Nhu cầu nội địa tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Malaysia
24/07/2025 11:52:19
3 lượt xem
Kinh tế thế giới
Nhu cầu nội địa tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Malaysia
Hà Nội (TTXVN 24/7)
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều áp lực từ căng thẳng thương mại toàn cầu, nhu cầu nội địa của Malaysia (Ma-lai-xi-a) đang cho thấy khả năng phục hồi đáng kể và đóng vai trò là động lực chính duy trì đà tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (Amro) Dong He, nếu mức thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/8 ở mức hiện tại là 25%, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia có thể giảm từ 5,1% vào năm 2024 xuống 4,2% vào năm 2025 và xuống còn 3,8% vào năm 2026.
Các dự báo này phản ánh thuế quan sẽ có tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ và tác động gián tiếp thông qua hàng hóa trung gian xuất khẩu sang các quốc gia khác trước khi đến Mỹ, cũng như sự suy giảm tăng trưởng chung của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Malaysia.
Ông Dong He lưu ý rằng, lĩnh vực xuất khẩu đã hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế trong đầu năm nay, với các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động sản xuất và các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm và xa hơn vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, đặc biệt là kết quả của các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Để duy trì đà phát triển, ông cho rằng, chính phủ nên ưu tiên duy trì các cam kết ngoại giao với Mỹ trong các vấn đề thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chú trọng hơn vào lĩnh vực dịch vụ, vốn thường ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp bảo hộ. Bên cạnh đó, Malaysia cũng cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu kinh tế, đặc biệt là thông qua Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp Mới 2030 và Lộ trình Chuyển đổi Năng lượng Quốc gia.
Ở cấp độ khu vực, Đặc khu kinh tế Johor-Singapore (JS-SEZ) có thể sẽ là một lợi thế chiến lược, góp phần giúp Malaysia thu hút thêm vốn đầu tư và thúc đẩy đổi mới xuyên biên giới. Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm tăng sức hấp dẫn của JS-SEZ, đặc biệt nếu Singapore phải chịu mức thuế quan thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Việt Nam và Mexico. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng, sự hợp tác chặt chẽ giữa Singapore và Malaysia đã góp phần tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của khu vực.
Tuy nhiên, ông Dong He cũng lưu ý rằng, Malaysia cần phải giải quyết một số thách thức, bao gồm việc vận chuyển hành khách và hàng hóa xuyên biên giới, xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía Nam bang Johor, giảm khoảng cách về tiền lương, khắc phục tình trạng thiếu lao động tay nghề cao. Theo đó, JS-SEZ có thể đóng vai trò là hình mẫu cho các sáng kiến hội nhập khu vực trong tương lai như việc thiết lập các đặc khu kinh tế mới tương tự./.
Thành Trung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)