Chính sách tài khóa: Công cụ then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh
28/07/2025 17:14:18
2 lượt xem
Kinh tế trong nước
Chính sách tài
khóa: Công cụ then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh Hà Nội (TTXVN 28/7)
Để hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, trong đó chính sách tài khóa được xác định là công cụ then chốt. Thông qua các sắc thuế môi trường, ưu đãi thuế cho dự án xanh, tăng đầu tư công cho bảo vệ môi trường và phát triển thị trường tài chính xanh, hệ thống tài chính công đang từng bước tạo động lực chuyển đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất và đầu tư. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục đặt ra những yêu cầu cấp bách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Theo đó, một trong những công cụ tài khóa đang được áp dụng là thuế bảo vệ môi trường. Đây là loại thuế gián thu đánh vào các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường như xăng dầu, than đá, túi nylon khó phân hủy…
Thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam được áp dụng từ năm 2012 theo Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, đánh vào các sản phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường như xăng dầu, than đá, túi nylon và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, mức thuế đối với xăng dầu dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/lít, trong khi túi nylon phải chịu mức thuế 50.000 đồng/kg. Đây là một công cụ quan trọng nhằm hạn chế tiêu thụ các sản phẩm gây ô nhiễm. Mặc dù mức thuế này hiện nay còn tương đối thấp, song nó bước đầu góp phần điều chỉnh hành vi tiêu dùng, sản xuất theo hướng tiết kiệm và giảm phát thải. Chính phủ cũng đã linh hoạt điều chỉnh mức thuế này để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời đảm bảo mục tiêu môi trường trong dài hạn.
Cùng với thuế môi trường, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu cũng đang được áp dụng để khuyến khích các dự án sản xuất xanh. Nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý môi trường, công nghệ sạch… được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn lên tới 15 năm, kèm theo miễn giảm thuế giai đoạn đầu hoạt động. Ngoài ra, các thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất xanh nhưng chưa thể sản xuất trong nước được miễn thuế nhập khẩu, qua đó giảm chi phí đầu vào và khuyến khích đổi mới công nghệ.
Một số chính sách tài khóa khác cũng đang phát huy vai trò tích cực, như miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất công nghệ sinh học; hỗ trợ từ các quỹ đầu tư công nghệ cao; tăng cường vốn cho tín dụng xanh thông qua các ngân hàng thương mại và các chương trình tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, chi ngân sách đã ưu tiên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,35% tổng chi ngân sách nhà nước trong một năm. Qua đó, đã tạo nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia,... Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23.500 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh;
thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Với riêng trái phiếu xanh, năm 2024, tổng giá trị phát hành thành công đạt 6,87 nghìn tỷ đồng, tăng 275% so với năm 2023. Các lô trái phiếu xanh được phát hành đều tuân thủ chuẩn mực quốc tế, minh bạch, lãi suất cạnh tranh, ổn định và đóng góp vào xu hướng đầu tư bền vững. Các lô trái phiếu xanh của các doanh nghiệp, ngân hàng trên đều tuân thủ Nguyên tắc Trái Phiếu Xanh của ICMA, được đánh giá độc lập bởi FiinRatings, S&P, Moody’s trước và sau phát hành, đảm bảo minh bạch và ngăn chặn “rửa xanh”. Với sự bảo lãnh từ các tổ chức uy tín như GuarantCo và xếp hạng tín nhiệm nội địa từ FiinRatings, các lô trái phiếu xanh đã thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên việc triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ sản xuất xanh vẫn còn nhiều khó khăn như mức thuế môi trường hiện nay chưa cao, một số chính sách ưu đãi thuế còn phân tán, thiếu đồng bộ giữa các ngành và các cấp quản lý...
Để khắc phục và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; trong đó, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải các phương tiện giao thông; rà soát tổng thể và bảo đảm các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển giao thông xanh.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý; cải thiện dư địa tài khóa; tao điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế như phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh./.
Thùy Dương