Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU: Cánh cửa vẫn mở
25/07/2025 21:38:26
3 lượt xem
Kinh tế thế giới
Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU: Cánh cửa vẫn mở
Hà Nội (TTXVN 25/7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/7 cho biết cơ hội để Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) là 50-50. Trước đó, các nguồn tin thân cận cho biết EU và Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại mới, theo đó hai bên dự kiến áp dụng mức thuế 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu, tương tự như thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump vừa đạt được với Nhật Bản trong tuần này. Theo đó, EU có thể chấp thuận cơ chế thuế đối ứng này nhằm tránh nguy cơ Mỹ áp thuế 30% từ ngày 1/8 như đã cảnh báo trước đó.
Thỏa thuận sơ bộ cũng bao gồm việc miễn thuế cho một số mặt hàng chiến lược, như máy bay, rượu mạnh và thiết bị y tế. Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo kết quả đàm phán tới các đặc phái viên của 27 quốc gia thành viên EU trong cuộc họp ngày 23/7.
Từ tháng Tư năm nay, hàng hóa xuất khẩu của EU sang Mỹ đã chịu thêm 10% thuế quan bổ sung, ngoài mức trung bình 4,8% vốn có. Theo các nguồn tin, mức thuế 15% nêu trên sẽ bao gồm cả thuế hiện hành, đồng nghĩa với việc không có sự gia tăng thêm, và được xem là cách giữ nguyên trạng. Riêng thuế đối với ô tô có thể giảm từ 27,5% xuống còn 15%.
Ngày 24/7 vừa qua, các quốc gia thành viên EU đã thông qua gói thuế đáp trả trị giá 93 tỷ euro (khoảng 109 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 7/8, nếu các cuộc đàm phán với Washington thất bại. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ cảnh báo áp thuế 30% đối với hàng hóa từ châu Âu nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/8.
Danh sách biện pháp trả đũa được thông qua hôm 24/7, bao gồm mức thuế đã được thống nhất trước đó đối với 21 tỷ euro hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu tương. Bên cạnh đó là danh sách hàng hóa thứ hai trị giá 72 tỷ euro do EC đề xuất trong tháng này, nhằm vào nhiều sản phẩm khác của Mỹ như máy bay, ô tô và rượu whisky.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, biện pháp thuế trả đũa với tổng số hàng hóa bị nhắm đến có thể lên tới 30%, với 26 trong số 27 quốc gia EU ủng hộ, ngoại trừ Hungary (Hung-ga-ri).
Các nước thành viên EU đã bày tỏ ủng hộ EC, cơ quan chịu trách nhiệm đại diện khối trong các cuộc đàm phán thương mại, và đồng ý dành thêm thời gian để thương lượng trước khi thực hiện những biện pháp đáp trả.
Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, đề xuất của Mỹ đang được EU xem xét có thể bao gồm việc miễn trừ thuế theo từng ngành đối với các sản phẩm như máy bay, gỗ, dược phẩm và nông sản.
Tuy vậy, một số quốc gia chủ chốt trong EU như Pháp và Đức đang thể hiện lập trường cứng rắn hơn, yêu cầu EC thể hiện quyết tâm và sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ nếu cần thiết. Ngoài hai danh sách thuế trả đũa nói trên, EC cũng đang chuẩn bị một danh sách riêng gồm những biện pháp hạn chế đối với các công ty dịch vụ của Mỹ, bao gồm lĩnh vực công nghệ và tài chính, trong trường hợp đàm phán với Washington đổ vỡ.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ngày 20/7 cho biết ông tự tin rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU nhưng cũng nhấn mạnh ngày 1/8 là thời hạn “cứng” để các mức thuế quan bắt đầu có hiệu lực. Ông Lutnick khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để hai bên đi đến một thỏa thuận.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "Face the Nation" của đài CBS, ông Lutnick khẳng định Mỹ và EU - hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới - đang đối thoại với nhau. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Mỹ và EU sẽ đi đến một thỏa thuận.
Dược phẩm là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của EU sang Mỹ, đạt kim ngạch tổng cộng là 127 tỷ USD vào năm 2024. Châu Âu là nơi khai sinh của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu, trong đó có Bayer và Sanofi. Trong khi đó, một số công ty dược của Mỹ có nhà máy đặt ở Ireland (Ai-len) - quốc gia có thuế suất thấp. Năm 2024, Ireland xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều hơn Italy (I-ta-li-a) và Pháp.
Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu khác từ châu Âu vào Mỹ là ô tô (45,2 tỷ USD) và nhiều loại máy móc khác nhau. Mỹ cũng đã mua 5,4 tỷ USD rượu vang và 4,4 tỷ USD nước hoa từ EU trong năm ngoái.
Theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa 235,6 tỷ USD với EU trong năm 2024, sonbg nếu tính cả thương mại dịch vụ, mức thâm hụt thương mại chung của Mỹ với EU giảm xuống còn 161 tỷ USD./.
Khánh Ly (Tổng hợp)