Chế tài xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả cần đủ sức răn đe
22/07/2025 15:24:09
1 lượt xem
Thời sự trong nước
Chế tài xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả cần đủ sức răn đe
Thành phố Hồ Chí Minh (TTXVN 22/7)
“Xem xét, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt; bổ sung mức xử phạt nặng đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân” là kiến nghị của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi giám sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thuốc giả, thực phẩm giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/7.
*Khó kiểm soát thuốc giả, thực phẩm giả Thống kê của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có 63 bệnh viện công lập, 22 trung tâm y tế, 72 bệnh viện tư nhân, 8.044 phòng khám tư nhân. Thành phố còn là đầu mối phân phối thuốc cho tất cả các khu vực trên cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Trong lĩnh vực thực phẩm, Thành phố hiện có 2.832 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 13.747 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 132 bếp ăn tập thể; 66 cơ sở chế biến suất ăn sẵn; 55 cơ sở bếp ăn trường học; 14.640 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh; 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị; 3.200 cửa hàng tiện lợi.
Do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm quá lớn, đặc biệt sau khi hợp nhất với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương nên công tác quản lý, kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Nếu như trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh sản phẩm thật, tập trung vào mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, thương hiệu lớn trên thị trường thì hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng.
*Siết chặt công tác quản lý, đề xuất tăng mức xử phạt Thời gian qua, một số vụ việc sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả đã được Công an Thành phố phát hiện, xử lý. Từ năm 2024 đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 9 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực y tế. Đối với thực phẩm giả, đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương (cũ) tiến hành kiểm tra, trực tiếp bắt quả tang 1 cơ sở thực hiện hành vi sản xuất sữa giả tại thành phố Dĩ An với tổng trị giá khoảng 14,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử phạt 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược do có hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; xử phạt gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm. Từ tháng 1/2024 đến 30/6/2025, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố cũng đã phát hiện và bắt giữ 4.415 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu; 21.821 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 1.475 vụ vi phạm về hàng giả liên quan đến lĩnh vực thuốc, thực phẩm với tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 2.000 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 36 vụ với 89 đối tượng...
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng thông tin, hiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh và lưu hành hàng giả đã khá đầy đủ nhưng chế tài xử phạt hành chính trong một số trường hợp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là với các hành vi cố ý vi phạm, tái phạm. Nhiều đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận cao dẫn đến nhiều trường hợp tái phạm.
UBND Thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt; bổ sung mức xử phạt nặng đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. UBND Thành phố kiến nghị xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, kết nối liên thông đồng bộ và bảo đảm an toàn thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động thương mại điện tử trên cả nước….
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống hàng giả, đặc biệt là các sản phẩm thuốc giả, thực phẩm giả khi đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn, tác động đến nhiều người. Những thông tin, kiến nghị, đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh rất có giá trị cho việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và bộ, ngành với mục tiêu giúp công tác phòng, chống hàng giả, nhất là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người hiệu quả hơn./.
Đinh Hằng