Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Brazil mang lại cơ hội bất ngờ của Tổng thống Lula
28/07/2025 19:30:49
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Brazil mang lại cơ hội bất ngờ của Tổng thống Lula
TTXVN (Buenos Aires 24/7)
Tạp chí “Le Monde Diplomatique” xuất bản tại Nam Mỹ số tháng 7/2025 vừa đăng bài viết với tiêu đề “Trump, Bolsonaro và ‘tự bắn vào chân mình’: Cuộc chiến thuế quan, chủ nghĩa dân túy và cơ hội bất ngờ cho Lula” của Tiến sĩ quan hệ quốc tế Guilherme Geremias da Conceição, hiện làm việc tại Viện San Tiago Dantas, và Thạc sĩ quan hệ quốc tế Henrique Selmo Rael tại Đại học Rio Grande del SuR (UFRGS) của Brazil với nội dung sau:
Ngày 9/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chấn động dư luận quốc tế khi tuyên bố áp thuế 50% lên tất cả hàng xuất khẩu từ Brazil từ 1/8 tới. Quyết định này không chỉ thiếu cơ sở kinh tế, mà còn gây khó hiểu về mặt chính trị, khi các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là những thành trì của phe ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người mà ông Trump nhiều lần công khai bày tỏ ủng hộ. Hành động tưởng như là sự trừng phạt này lại có thể trở thành một cơ hội hiếm có để Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva tái định vị vai trò lãnh đạo của Brazil trên trường quốc tế.
Lịch sử văn học từng ghi nhận những nhân vật ám ảnh bởi thù hận đến mức tự hủy hoại chính mình, điển hình là thuyền trưởng Ahab trong tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville. Với sự cố chấp phi lý, Ahab đã khiến cả con tàu Pequod và thủy thủ đoàn bị diệt vong chỉ vì một cuộc trả thù vô nghĩa với con cá voi trắng. Hình tượng ấy ngày nay gợi nhắc phần nào đến các phong trào chính trị kiểu Bolsonaro tại Brazil và Trump tại Mỹ, những xu hướng chính trị vận hành bằng đối đầu, nghi ngờ thể chế, phủ nhận khoa học, và khai thác cảm xúc phẫn nộ hơn là xây dựng giải pháp khả thi.
Việc Trump viện đến công cụ thuế quan để trừng phạt Brazil cho thấy mức độ phi lý trong chính sách thương mại. Theo Bộ Phát triển, Công nghiệp và Thương mại Brazil, Mỹ liên tục ghi nhận thặng dư trong quan hệ thương mại với Brazil từ năm 2009, với mức chênh lệch tích lũy hơn 400 tỷ USD trong 15 năm qua. Như vậy, các lập luận về “bất công thương mại” mà ông Trump đưa ra trong thư gửi ông Lula là hoàn toàn không có cơ sở thực tế.
Một trong những điểm trớ trêu nhất của quyết định này là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất lại chính là các bang ủng hộ ông Bolsonaro như Minas Gerais và São Paulo, nơi tập trung các ngành xuất khẩu chủ lực như cà phê, nước cam, nhôm và thép. Khoảng 30% cà phê và 50% nước cam nhập khẩu của Mỹ đến từ Brazil. Một khi các dòng hàng bị đánh thuế cao, giá cả tại Mỹ sẽ leo thang, nhưng trước hết là người nông dân Brazil phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và mất thu nhập.
Theo dữ liệu từ Intellinews, chỉ riêng áp thuế 25% lên nhôm và thép từ Brazil có thể khiến doanh thu của ngành này giảm 11%, tương đương thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD.
Nhưng điều quan trọng hơn, các bang bị ảnh hưởng lại do các thống đốc thân thiết với Bolsonaro quản lý, điều này không chỉ khiến nền kinh tế địa phương lao đao mà còn làm lung lay nền tảng chính trị của phe cực hữu Brazil.
Mặc dù Trump viện dẫn Bolsonaro và việc “bảo vệ tự do ngôn luận” như là nguyên nhân của các biện pháp thuế quan, nhưng giới phân tích đồng thuận rằng mục tiêu thực sự của người đứng đầu Nhà Trắng là làm suy yếu khối BRICS. Chỉ 3 ngày trước khi lá thư được gửi đi, Hội nghị thượng đỉnh BRICS kết thúc tại Rio de Janeiro, nơi nhóm này thảo luận về việc xây dựng hệ thống tiền tệ độc lập với đồng USD. Ngày 6/7, ông Trump thậm chí đe dọa sẽ áp thêm 10% thuế quan lên bất kỳ quốc gia nào “ngả theo chính sách chống Mỹ của BRICS”.
