi châu lục này sửa đổi các quan niệm giá trị.
Bài viết này do Samuel Samson, cố vấn cấp cao của Cục dân chủ, nhân quyền và lao động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, chấp bút có nhiều luận điểm sai lầm và kỳ lạ. Bài viết cáo buộc châu Âu luôn có phong trào cấp tiến nhằm vào nền văn minh phương Tây do thực hiện các biện pháp kiểm soát kỹ thuật số, tiếp nhận nhập cư quy mô lớn, hạn chế quyền tự do ngôn luận tôn giáo và hủy bỏ kết quả bầu cử dân chủ, đồng thời lên án hành động của các cơ quan EU và chính phủ của nhiều nước châu Âu. Samuel Samson thậm chí còn cảnh báo sự thoái trào của dân chủ ở châu Âu sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người dân châu Âu mà còn ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ, và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không ngồi yên và hành động dựa trên lợi ích quốc gia của nước này.
Trên thực tế, bài viết này của Bộ Ngoại giao Mỹ không phải là trường hợp cá biệt. Hiện nay, Washington liên tục thả “bom” vào hệ tư tưởng của châu Âu. Ngoài bài phát biểu của Vance tại Hội nghị an ninh Munich, còn có sự hoài nghi về thất bại của ứng cử viên tổng thống cánh hữu Romania, sự tán dương về số phiếu bầu của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) tăng lên, công khai ủng hộ ứng cử viên tổng thống có tư tưởng hoài nghi châu Âu ở Ba Lan... Có thể nói, Mỹ không hề che giấu sự bất mãn đối với phe ủng hộ đường lối chính sách truyền thống ở châu Âu, và coi giới cầm quyền châu Âu là sự mở rộng của phe ủng hộ đường lối chính sách truyền thống trong đảng Dân chủ Mỹ tại châu Âu, vì vậy cần phải sử dụng cả biện pháp mềm dẻo lẫn cứng rắn để cải tạo toàn diện châu Âu.
Biện pháp cứng rắn là gây sức ép tối đa, dùng biện pháp thuế quan và các vấn đề an ninh để làm cho phe ủng hộ đường lối chính sách truyền thống ở châu Âu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, mất đi lợi thế, buộc phải thỏa hiệp và chịu khuất phục. Biện pháp mềm dẻo là “giáo dục văn minh”, lấy phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” để phát động phong trào cải tạo tư tưởng ở châu Âu, làm cho châu lục này thoát khỏi trào lưu toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa nguyên; đồng thời, cảnh giác về những rủi ro của nền văn minh phương Tây như “sự thay thế vĩ đại”… để “đánh thức” châu Âu.
Từ đó có thể thấy châu Âu mà Washington mong muốn không phải là cái gọi là “đồng minh văn minh” mà là một “chư hầu biết nghe lời”. Một châu Âu như vậy có thể bị chia rẽ về chính trị, châu Âu cánh tả và châu Âu cánh hữu sẽ ngày càng xa cách, và mâu thuẫn giữa châu Âu mới với châu Âu cũ cũng ngày càng gay gắt. Về kinh tế, có thể trở thành một “vùng đất” của Mỹ, các cơ quan của EU mất đi chức năng vốn có, chính phủ của các nước thành viên rơi vào cảnh lúng túng, các cuộc đàm phán thương mại liên tục bị đình trệ và các ngành có lợi thế bị thu hẹp. Ngày nay, dựa vào lợi thế vững chắc của mình, tư bản Mỹ đã tăng cường bố trí tại châu Âu, có ý định tận dụng sự suy thoái kinh tế của châu lục này để mua lại các tài sản chất lượng cao. Gần đây, công ty quản lý tài sản Apollo của Mỹ đã tham gia lĩnh vực điện hạt nhân của châu Âu, chủ tịch của tập đoàn BlackRock cũng phát đi tín hiệu về việc một lần nữa coi trọng châu Âu. Điều đáng lo ngại hơn là sau khi trở thành “chư hầu”, nền văn hóa châu Âu đích thực sẽ dần biến mất, châu Âu sẽ mất đi sự công nhận đối với nền văn hóa truyền thống, các giá trị và khả năng đưa ra những đánh giá chiến lược xung quanh lợi ích của họ, tiến đến trở thành “châu Âu của Mỹ”.
