Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU: tránh được thảm họa, nhưng có đáng ăn mừng?
28/07/2025 14:00:52
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Thỏa thuận thương mại
Mỹ-EU: tránh được thảm họa, nhưng có đáng ăn mừng?
Trang mạng cnn.com (Ngày 27/7)
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất: một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể gây thiệt hại nặng nề giữa các đồng minh, đe dọa làm tăng giá hàng loạt mặt hàng và khiến hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại.
Khung thỏa thuận này đã khiến cả hai bên có thể thở phào nhẹ nhõm, tuy nhiên ít ai hoan nghênh thỏa thuận này.
Thỏa thuận này áp đặt mức thuế 15% đối với hầu hết hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào Mỹ, cao hơn mức thuế 10% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt ngày 2/4 và cao hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 1,2% trước khi Trump nhậm chức. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với những con số khổng lồ mà Trump đã đe dọa áp đặt nếu không đạt được thỏa thuận.
Vào cuối tháng 5, việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ dường như là điều không thể. Thất vọng vì tiến trình đàm phán chậm chạp với khối EU gồm 27 thành viên, ngày 24/5, Trump tuyên bố với thế giới rằng ông không muốn tiếp tục đàm phán với một số đồng minh mạnh nhất của Mỹ. Ông đã đăng trên nền tảng Truth Social: “Các cuộc thảo luận của chúng tôi với họ đang chẳng đi đến đâu cả!”. Sau đó, tại Phòng Bầu dục, ông tuyên bố: “Tôi không tìm kiếm một thỏa thuận. Chúng tôi đã đặt ra mức thuế - mức 50%”.
Tuyên bố này, cùng với lời đe dọa áp thuế ở mức vô cùng cao, đã khiến các nhà đàm phán thương mại châu Âu choáng váng và buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải hành động. Họ đã nhanh chóng nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Trump đã bị thuyết phục sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - người mà ông đặc biệt có cảm tình - chủ động thực hiện cuộc điện đàm với ông và cam kết EU sẽ hành động “nhanh chóng và quyết đoán”. Ngay sau đó, Trump đã rút lại lời đe dọa và tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, một thỏa thuận giữa Mỹ và EU, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, đã bị bỏ ngỏ trong nhiều tháng. Hai bên đã tranh cãi gay gắt về việc Mỹ kiên quyết áp mức thế cao đối với thép và nhôm, các mức thuế sắp tới đối với dược phẩm và mức thuế sàn đối với hầu hết các mặt hàng mà chính quyền Trump có vẻ như sẽ nâng lên mức 15%.
Các nhà đàm phán đã không thể đưa ra một giải pháp trước thời hạn ban đầu là ngày 9/7, một trong những lý do khiến chính quyền Trump hoãn ngày thực thi mức thuế quan “đối ứng” tới ngày 1/8. Chỉ vài ngày trước hạn chót mới, trong chuyến thăm tới Scotland, Tổng thống Trump đã gặp bà von der Leyen và đạt được khuôn khổ cho một thỏa thuận với nội dung mơ hồ, nhiều điều kiện đi kèm, nhưng dù sao cũng là một sự giải tỏa đối với cả hai bên.
Với thỏa thuận được ký kết, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tránh được một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng có thể gây ra các thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Mỹ đe dọa áp thuế 50% lên hàng hóa châu Âu và châu Âu đe dọa Mỹ bằng các mức thuế trả đũa chiến lược, có khả năng gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ.
Cả Mỹ và EU dường như đều không thực sự vui mừng về thỏa thuận đã đạt được, thay vào đó, họ chỉ đơn thuần chấp nhận rằng hai bên đã ký kết được một thỏa thuận. Sau khi công bố thỏa thuận, Trump nói:
“Chúng tôi đã làm được. Nó sẽ diễn ra vô cùng tốt đẹp”. Trong khi đó, von der Leyen nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được chính xác những gì mà chúng ta muốn.
Tái cân bằng nhưng vẫn tạo điều kiện xúc tiến thương mại ở cả hai bên. Điều đó có nghĩa là tạo việc làm tốt ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đồng nghĩa với sự thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương và điều đó vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”.
Các thị trường đã phần nào phản ứng tích cực khi chỉ số Dow Jones tương lai tăng 150 điểm, tương đương 0,3%, dự kiến sẽ mở cửa ở mức gần kỷ lục. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 0,3% và chỉ số Nasdaq tương lai tăng 0,4%. Jorn Fleck, giám đốc cấp cao của Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: “Tạm thời, Mỹ và châu Âu dường như đã tránh được một cuộc chiến tranh thương mại tự hủy hoại trong mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn nhất và sâu sắc nhất của nền kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, các chi tiết của thỏa thuận vẫn còn khá mơ hồ. Châu Âu sẽ tăng đầu tư vào Mỹ thêm 600 tỷ USD và cam kết mua 750 tỷ USD sản phẩm năng lượng của Mỹ. Thỏa thuận này cũng loại bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng, bao gồm máy bay và phụ tùng máy bay, chất bán dẫn, thuốc generic, một số sản phẩm hóa chất và nông sản. Maury Obstfeld, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lưu ý rằng nhiều khoản đầu tư trong số các khoản đầu tư này đã được triển khai. Ngoài ra, thỏa thuận này dường như đã không giải quyết được các rào cản phi thuế quan của EU, chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng và thuế kỹ thuật số mà chính quyền Trump đã từng phản đối mạnh mẽ. Bà cho biết: “Có nhiều điều khiến tôi bối rối về thỏa thuận này”.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp thuộc danh mục được miễn thuế đã phản ứng vô cùng tích cực. Trong một tuyên bố, tổ chức Airlines for America cho biết: “Chế độ miễn thuế đôi bên sẽ tạo ra việc làm, củng cố an ninh kinh tế của chúng ta và tạo khuôn khổ cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất và an toàn”.
Nhưng mức thuế cơ bản 15% được áp dụng cho hầu hết các mặt hàng, do đó các quốc gia thành viên EU, và các nhà nhập khẩu Mỹ, sẽ phải chấp nhận thực tế là mức thuế cao hơn sẽ làm tăng giá hàng châu Âu tại Mỹ. Nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas tại RSM nhận định: “Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu từ châu Âu. Điều này không hề thúc đẩy thương mại, mà chỉ đơn thuần áp thuế lên hàng hóa châu Âu tại Mỹ”.
Thỏa thuận này cũng giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất ô tô ở Detroit, vốn phản đối một thỏa thuận tương tự mà chính quyền Trump đã đạt được với Nhật Bản trước đó. Mức thuế 15% đối với ô tô nhập khẩu từ EU vào Mỹ thấp hơn mức thuế 25% mà các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải trả nếu ô tô của họ được sản xuất tại Mexico.
Mặc dù bà von der Leyen cho biết dược phẩm đã được đưa vào khuôn khổ ban đầu, bà thừa nhận rằng Trump cuối cùng có thể sẽ áp mức thuế cao hơn đối với thuốc nhập khẩu vào Mỹ, làm suy yếu thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong mắt các nhà đàm phán, cũng như vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, một thỏa thuận vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận. Brusuelas nhận định: “Chúng ta đã tránh được các đòn trả đũa ăn miếng trả miếng giữa Washington và Brussels, điều có thể lan sang lĩnh vực dịch vụ quan trọng hơn nhiều”./.