Nghị quyết 57: Tạo thêm nguồn lực và động lực phát triển kinh tế - xã hội
20/07/2025 09:46:10
1 lượt xem
Thời sự trong nước
Nghị quyết 57: Tạo thêm nguồn lực và động lực phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nội (TTXVN 20/7)
Qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), các “điểm nghẽn” dần được tháo gỡ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng tích cực tham gia nghiêu cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Qua đó cho thấy Nghị quyết 57 đã thực sự lan tỏa trong cuộc sống, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn, tạo thêm nguồn lực và động lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Gỡ “điểm nghẽn” cản bước chuyển đổi số và công nghệ Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan trước ngày 31/7/2025 hoàn thành nhiệm vụ rà soát các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đây là nội dung trong Thông báo số 365/TB-VPCP ngày 16/7/2025 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp rà soát nội dung, công tác chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ; Tổ trưởng các Tổ công tác nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đôn đốc tổ chức triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ.
Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân, tập thể, đặc biệt là đề cao vai trò của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, huy động nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách theo đúng tiến độ đề ra; rà soát kỹ, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2025 để đạt được mục tiêu đề ra, báo cáo tại Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo của Chính phủ (ngày 20/7/2025).
* Hỗ trợ các dự án có tiềm lực trở thành “kỳ lân” Lần đầu tiên Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) tổ chức chương trình ươm tạo từ nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp. Đây là một trong những hoạt động nhằm phấn đấu đưa vị thế của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng vươn tầm quốc tế trong 5 năm tới. Thành phố sẽ đẩy mạnh ươm tạo, hỗ trợ để các dự án khởi nghiệp nhỏ có tiềm lực trở thành “kỳ lân” khởi nghiệp trong tương lai, vươn lên tại Việt Nam và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngày 19/7, DNES tổ chức Lễ khai giảng Chương trình Ươm tạo Tương tác FINC+ 2025 được chủ trì và tài trợ bởi Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng. Top 5 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được lựa chọn tham gia Chương trình Ươm tạo kéo dài 4 tháng trong năm 2025, gồm: Enfue, Vietro Care, Skoolib, Gooride và Nhân Tâm Coop.
Chương trình Ươm tạo Tương tác FINC+, DNES cũng công bố triển khai chương trình tiền ươm tạo dành riêng cho các ý tưởng khởi nghiệp đến từ sinh viên, dự kiến hỗ trợ cho 30 ý tưởng. Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ hình thành và kiểm nghiệm tính khả thi của ý tưởng khởi nghiệp; định hình mô hình kinh doanh ban đầu; cung cấp kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cần thiết…DNES sẽ hợp tác với Viện Sở hữu trí tuệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiếp cận, đăng ký và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh các hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng, các dự án, mô hình khởi nghiệp còn được nhận hỗ trợ trực tiếp từ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng 20 triệu đồng/dự án cho 5 dự án ươm tạo và 10 triệu đồng/dự án cho 30 dự án tiền ươm tạo.
* Không gian mới cho phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ Nghị quyết 57 xác định tầm quan trọng của “không gian vũ trụ”, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tự chủ, từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Viện Vật lý địa cầu Ba Lan (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) thực hiện thành công công trình nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và viễn thám trong giám sát chất lượng nước biển tại vùng biển Vịnh Hạ Long và Cửa Lục (tỉnh Quảng Ninh). Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng đồng thời dữ liệu vệ tinh Sentinel-2, các thuật toán học máy tiên tiến và nền tảng GEE (nền tảng điện toán đám mây của Google) để mô hình hóa và theo dõi các thông số chất lượng nước như nhiệt độ bề mặt, chất rắn lơ lửng, diệp lục-a và nhu cầu oxy hóa học Điểm mới của nghiên cứu nằm ở việc áp dụng tổng hợp và sáng tạo các công nghệ viễn thám, AI và điện toán đám mây để giải quyết bài toán giám sát chất lượng nước biển, đồng thời đưa ra các giải pháp khả thi để vượt qua thách thức về thiếu hụt dữ liệu và cung cấp những phân tích sâu sắc có giá trị thực tiễn.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho rằng, kết quả ứng dụng viễn thám và AI trong giám sát môi trường nước trên diện rộng là nguồn thông tin quan trọng cho các ngành liên quan như môi trường, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững có điều kiện phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 57.
* Đưa tri thức số đến mọi nhà, mọi người Tỉnh đoàn Hưng Yên đã phát động chiến dịch 30 ngày đêm cao điểm mở các lớp "Bình dân học vụ số". Mỗi thanh niên trở thành một “sứ giả” đưa tri thức số đến mọi nhà, mọi người, góp phần kiến tạo một xã hội số, công dân số toàn diện.
Tại mỗi lớp học, “giảng viên” chính là những đoàn viên, thanh niên với tri thức, kỹ năng công nghệ cùng tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ từng bước giúp người dân vượt qua những rào cản về công nghệ. Sự linh hoạt trong phương pháp tiếp cận, từ hướng dẫn trực tiếp đến hỗ trợ trực tuyến, từ các lớp học tập trung đến các tổ xung kích đến tận nhà dân “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận thông tin và được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số.
Việc tổ chức các lớp "Bình dân học vụ số" được các cấp bộ Đoàn tỉnh Hưng Yên xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời là trách nhiệm, sứ mệnh của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành cùng nhân dân tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ. Đặc biệt, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được vận hành, hình ảnh thanh niên tình nguyện xuất hiện ở các Trung tâm phục vụ hành chính công đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên Thiệu Minh Quỳnh cho biết, ngay ngày 1/7 - ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Tỉnh đoàn đã thành lập hơn 1.000 đội hình thanh niên xung kích với trên 20.000 đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, với tinh thần mỗi đội hình là một điểm tựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân, Tỉnh đoàn chỉ đạo 104 Đoàn thanh niên xã, phường rà soát những gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các đội hình thanh niên xung kích sẽ đến tận nhà người dân để hướng dẫn họ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến./.
Hoàng Vân