Việc Mỹ đang tìm cách lôi kéo châu Âu và thực hiện phong trào phục hưng “nền văn minh phương Tây” cũng có thể gây ra sự chia rẽ trên toàn cầu. Trong thế giới quan hạn hẹp dựa trên cái gọi là “di sản của nền văn minh phương Tây” này, tôn giáo và văn hóa là trục chính của chính trị toàn cầu, chứa đầy logic tư duy mang tính bài xích và lo ngại bị các quốc gia phi phương Tây xa lánh. Đây chính là sự sống lại của thuyết về “cuộc xung đột giữa các nền văn minh”, có thể gây ra cuộc chiến tranh văn hóa, ít chú ý đến những rủi ro và thách thức thực sự mà nhân loại đang phải đối mặt, và từ bỏ lựa chọn chiến lược hợp tác cùng có lợi của cộng đồng quốc tế, đẩy cục diện chính trị toàn cầu vào cuộc đối đầu phe nhóm mới.
Tháng 5/2025, Samuel Samson từng dẫn một phái đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ đến Paris và London, gặp gỡ những người biểu tình phản đối phá thai, chỉ trích Đạo luật an ninh mạng của Anh và đề nghị tài trợ cho đảng Tập hợp Quốc gia Pháp. Tuy nhiên, đảng Tập hợp Quốc gia đã bác bỏ đề xuất của Samson và cho rằng sự ủng hộ như vậy có thể làm suy yếu hy vọng giành chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử năm 2027. Có thể thấy luận điệu của Samuel Samson không được đón nhận ở châu Âu. Hầu hết người dân châu Âu đều nhận thức được nguồn gốc của luận điệu kỳ lạ này và những toan tính của Mỹ, đồng thời cũng cảnh giác hơn với những hậu quả có thể xảy ra.
Tại sao mâu thuẫn trong cuộc đàm phán thương mại EU-Mỹ khó có thể giải quyết?
Giản Quân Ba, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-EU thuộc Đại học Phúc Đán, Phó tổng thư ký Hiệp hội nghiên cứu châu Âu ở Thượng Hải, cho biết thông tin về việc Mỹ sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa của EU từ ngày 1/8 đã gây xôn xao dư luận châu Âu và Mỹ. Từ những thăng trầm trong đàm phán kinh tế thương mại và quan hệ kinh tế thương mại giữa Mỹ và EU, có thể thấy sự bất đồng trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa hai bên là khá nghiêm trọng, và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang phải đối mặt với những thách thức.
Thứ nhất, EU và Mỹ có mục tiêu khác nhau trong các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại. Quan hệ kinh tế và thương mại có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả EU và Mỹ. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 1.700 tỷ euro (khoảng 1.980 tỷ USD). Điều này có nghĩa là hai bên phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc và đều không thể chịu được cái giá khi mất đi thị trường của đối phương. Trong mối quan hệ thương mại lớn như vậy, hai bên có sự mất cân bằng thương mại và EU có thặng dư thương mại hàng hóa tương đối lớn với Mỹ. Con số này lên đến 198 tỷ euro (khoảng 233 tỷ USD) trong năm 2024, đây cũng là lý do chính khiến Washington quyết tâm áp thuế cao đối với EU.
