Kinh tế Nhật Bản đón nhận những dấu hiệu trái chiều
24/07/2025 12:00:50
4 lượt xem
Kinh tế thế giới
Kinh tế Nhật Bản đón nhận những dấu hiệu trái chiều
Hà Nội (TTXVN 24/7)
Theo một khảo sát từ khu vực tư nhân công bố ngày 24/7, hoạt động sản xuất của Nhật Bản đã sụt giảm trong tháng 7/2025 do chịu sức ép từ những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ.
Ngược lại, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, vượt xa ngành sản xuất đang gặp khó khăn. Hoạt động dịch vụ đã tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng qua, nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của S&P Global Japan đã giảm xuống còn 48,8 điểm trong tháng 7/2025, so với mức mức 50,1 điểm của tháng 6/2025. Con số này đã rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm, ranh giới phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, sau khi vừa mới vượt qua mốc này vào tháng trước sau 13 tháng.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng các chỉ số phụ quan trọng của sản lượng và đơn đặt hàng mới lần lượt ghi nhận mức giảm nhanh nhất trong 4 tháng và 3 tháng qua, cho thấy các doanh nghiệp đang đánh giá tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Bà Annabel Fiddes, Phó Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đơn vị tổng hợp chỉ số PMI, nhận định sự không chắc chắn về chính sách thương mại trong tương lai đã đè nặng lên các kỳ vọng cho năm tới.
Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, mà trong đó có việc Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ và mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này ở mức 15%.
Trong khi đó, chỉ số PMI dịch vụ của S&P Global Japan đã tăng lên 53,5 điểm trong tháng 7/2025, so với mức 51,7 điểm của tháng 6/2025, nhờ vào mức tăng của các đơn hàng kinh doanh mới. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại khi số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lại ghi nhận lần sụt giảm đầu tiên trong 7 tháng và tăng trưởng việc làm cũng ở mức chậm nhất trong gần hai năm.
Tính chung cả hai lĩnh vực, chỉ số PMI tổng hợp của S&P Global Japan trong tháng 7/2025 vẫn không thay đổi so với mức 51,5 điểm của tháng 6/2025, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ đã bù đắp hoàn toàn cho sự suy yếu của ngành sản xuất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản trong tháng 6/2025 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá gạo và các mặt hàng thực phẩm khác tiếp tục ở mức cao. Chỉ số này đã duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ tháng 4/2022.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, tốc độ tăng của chỉ số CPI toàn quốc, sau khi không tính giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, đã chậm lại lần đầu tiên sau bốn tháng. Mức tăng 3,3% trong tháng 6/2025 thấp hơn mức tăng 3,7% của tháng 5/2025, chủ yếu do chi phí năng lượng giảm.
Một chỉ số quan trọng khác là CPI lõi, không tính thực phẩm tươi sống và năng lượng dễ biến động, đã tăng 3,4% trong tháng 6/2025, cao hơn mức 3,3% của tháng trước. Bộ cho biết nguyên nhân chính là do chi phí viễn thông di động tăng cao.
Giá thực phẩm, không bao gồm các mặt hàng tươi sống, tăng 8,2%, cao hơn mức tăng 7,7% của tháng 5/2025, chủ yếu do chi phí các mặt hàng như gạo, sôcôla và hạt cà phê tăng vọt.
Đặc biệt, giá gạo, dù không lập đỉnh mới lần đầu tiên sau chín tháng, nhưng vẫn duy trì ở mức rất cao, tăng vọt 100,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn thứ hai kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1971.
Ông Kentaro Matsuda, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nhận định mặc dù giá gạo dường như đã đạt đỉnh, song chi phí ăn uống bên ngoài và các loại thực phẩm khác vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Matsuda cũng cho rằng khi các hộ gia đình tiếp tục vật lộn với chi phí sinh hoạt cao hơn, giá các mặt hàng thiết yếu tăng sẽ làm suy giảm tâm lý tiêu dùng. Xu hướng này "không tích cực" đối với chi tiêu của người dân, một thành phần quan trọng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong khi đó, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) liên quan đến các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục mới trong nửa đầu năm nay, khi một số tập đoàn lớn nhất của nước này tái cơ cấu và thực hiện các bước đi để mở rộng toàn cầu.
Tổng giá trị các thương vụ của Nhật Bản, bao gồm cả giao dịch trong nước và quốc tế, đã tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, lên 214,8 tỷ USD – mức cao nhất cho nửa năm kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1980.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán London (LSEG), tổng giá trị M&A toàn cầu trong cùng kỳ đã tăng khoảng 30%, đạt 1.980 tỷ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) ghi nhận mức tăng khoảng 90%, lên 377,5 tỷ USD. Hoạt động thâu tóm của các công ty Mỹ tăng 9%, trong khi châu Âu chỉ tăng 1%.
Tỷ trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản trong tổng giá trị toàn cầu đã vượt 10% lần đầu tiên kể từ thời kỳ bong bóng nửa cuối những năm 1990 - thời kỳ chứng kiến các thương vụ quốc tế khổng lồ của những công ty điện tử Nhật Bản, chẳng hạn như tiền thân của Panasonic Holdings mua hãng phim MCA của Mỹ.
Theo công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research, số vụ phá sản doanh nghiệp tại Nhật Bản trong nửa đầu năm 2025 đã lên tới 4.990 vụ, mức cao nhất trong 11 năm.
Trong đó, đáng chú ý, số công ty phá sản do bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt. Tổng cộng có 172 công ty viện dẫn các vấn đề về lao động là nguyên nhân dẫn đến phá sản, chẳng hạn như khó khăn trong tuyển dụng và tình trạng nhân viên nghỉ việc. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn sáu tháng, tăng so với con số 146 vụ của cùng kỳ năm ngoái.
Theo công ty Tokyo Shoko Research, số vụ phá sản liên quan đến các khoản nợ từ 10 triệu yen (tương đương 68.000 USD) trở lên đã tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu năm tăng thứ tư liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, tổng các khoản nợ phải trả đã giảm 4,3%, xuống còn 690,2 tỷ yen./.
Minh Hằng (Tổng hợp)