Khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
25/07/2025 19:40:22
1 lượt xem
Thời sự trong nước
Khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Thành phố Hồ Chí Minh (TTXVN 25/7)
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, sản phẩm mang dấu ấn văn hóa riêng biệt chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Đó cũng là công cụ hữu hiệu để lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc và luôn đổi mới. Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù" do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 25/7.
Yếu tố văn hóa được xác định là nền tảng phát triển sản phẩm du lịch, tạo nên bản sắc và vị thế riêng cho du lịch Việt Nam. Những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, di sản văn hóa, làng nghề, giá trị kiến trúc, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian, âm nhạc… là những mạch ngầm văn hóa giúp sản phẩm du lịch trở nên độc đáo, hấp dẫn và có chiều sâu. Hiện nay, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình lấy văn hóa phát triển du lịch, lấy du lịch bảo tồn văn hóa; trong đó, một số định hướng mà nhiều địa phương tập trung trong phát triển du lịch đó là bảo tồn các di sản và văn hóa truyền thống thông qua hoạt động truyền dạy nghề thủ công, phục dựng lễ hội và thực hành tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật biểu diễn và văn hóa ẩm thực... Tính chân thực văn hóa trong trải nghiệm chính là yếu tố gây ấn tượng với du khách.
Từ thực tiễn, Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhìn nhận, ngành Du lịch đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển du lịch theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng và trải nghiệm độc đáo của du khách. Hơn bao giờ hết, du khách hiện đại không chỉ tìm kiếm nơi nghỉ ngơi mà còn mong muốn được kết nối, khám phá, lắng nghe những câu chuyện và chạm vào “linh hồn” của mỗi điểm đến - đó chính là văn hóa. Tuy nhiên, việc biến nguồn tài nguyên văn hóa phong phú thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và có giá trị kinh tế cao vẫn còn là một "điểm nghẽn".
Góc độ quản lý ngành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Đào tạo và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thời gian qua, định hướng phát triển sản phẩm du lịch gắn với phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa đã được toàn ngành tổ chức triển khai. Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc đã được nghiên cứu, phát triển; qua đó đã từng bước khẳng định giá trị thương hiệu cho điểm đến các vùng miền và du lịch Việt Nam nói chung, góp phần quan trọng trong quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng đến du khách trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch bền vững và có chiều sâu là khai thác giá trị văn hóa mà không làm mai một bản sắc, giá trị; để sản phẩm du lịch đặc thù vừa hấp dẫn thị trường vừa gắn với bảo tồn di sản.
Song song với việc phát triển sản phẩm du lịch, các chuyên gia cho rằng, công tác đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng cần được chú trọng hơn nữa. Bởi theo các chuyên gia, việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đề xuất ngành cũng như các trường xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực bài bản, dài hạn, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, chương trình đào tạo cần được cập nhật phù hợp với xu hướng mới của ngành như du lịch thông minh, du lịch bền vững, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phục vụ khách hàng./.
Thu Hoài