Trong thời gian Mỹ tạm dừng áp thuế cao đối với các nước, EU và Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại, nhưng không mấy suôn sẻ. Nguyên nhân cơ bản là các mục tiêu kinh tế vĩ mô của hai bên có khoảng cách quá lớn. Theo quan điểm của Washington, Mỹ cần giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại lớn thông qua các biện pháp thuế quan cao, từ đó thúc đẩy đầu tư và tái công nghiệp hóa ở nước này. Nếu EU không thể chấp nhận mức thuế cao, thì nên cho phép nhiều hàng hóa Mỹ hơn được vào thị trường của họ để bù đắp cho thâm hụt hiện tại. Tuy nhiên, yêu cầu đàm phán của EU là tìm kiếm mức thuế bằng 0 cho cả hai bên, hoặc mua thêm hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là khí đốt tự nhiên hóa lỏng và vũ khí. Dẫu vậy, yêu cầu về mức thuế bằng 0 của EU không có sức hút đối với Mỹ. Mức thuế quan hiện tại giữa châu Âu và Mỹ đã rất thấp, với mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa châu Âu là 1,47% và mức thuế trung bình của EU đối với hàng hóa Mỹ là 1,35%, do đó giảm thuế xuống bằng 0 không có nhiều ý nghĩa đối với Mỹ. Nếu mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn trên cơ sở thuế quan thấp, xét đến quy mô thị trường của EU có hạn, thì việc tăng mua hàng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ.
Thứ hai, EU và Mỹ có bất đồng rõ ràng trong các lĩnh vực đàm phán cụ thể. Do có khoảng cách về mục tiêu đàm phán vĩ mô, nên hai bên chủ yếu có 3 bất đồng trong các lĩnh vực đàm phán cụ thể.
Một là, về các tiêu chuẩn giám sát. EU và Mỹ có các tiêu chuẩn giám sát và ngành nghề khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau như vệ sinh, y tế, hóa chất và kỹ thuật số. Ví dụ, theo quy định y tế của EU, tổ chức này cấm sử dụng clo để làm sạch gà và sử dụng hormone để xử lý thịt bò, nhưng Mỹ lại không cấm điều này. Do đó, EU gần như không thể bãi bỏ các tiêu chuẩn giám sát hiện hành để đạt được thương mại cân bằng hơn.
Hai là, về thuế giá trị gia tăng (VAT) của EU. Chính phủ Mỹ cáo buộc các quốc gia thành viên EU áp đặt thuế VAT từ 17% đến 27% đối với hàng hóa nước ngoài. Điều này sẽ làm tăng giá bán lẻ hàng hóa của Mỹ tại thị trường châu Âu và làm giảm mong muốn mua hàng hóa Mỹ của người tiêu dùng châu Âu, do đó gián tiếp làm giảm năng lực cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Mỹ tại thị trường châu Âu. Thuế VAT tương đối cao ở EU cho thấy mức phúc lợi tương đối cao của châu Âu và các mức thuế VAT khác nhau của các quốc gia EU còn cho thấy thị trường chung của EU không thực sự lý tưởng. Đối với EU, đây không phải là cơ sở để Mỹ cáo buộc thặng dư thương mại của họ với Mỹ, vì đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ và cũng liên quan đến trình độ phát triển xã hội địa phương, sở thích văn hóa và truyền thống lịch sử, và nó áp dụng cho tất cả hàng hóa ở châu Âu chứ không chỉ nhằm vào hàng hóa của Mỹ. Vì vậy, EU cho rằng thuế VAT không phải là chủ đề đàm phán.
Ba là, về một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể. EU và Mỹ đang có tranh cãi tương đối lớn về thuế suất đối với rượu mạnh, máy bay cỡ lớn, thép và nhôm, và các ngành liên quan đến những sản phẩm này cũng đang gây sức ép với các cơ quan quyền lực của mình, khiến hai bên khó có thể đạt được những thỏa hiệp lớn. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, EU, vốn đang trong tình trạng thâm hụt, sẽ khó có thể đồng ý với yêu cầu của Washington về việc hủy bỏ hoặc làm suy yếu năng lực quản lý và các tiêu chuẩn của mình trong lĩnh vực kỹ thuật số như Đạo luật thị trường kỹ thuật số, Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Quy định bảo vệ dữ liệu chung.
