Doanh thu dầu mỏ của Iran vượt mốc 46 tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt
27/07/2025 18:52:04
3 lượt xem
Kinh tế thế giới
Doanh thu dầu mỏ của Iran vượt mốc 46 tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt
Hà Nội (TTXVN 27/7)
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong năm 2024 đã vượt 46 tỷ USD, tăng hơn 5,6 tỷ USD so với năm trước đó, tương đương mức tăng 14%.
Bản tin thống kê thường niên lần thứ 60 của OPEC công bố rằng Iran ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu dầu cao nhất trong số các quốc gia thành viên trong năm qua. Cụ thể, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran đã tăng khoảng 41,1 tỷ USD vào năm 2023 lên hơn 46,7 tỷ USD vào năm 2024. Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la) đứng thứ hai với mức tăng từ 13,1 tỷ USD lên 18,4 tỷ USD trong cùng kỳ.
Chỉ có 4 thành viên OPEC ghi nhận mức tăng thu nhập từ dầu mỏ trong năm 2024, bao gồm Iran, Venezuela, Nigeria (Ni-giê-ri-a) và Guinea (Ghi-nê) Xích đạo. Nigeria tăng thêm 1 tỷ USD, trong khi Guinea Xích đạo ghi nhận mức tăng khiêm tốn 39 triệu USD.
Ngược lại, tổng doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của toàn khối OPEC lại giảm 4%, từ 678 tỷ USD năm 2023 xuống còn khoảng 652 tỷ USD trong năm 2024.
Saudi Arabia (Arập Xê-út) chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất với doanh thu giảm hơn 24 tỷ USD, xuống còn 223 tỷ USD. Kuwait (Cô-oét) cũng giảm 9 tỷ USD, còn khoảng 69 tỷ USD.
Sự gia tăng doanh thu dầu mỏ của Iran phản ánh xu hướng gia tăng sản lượng và xuất khẩu bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo dữ liệu chính thức gần đây, sản lượng dầu thô của Iran đã vượt mức 3,6 triệu thùng/ngày, tăng đáng kể so với mức khoảng 2,5 triệu thùng/ngày cách đây hai năm. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Mohsen Paknejad, cho biết mục tiêu trước mắt là đạt sản lượng 3,8 triệu thùng/ngày.
Xuất khẩu cũng tăng mạnh, với một số ước tính cho thấy Iran đang xuất khẩu hơn 1,6 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt vào năm 2018. Trung Quốc tiếp tục là khách hàng chủ lực, với các lô hàng được giao theo nhiều phương thức thanh toán và định giá linh hoạt.
Tehran đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khai thác thượng nguồn và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả công nghệ khoan tiên tiến và nâng cấp các mỏ dầu trưởng thành. Các quan chức Iran cũng ghi nhận hiệu quả vận hành tại các cảng xuất khẩu được cải thiện, cùng với ngoại giao năng lượng khu vực là những yếu tố góp phần thúc đẩy doanh số bán dầu.
Dù chịu các lệnh cấm vận, Iran vẫn tìm ra những cách để tiêu thụ dầu thô, thường thông qua kênh không chính thống, trung gian khu vực, hoặc hình thức trao đổi hàng hóa với các sản phẩm hóa dầu, thực phẩm và hàng hóa khác. Giới phân tích cho rằng những biện pháp này đã giúp Tehran ổn định dòng doanh thu từ dầu mỏ, đồng thời né tránh phần nào các cơ chế thực thi cấm vận.
Sự đối lập rõ rệt giữa đà tăng trưởng doanh thu dầu của Iran và xu hướng sụt giảm sản lượng của toàn OPEC cho thấy khả năng thích ứng đáng kể của Tehran trước các thách thức địa chính trị và thị trường, cũng như quyết tâm giành lại thị phần trong bối cảnh cục diện năng lượng toàn cầu đang chuyển dịch./.
Thanh Bình (P/v TTXVN tại Trung Đông)