ATR: Máy bay cánh quạt có thể hoàn thiện mạng lưới giao thông Hàn Quốc
27/07/2025 15:02:42
1 lượt xem
Kinh tế thế giới
ATR: Máy bay cánh quạt có thể hoàn thiện mạng lưới giao thông Hàn Quốc
Hà Nội (TTXVN 27/7)
Hãng sản xuất máy bay châu Âu ATR nhận định rằng dòng máy bay cánh quạt của hãng, chuyên phục vụ các chặng bay ngắn, sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng của Hàn Quốc. Những máy bay này có khả năng kết nối các khu vực hiện chưa thể tiếp cận bằng tàu hỏa hoặc máy bay lớn, trong đó có các đảo nhỏ và vùng sâu vùng xa.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap mới đây tại Đài Bắc (Trung Quốc), Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc thương mại của ATR, ông Alexis Vidal, cho biết, công ty nhận thấy tiềm năng dài hạn cho khoảng 25-30 máy bay ATR tại Hàn Quốc. Theo ông, những máy bay này có thể phục vụ các tuyến bay nội địa và quốc tế chặng ngắn, cũng như kết nối các sân bay mới xây trên đảo, ví dụ như sân bay sắp đi vào hoạt động trên đảo Ulleung ở phía Đông Hàn Quốc.
Nhân dịp lễ ký kết hợp đồng cung cấp máy bay với hãng hàng không Uni Air của Đài Loan (Trung Quốc), ông Vidal nhấn mạnh Hàn Quốc là một thị trường quan trọng đối với ATR.
Ông Vidal giải thích rằng các hãng hàng không khu vực thường sử dụng máy bay cỡ nhỏ để khai thác các tuyến bay ngắn giữa các thành phố nhỏ hoặc vùng hẻo lánh. Điều này đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối các cộng đồng - nơi đường sắt hoặc máy bay phản lực lớn không phải là lựa chọn khả thi, trong khi các hãng hàng không truyền thống hay giá rẻ lại tập trung vào những sân bay lớn và tuyến bay đông khách.
Ông Vidal nhận định máy bay ATR có thể bổ sung hiệu quả cho mạng lưới giao thông của Hàn Quốc, đặc biệt trên các tuyến Đông - Tây nơi đường sắt hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, dòng máy bay này còn phù hợp để kết nối các đảo và phục vụ một số tuyến quốc tế chặng ngắn đến Nhật Bản hoặc miền Bắc Trung Quốc.
Thành lập năm 1981 dưới hình thức liên doanh giữa Airbus (Pháp) và Leonardo (Italy), ATR có trụ sở tại Toulouse, Pháp. Công ty chuyên sản xuất máy bay khu vực sử dụng động cơ cánh quạt và hiện là nhà sản xuất dẫn đầu toàn cầu trong phân khúc này, đã bán được hơn 1.900 chiếc.
Máy bay cánh quạt vận hành bằng các cánh quạt gắn với động cơ tua-bin, có hiệu suất nhiên liệu tăng ở tốc độ và độ cao thấp, rất phù hợp cho các chuyến bay chặng ngắn.
ATR cho biết kế hoạch mở rộng của hãng diễn ra trong bối cảnh hãng hàng không khu vực mới của Hàn Quốc là Sum Air Co. chuẩn bị lần đầu tiên khai thác dòng máy bay ATR tại thị trường này.
Hãng hàng không Sum Air dự kiến sử dụng máy bay cánh quạt ATR 72-600 để kết nối các đảo xa và thành phố nội địa. Kế hoạch này bao gồm cả đảo Ulleung, nơi sân bay mới dự kiến khai trương vào năm 2028.
Ông Vidal dẫn chứng, một chiếc ATR 72-600 bay từ sân bay Gimpo (phía Tây Seoul) đến đảo Ulleung, cách thủ đô khoảng 340 km về phía Đông, sẽ mất khoảng 55 phút. Ông cũng dự báo Sum Air có thể cần khoảng 25-30 máy bay tại Hàn Quốc và sẽ là hãng tiên phong khôi phục các đường bay khu vực đến những địa điểm này.
Hiện ATR đã có những bước tiến đáng kể tại châu Á - Thái Bình Dương, với hơn 100 máy bay đang hoạt động ở Indonesia và hơn 70 chiếc tại Ấn Độ. Công ty cũng cung cấp máy bay cho các hãng ở Nhật Bản, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa nhờ nhu cầu thương mại điện tử tăng cao.
Trên toàn cầu, ATR đang có hơn 180 đơn hàng tồn đọng, với gần một nửa số đơn hàng gần đây đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2024, công ty đã ghi nhận 56 đơn hàng và có thêm 46 đơn hàng mới tính đến thời điểm này.
Ông Vidal cho biết ATR đang tích cực trao đổi với các cơ quan hàng không và giao thông Hàn Quốc nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Ông nhấn mạnh ATR không chỉ bán máy bay mà còn nỗ lực tìm hiểu nhu cầu của các bộ, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Theo ông, ATR cần chứng minh rằng máy bay cánh quạt có thể hoạt động hiệu quả tại các sân bay có đường băng ngắn và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Giám đốc điều hành ATR, bà Nathalie Tarnaud Laude, khẳng định máy bay cánh quạt không cạnh tranh mà chỉ bổ trợ cho hệ thống đường sắt cao tốc của Hàn Quốc ở những khu vực đường sắt không vươn tới. Bà nhấn mạnh rằng dù tàu hỏa là phương tiện tối ưu ở nơi có sẵn, nhưng tại các vùng xa, máy bay cánh quạt lại là giải pháp tiết kiệm chi phí và bền vững hơn. Đây là hai yếu tố ngày càng quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia.
Ông Vidal bày tỏ hy vọng ATR sẽ có cơ hội giới thiệu máy bay của mình tại Hàn Quốc khi Sum Air nhận bàn giao chiếc đầu tiên, dự kiến trong vòng sáu tháng tới.
Ông kết luận rằng đó sẽ là một bước phát triển rõ rệt, giúp người dân có cơ hội trực tiếp quan sát và tìm hiểu về loại máy bay này cũng như lợi ích của công nghệ động cơ cánh quạt./.
Vân Anh (Theo Yonhap)