Do đang ở vị thế thặng dư và lập trường đàm phán nội bộ không thống nhất, nên EU không có nhiều lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Hiện Washington đã cảnh báo rằng nếu EU thực hiện các biện pháp trả đũa, mức thuế quan sẽ được nâng lên trên 30%. EU đang chuẩn bị hai biện pháp: Một mặt, khởi động các biện pháp trả đũa thuế quan, bao gồm việc EU áp đặt đợt thuế trả đũa đầu tiên và thứ hai đối với hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá lần lượt là 21,5 tỷ euro và 70 tỷ euro, nhưng thời điểm thực hiện các biện pháp này phụ thuộc vào các cuộc tham vấn nội bộ của EU và tình hình thực tế. Mặt khác, tiếp tục đàm phán với Mỹ trước ngày 1/8, để thúc đẩy thỏa thuận thuế quan sơ bộ. Kết quả sẽ ra sao vẫn cần quan sát thêm.
Cho dù kết quả đàm phán như thế nào, xét đến sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ kinh tế và thương mại EU-Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ thuế quan và đường lối theo chủ nghĩa trọng thương của Mỹ sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài, không chỉ có tác động rất lớn đến quan hệ kinh tế và thương mại song phương EU-Mỹ, mà còn làm tổn hại đến toàn bộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Chia rẽ nội bộ làm suy yếu khả năng đáp trả của EU đối với Mỹ Theo Đồ Đông (Tu Dong), Phó giáo sư Học viện ngoại ngữ thuộc Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, EU đã bị bất ngờ trước “cây gậy thuế quan” của Washington. Dù là trong các biện pháp đối phó ban đầu hay các cuộc đàm phán sau đó, EU đều không thể hình thành khả năng đáp trả thống nhất và hiệu quả. Các bất đồng nội bộ đã gây ra những hạn chế nghiêm trọng cho EU.
Quan hệ thương mại EU-Mỹ là một trong những mối quan hệ kinh doanh quan trọng nhất trên thế giới. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Mỹ đạt 1.600 tỷ euro; năm 2024, con số này lên đến 1.700 tỷ euro. Xét đến việc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình, EU đặc biệt lo ngại về tác động tiêu cực của một cuộc chiến thuế quan kéo dài, do đó có phản ứng tương đối yếu ớt đối với chính sách thuế quan của Mỹ. Điều quan trọng nhất là EU còn phải cân bằng lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả 27 quốc gia thành viên. Thực tế này đã hạn chế EU thực hiện các hành động nhanh chóng và hiệu quả.
Từ giai đoạn trước đó, ngày 12 và 26/3 năm nay, Mỹ lần lượt áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép, nhôm và ô tô nhập khẩu, bao gồm cả những mặt hàng đến từ EU. Ngày 2/4, Mỹ công bố mức thuế đáp trả 20% đối với EU. Tuy nhiên, mãi đến ngày 9/4, EU mới công bố các biện pháp đáp trả với mức thuế sản phẩm thép và nhôm của Mỹ. Các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về việc có nên áp dụng các biện pháp đối phó hay không. Một số quốc gia thành viên không muốn bị coi là khuất phục trước áp lực từ Mỹ nên kiên quyết đáp trả, nhưng một số khác lại thận trọng và lo ngại sẽ làm mất lòng Mỹ. Ví dụ, Pháp và Bỉ ủng hộ Ủy ban châu Âu sử dụng tất cả các công cụ hiện có. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn nói rằng EU nên cân nhắc sử dụng cái gọi là “bazooka”, tức là các công cụ chống hăm dọa. Trong quá trình thảo luận về danh mục thuế, các quốc gia thành viên đã có nhiều bất đồng về phạm vi sản phẩm cụ thể. Một số người lo ngại rằng việc tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa tiếp theo từ Washington đối với chính ngành công nghiệp của họ. Ví dụ, ngay cả Pháp, quốc gia chủ trương giữ lập trường cứng rắn với Mỹ, cũng đã phải vận động hành lang mạnh mẽ để bảo vệ các nhà sản xuất rượu cognac của mình. Ngoài ra, Hungary cũng bày tỏ sự phản đối đối với quyết định đánh thuế này. Những lo ngại và bất đồng nêu trên giữa các quốc gia thành viên làm cho EU phải trì hoãn các biện pháp đáp trả Mỹ.
