Xe điện BYD hút khách giữa cơn khát ôtô tại Sri Lanka
27/07/2025 16:10:41
1 lượt xem
Kinh tế thế giới
Xe điện BYD hút khách giữa cơn khát ôtô tại Sri Lanka
Hà Nội (TTXVN 27/7)
Sau gần 5 năm đóng băng vì khủng hoảng kinh tế, thị trường ôtô Sri Lanka (Sri-lan-ka)
chính thức mở cửa trở lại từ đầu năm 2025. Trong bối cảnh thuế quan ngặt nghèo và giá xe tăng vọt, tập đoàn xe điện Trung Quốc BYD đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này, nhờ chiến lược định giá linh hoạt, tối ưu hóa cấu hình kỹ thuật và liên kết chặt chẽ với đối tác địa phương.
Lệnh cấm nhập khẩu xe mới do chính phủ Sri Lanka áp đặt từ năm 2020, nhằm bảo vệ dự trữ ngoại hối. Đến tháng 2/2025, thị trường được mở cửa trở lại, nhưng đồng thời áp dụng biểu thuế mới khắt khe: thuế tiêu thụ đặc biệt có thể lên tới 300%, thuế VAT 18% và thuế hàng xa xỉ 100%. Đặc biệt, với xe điện, mức thuế nhập khẩu được tính dựa trên công suất động cơ và năm sản xuất, trong đó các mẫu xe có công suất vượt ngưỡng 100 kW sẽ bị đánh thuế rất cao.
BYD đã nhanh chóng điều chỉnh kỹ thuật để thích ứng. Điển hình là mẫu Atto 3 – vốn dùng động cơ 150 kW tại nhiều thị trường – được hạ công suất còn dưới 100 kW khi nhập khẩu vào Sri Lanka, đủ điều kiện hưởng mức thuế ưu đãi hơn đáng kể.
Theo ông Sheran Fernando, cựu Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân ôtô Ceylon, BYD đã mở rộng khả năng tiếp cận ôtô điện cho người dân, đồng thời định vị mình như một “kẻ đột phá” giữa môi trường thuế quan đầy rào cản.
Trong bối cảnh đồng rupee mất giá và nhu cầu bị dồn nén sau nhiều năm không được mua xe mới, BYD cùng đối tác phân phối JKCG Auto - công ty con của tập đoàn John Keells Holdings tại Sri Lanka- đã áp dụng chính sách giá chủ động, giảm chi phí bằng quy mô lớn để thu hút người tiêu dùng.
Tính đến tháng 5/2025, BYD chiếm gần 90% doanh số xe điện tại Sri Lanka và khoảng 11% tổng thị phần ôtô – mức tăng ngoạn mục so với tỷ lệ 0,005% vào năm 2018. Trong tháng 6/2025, hai mẫu xe bán chạy nhất là mẫu hybrid Sealion (502 xe) và SUV chạy điện Atto 3 (501 xe).
Mẫu Atto 3 được định giá khoảng 17 triệu rupee (khoảng 56.000 USD), còn mẫu Dolphin nhỏ hơn có giá 10 triệu rupee (33.000 USD), đều phù hợp với phân khúc trung lưu tại Sri Lanka – nơi mà chỉ khoảng 5% hộ gia đình, tương đương 450.000 hộ, có khả năng mua ôtô mới. Trong phân khúc cao cấp, mẫu Sealion giá 25 triệu rupee (82.000 USD) cũng thu hút nhóm khách hàng từng lựa chọn Range Rover – dòng xe có giá lên đến 180 triệu rupee.
Ông Murtaza Jafferjee – Giám đốc điều hành công ty chứng khoán JB Securities – nhận định chính sự linh hoạt trong cấu hình kỹ thuật và chiến lược phối hợp chặt chẽ với đối tác địa phương đã giúp BYD trở thành “người chiến thắng lớn” tại thị trường đầy thách thức này.
Tuy nhiên, sự bùng nổ xe điện cũng làm lộ rõ điểm yếu về hạ tầng sạc tại Sri Lanka. Mạng lưới trạm sạc còn hạn chế, đặc biệt tại khu vực nông thôn hoặc trên các hành trình dài, khiến nhiều người dùng chuyển hướng sang xe hybrid (xe lai giữa xăng và điện).
Ông Prash – Giám đốc một công ty truyền thông kỹ thuật số – cho biết, gia đình ông chọn phiên bản Sealion hybrid (động cơ lai) thay vì xe điện thuần túy do lo ngại về việc sạc điện. Ngoài ra, chi phí thay pin cao và sự thiếu vắng thị trường xe cũ cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua xe.
Mặc dù vậy, theo ông Fernando, nhu cầu ngày càng lớn đang tạo áp lực buộc chính phủ và doanh nghiệp phải mở rộng hạ tầng.
“Chính phủ cần hành động sớm để tăng công suất lưới điện và phát triển các trạm sạc nhanh”, ông nhấn mạnh.
Tính đến cuối tháng 5/2025, đã có hơn 5.000 xe BYD được đặt hàng tại Sri Lanka. Tuy nhiên, số xe đăng ký trong tháng 6/2025 chỉ đạt 1.254 chiếc, do chậm trễ trong khâu vận chuyển. Ông Jafferjee cho rằng từ tháng 6/2025 trở đi, thị trường sẽ phản ánh đúng nhu cầu thực và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2025./.
Thành Nam (P/v TTXVN tại Hong Kong)