Nới lỏng vốn ngoại: Malaysia cân não giữa tăng trưởng kinh tế và chủ quyền
28/07/2025 08:02:42
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Nới lỏng vốn ngoại: Malaysia cân não giữa tăng trưởng kinh tế và chủ quyền
TTXVN (Kuala Lumpur 28/7): Các nhà kinh tế cảnh báo việc nới lỏng giới hạn sở hữu vốn nước ngoài trong các lĩnh vực chiến lược có thể mở ra các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào Malaysia, nhưng cũng gây ra các rủi ro liên quan đến cấu trúc và chủ quyền.
Malaysia đã dần tự do hóa các quy định về sở hữu vốn nước ngoài, bao gồm việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu lên đến 100% vốn công ty trong lĩnh vực sản xuất kể từ năm 2009. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn áp đặt các giới hạn đáng kể trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, bất động sản và y tế.
Tuần giữa tháng 7/2025, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) thông báo đang thảo luận với các cơ quan quản lý và các ngành công nghiệp chủ chốt về việc nới lỏng các giới hạn sở hữu của nước ngoài, xác định đây là một phần của nỗ lực giảm mức thuế đối ứng mà Washington dự kiến áp đặt đối với hàng hóa Malaysia.
Phó Giáo sư về tài chính tại Đại học UCSI của Malaysia, Tiến sỹ Liew Chee Yoong nhận định tác động kinh tế từ những thay đổi mới nhất này có thể sẽ rất đa chiều. Ông Liew cho biết việc nới lỏng các giới hạn sở hữu vốn ở Malaysia có khả năng thúc đẩy dòng vốn FDI tăng 15-25% trong các lĩnh vực được chọn, mang lại nguồn vốn rất cần thiết cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và tiến bộ công nghệ.
Tờ Business Times của Malaysia dẫn lời Tiến sĩ Liew cho biết, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến thức quý giá, đặc biệt là trong các lĩnh vực như triển khai công nghệ viễn thông 5G, công nghệ tài chính và cơ sở hạ tầng đám mây. Ông nói thêm, sự cạnh tranh lớn hơn từ các công ty nước ngoài có thể thúc đẩy đổi mới và dẫn đến mức giá cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng. Việc tăng cường liên kết với các tập đoàn toàn cầu cũng có thể củng cố vị thế của Malaysia trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Theo Tiến sĩ Liew, điều thôi thúc Chính phủ Malaysia đi tới quyết định nới lỏng các giới hạn này xuất phát từ sự kết hợp của các yếu tố liên quan đến nhau. Trong đó, nhân tố chính là Mỹ đang tìm kiếm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho các tập đoàn của họ, đặc biệt là các tổ chức tài chính lớn, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và các công ty công nghệ. Điều này cho phép các doanh nghiệp Mỹ giành được cổ phần kiểm soát và có ảnh hưởng hoạt động lớn hơn trong nền kinh tế đang phát triển của Malaysia, cũng như đảm bảo sự cân bằng về cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực, chẳng hạn như các công ty Singapore hoặc Trung Quốc, vốn có thể hoạt động theo các khuôn khổ khác nhau hoặc đã thành lập các trụ sở quan trọng ở khu vực. Ông nói thêm, những yêu cầu kiểu này thường được sử dụng làm công cụ thương lượng trong các cuộc đàm phán thương mại rộng lớn hơn, chẳng hạn như trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để giành được những lợi thế nhất định.
Từ quan điểm địa chính trị, Tiến sĩ Liew nhận định, việc tăng cường quan hệ kinh tế thông qua đầu tư là một động thái chiến lược, giúp đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
* Cân bằng giữa tăng trưởng và chủ quyền Tiến sỹ Liew cho rằng một trong những lợi thế chính từ việc nới lỏng có thể xảy ra là Malaysia có thể thu hút đáng kể dòng vốn nước ngoài, đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng quốc gia và hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp có giá trị cao.
Theo chuyên gia này, việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến và các thông lệ quốc tế tốt nhất có thể thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh, tạo việc làm trong các lĩnh vực có giá trị cao hơn và làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt như Mỹ.
Tuy nhiên, những lợi thế này bị đối trọng bởi những rủi ro đáng kể. Trước hết là sự xói mòn quyền kiểm soát đối với các tài sản quốc gia chiến lược và các ngành công nghiệp chủ chốt, làm dấy lên những lo ngại về chủ quyền. Các công ty trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải đối mặt với nguy cơ bị gạt ra ngoài lề hoặc bị thâu tóm.
Tiến sĩ Liew cho rằng sự gián đoạn đối với các chính sách kinh tế - xã hội lâu đời được thiết kế để đảm bảo phân phối của cải công bằng có thể gây ra những hậu quả chính trị và xã hội đáng kể. Hơn nữa, dòng lợi nhuận đáng kể chuyển ra khỏi Malaysia từ các thực thể do nước ngoài kiểm soát có thể tác động tiêu cực đến dự trữ ngoại hối và sự ổn định của tài khoản vãng lai của chính nước này theo thời gian.
Phó Giáo sư Trường Kinh doanh Putra, Tiến sỹ Ahmed Razman Abdul Latiff cho biết Malaysia áp đặt các hạn chế về sở hữu vốn để thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng địa phương vào các ngành công nghiệp trọng điểm, để đảm bảo rằng việc phân phối của cải mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư địa phương và cuối cùng là cho toàn dân. Theo Phó Giáo sư Ahmed Razman, việc dỡ bỏ các hạn chế như vậy vẫn có thể thực hiện được, miễn là các mục tiêu ban đầu được duy trì hoặc tăng cường, có thể không còn thông qua việc tham gia sở hữu vốn, mà có lẽ bằng việc chuyển giao công nghệ cao hơn, như bí quyết kỹ thuật và đồng chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Razman nhấn mạnh, cách tiếp cận này giúp đẩy nhanh sự đổi mới trong các ngành công nghiệp địa phương và cho phép phát triển các sản phẩm cạnh tranh nội địa, từ đó hỗ trợ sự bền vững lâu dài của các doanh nghiệp địa phương.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd, Tiến sỹ Mohd Afzanizam Abdul Rashid cảnh báo việc mở cửa các lĩnh vực kinh tế của Malaysia cho các nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ lợi ích của địa phương.
Malaysia cũng muốn các công ty trong nước có thể cạnh tranh hiệu quả và đủ khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài./.
Bùi Hoàn (TTXVN tại Kuala Lumpur)