Trong bối cảnh đó, ông Bolsonaro không còn là “đồng minh” mà trở thành công cụ cho Washington khuấy động chia rẽ. Thay vì giúp đỡ Bolsonaro, Trump thực chất đã biến ông này thành “con tốt” bị lợi dụng, vô tình kích hoạt làn sóng phản đối trên chính lãnh địa từng trung thành với cựu Tổng thống nước Nam Mỹ.
Tổng thống Lula nhanh chóng nhận ra cơ hội chính trị tiềm ẩn từ cú đánh của ông Trump. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Record, ông chỉ trích việc Mỹ dùng thuế quan như vũ khí chính trị, nhấn mạnh rằng “chiến tranh thuế quan sẽ dẫn đến leo thang không kiểm soát” và Brazil sẽ không là bên đầu tiên xuống nước. Khác với Nhật Bản, quốc gia chọn tái đàm phán ngay sau khi bị đe dọa, Brazil kiên quyết trả lại thư của Trump kèm theo danh sách các sai sót trên thực tế của chính quyền Mỹ.
Không chỉ thế, chính phủ Brazil đang xúc tiến việc tìm kiếm thị trường thay thế, mở rộng xuất khẩu sang châu Á, EU và tăng cường hợp tác trong nội khối BRICS. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã thăm Brazil và cùng Tổng thống Lula ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác chiến lược về nông nghiệp, công nghệ và chống khủng bố, một dấu hiệu cho thấy Brazil đang tận dụng khéo léo thời điểm để củng cố vai trò trong một trật tự thế giới đa cực mới.
Ở trong nước, ông Lula cũng ghi điểm khi xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo bảo vệ chủ quyền quốc gia trước “sự xâm phạm của thế lực bên ngoài”. Hình ảnh này đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh các nhóm kinh tế từng thân Bolsonaro như ngành nông sản và công nghiệp nặng giờ đây trực tiếp hứng thiệt hại từ các chính sách thuế quan của ông Trump.
Đáng chú ý là sự đồng thuận hiếm có giữa các phe phái chính trị vốn đối lập gay gắt - từ lãnh đạo cánh tả Guilherme Boulos, đến nhà tư tưởng tự do Luiz Felipe d’Ávila, và thậm chí cả tờ báo bảo thủ Estadão - tất cả đều lên tiếng phản đối ông Trump và thể hiện sự đoàn kết với chính phủ của Tổng thống Lula.
Trong ngắn hạn, khả năng ông Trump rút lại quyết định là hoàn toàn có thể, dựa trên tiền lệ nhiều lần ông đảo ngược lập trường sau khi gây áp lực. Nhưng về dài hạn, Brazil cần tận dụng “cú sốc” này như một chất xúc tác để tái cơ cấu chính sách thương mại và ngoại giao. Các biện pháp trước mắt bao gồm: khiếu nại lên WTO để phản đối hành vi vi phạm quy tắc thương mại đa phương; mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Á, châu Âu, và tăng cường nội khối BRICS; thúc đẩy liên kết hạ tầng với Trung Quốc để giảm chi phí logistics; tạo động lực đoàn kết nội bộ từ các liên minh nông nghiệp, công nghiệp và chính trị.
Trong khi đó, tương lai của ông Bolsonaro lại ảm đạm hơn bao giờ hết. Hình ảnh của ông như thuyền trưởng Ahab, người chấp nhận hủy diệt cả con tàu chỉ để đeo đuổi một kẻ thù tượng trưng, giờ đây trở thành biểu tượng cho một mô hình chính trị lấy xung đột làm cốt lõi, bất chấp hậu quả đối với nền kinh tế và xã hội. Ông Bolsonaro không có lộ trình rõ ràng để phát triển đất nước, thậm chí không thuyết phục nổi chính các nhóm lợi ích từng ủng hộ mình rằng mình vẫn là người đại diện cho họ.
Lịch sử có thể lặp lại, nhưng không bao giờ trùng lặp hoàn toàn. Nếu ông Lula biết cách kết hợp giữa đối nội và đối ngoại, biến khủng hoảng thành cơ hội, việc “tự bắn vào chân mình” của ông Trump không chỉ giúp ông củng cố vị thế trong nước, mà còn giúp Brazil tiến một bước dài trên bản đồ quyền lực toàn cầu, trong khi ông Bolsonaro tiếp tục “trôi dạt” trên con thuyền chính trị đang chìm dần vào quá khứ./.