Trong giai đoạn đàm phán, cùng với thời hạn chót đang đến gần, EU ngày càng nhận thấy kỳ vọng về việc Mỹ rút lại mức thuế đối ứng 10% là không thể đạt được, vì vậy họ thiên về việc đạt được một thỏa thuận khung với Mỹ tương tự như thỏa thuận giữa Anh và Mỹ, tức là duy trì mức thuế cơ bản 10%. Tuy nhiên, EU yêu cầu miễn trừ đối với xuất khẩu ô tô và thép, đồng thời tiếp tục đàm phán để đạt được một thỏa thuận rộng rãi hơn. Cũng có nhiều tranh cãi trong nội bộ EU về hình thức và nội dung dự kiến của thỏa thuận. Một số người phản đối việc lấy mức thuế cơ bản 10% làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán. Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Pháp và Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển đều cho rằng nếu kết quả cuối cùng là mức thuế 10%, EU nên sẵn sàng áp dụng các biện pháp đáp trả. Một số nước khác đã thỏa hiệp, nhưng tiền đề là nhận được sự đảm bảo từ Mỹ để miễn trừ một số loại hàng hóa nhất định. Bên cạnh đó, các nước như Đức và Italy chủ trương EU nên nhượng bộ để đổi lấy một thỏa thuận nhanh chóng với Mỹ. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng mức thuế 10% sẽ không có tác động quá lớn đến EU. Trong khi, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cảnh báo EU không nên tham gia kế hoạch đàm phán dài dòng và phức tạp, mà nên đưa ra một giải pháp nhanh chóng và đơn giản. Ngược lại, Pháp, Tây Ban Nha và Đan Mạch cho rằng Ủy ban châu Âu nên chịu đựng sức ép để nỗ lực đạt được một thỏa thuận tốt hơn và cân bằng hơn với Chính quyền Trump.
Lập trường khác nhau của nội bộ EU đối với cuộc chiến thuế quan lần này bắt nguồn từ hai khía cạnh.
Thứ nhất, về ý thức và tư tưởng, chủ yếu được thể hiện ở quan điểm mang tính lịch sử của liên minh EU-Mỹ. Những người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương kiên trì thỏa hiệp hữu nghị với Mỹ. Ngay cả trong thời điểm Washington liên tục làm suy yếu liên minh EU-Mỹ, bộ phận người châu Âu này vẫn không thể thoát khỏi ảo tưởng về Mỹ, hy vọng rằng sự thỏa hiệp với Mỹ có thể đổi lấy những nhượng bộ từ nước này. Những người theo chủ nghĩa hiện thực, dựa trên toan tính lợi ích thực tế của châu Âu, chủ trương áp dụng các biện pháp trả đũa tương xứng.
Thứ hai, về kinh tế và thương mại. Trước sự đe dọa của thuế đối ứng, các quốc gia thành viên EU có kim ngạch thương mại khác nhau với Mỹ và dự kiến các ngành nghề cũng có mức độ thiệt hại khác nhau, do đó lập trường của họ đối với Mỹ bị chia rẽ. Một mặt, mỗi quốc gia thành viên đều thuyết phục EU để ngăn chặn các ngành công nghiệp chủ chốt và nhạy cảm của mình trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của Mỹ. Ví dụ, các ngành công nghiệp hàng đầu của Đức như hóa chất, dược phẩm và ô tô, và xuất khẩu rượu vang của Pháp. Mặt khác, Mỹ đang chủ yếu dựa vào thặng dư thương mại của EU với nước này. Do đó, một số nước nhỏ ở EU có thương mại cân bằng với Mỹ không muốn tham gia và cho rằng thặng dư thương mại là trách nhiệm của một số quốc gia thương mại lớn như Đức. Những cân nhắc nêu trên đã trực tiếp khiến khả năng ứng phó của EU giảm đi đáng kể.
Các biện pháp đáp trả của EU đối với cuộc chiến thuế quan của Mỹ nhìn có vẻ cứng rắn nhưng trên thực tế chỉ là biện pháp tạm thời. Trong 3 tháng đàm phán vừa qua, những bất đồng sâu sắc trong nội bộ EU đã làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, khiến tổ chức này không thể tập hợp được một lực lượng đáp trả thống nhất và hiệu quả./.
HẾT