Kinh tế Indonesia tiếp tục đối mặt áp lực
27/07/2025 13:52:12
1 lượt xem
Kinh tế thế giới
Kinh
tế Indonesia tiếp tục đối mặt áp lực Hà Nội (TTXVN 27/7)
Trong báo cáo phát hành ngày 27/7, tổ chức nghiên cứu CORE Indonesia nhận định, bối cảnh bất ổn toàn cầu tiếp tục gây áp lực ngày càng lớn lên nền kinh tế Indonesia (In-đô-nê-xi-a).
Hiện tại, Chính phủ Indonesia chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 5%. CORE Indonesia cho rằng, đây không phải là lúc để Jakarta duy trì cách làm "như thường lệ". Tổ chức này kiến nghị, điều cần thiết hiện nay là các hành động chiến lược, có trọng tâm để đẩy nhanh quá trình phục hồi và duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong Quý III và Quý IV/2025.
CORE Indonesia đã vạch ra một số giải pháp chiến lược mà chính phủ có thể triển khai ngay lập tức, để ổn định tiêu dùng hộ gia đình, thúc đẩy đầu tư và tăng cường hiệu quả chi tiêu công.
Một là, mở rộng chương trình kích thích kinh tế. Theo đó, CORE đề xuất mở rộng các gói trợ cấp tiền mặt để tiếp cận nhiều hơn các hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp, hỗ trợ họ trong việc tiêu thụ lương thực cơ bản. Một lựa chọn khác là giảm giá hóa đơn tiền điện. Với việc chi phí tiền điện chiếm khoảng 10% chi tiêu của các hộ gia đình Indonesia, biện pháp này có thể mang lại sự hỗ trợ đáng kể.
Hai là, đưa ra các ưu đãi có điều kiện để ngăn chặn doanh nghiệp sa thải nhân viên.
Chính phủ có thể cung cấp các gói ưu đãi cho các công ty giữ chân được lực lượng lao động của mình, bao gồm giảm thuế doanh nghiệp, trợ cấp lương cho người lao động, hoặc tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp.
Ba là, đẩy nhanh giải ngân chi tiêu chiến lược của chính phủ. CORE khuyến nghị thành lập một "Lực lượng Đặc trách Giải ngân Ngân sách" liên bộ để giải quyết các rào cản hành chính.
Bốn là, rà soát các biện pháp phi thuế quan (NTM) trước khi gỡ bỏ có chọn lọc. Các biện pháp phi thuế quan liên quan đến y tế, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường phải được duy trì phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu để bảo vệ chủ quyền quản lý quốc gia và khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Ngoài ra, CORE cũng kiến nghị ba biên pháp nữa, bao gồm: Tối ưu hóa việc sử dụng sản phẩm trong nước; Đẩy mạnh hạ nguồn hóa chuỗi giá trị nông sản; Bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi hàng nhập khẩu trái phép.
Theo CORE Indonesia, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục thay đổi, các biện pháp có mục tiêu này có thể giúp quốc gia lớn nhất Đông Nam Á duy trì đúng lộ trình.
Ưu tiên đã rõ ràng hồi sinh chi tiêu hộ gia đình, thúc đẩy đầu tư và tăng cường chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là trong Quý III và Quý IV/2025./.
Minh Thái (P/v TTXVN tại Jakarta)