Than chì và canh bạc chủ quyền công nghiệp của Australia
28/07/2025 09:02:44
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Than chì và canh bạc chủ quyền công nghiệp của Australia
TTXVN (Sydney 28/7): Trang tin “The Strategist” (Australia) mới đây đăng bài viết cho biết, Australia sở hữu nguồn than chì mà thế giới cần, nhưng vẫn phụ thuộc vào các nước khác để chế biến khoáng sản này. Với hơn 90% than chì dùng cho pin trên thế giới được tinh chế tại Trung Quốc, Australia giàu khoáng sản quan trọng nhưng lại thiếu khả năng tự chủ trong chuỗi cung ứng. Điều đó cần phải thay đổi, và miền Bắc Australia chính là nơi để bắt đầu.
Than chì có thể được ví như "người hùng thầm lặng" của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tính theo trọng lượng, than chì chiếm phần lớn thành phần của pin lithium-ion, và nhu cầu dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2035. Tuy nhiên, giá trị của than chì không chỉ giới hạn ở năng lượng sạch, mà còn là thành phần nền tảng trong các hệ thống phòng thủ tiên tiến, bao gồm vũ khí siêu thanh, máy bay không người lái, hệ thống thông tin liên lạc an toàn và thiết bị lưu trữ pin. Mặc dù khoáng sản này có tầm quan trọng chiến lược, Australia vẫn thiếu năng lực ở quy mô thương mại để tinh chế than chì thô thành than chì tinh khiết hình cầu (loại được sử dụng trong cực dương pin). Thay vào đó, Australia xuất khẩu than chì thô và nhập khẩu than chì đã qua chế biến với mức giá cao đáng kể. Đây là một thách thức chiến lược đối với nền kinh tế.
Quyết định của Trung Quốc năm 2023 về việc hạn chế xuất khẩu gali và germani để đáp trả các biện pháp kiểm soát công nghệ của phương Tây cho thấy rõ ràng rằng việc gây ảnh hưởng đến nguồn cung khoáng sản thiết yếu hiện là một công cụ đòn bẩy địa chính trị. Than chì có thể là khoáng sản mà Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác tiếp theo. Australia không thể tiếp tục phụ thuộc vào một quốc gia chế biến than chì duy nhất. Giải pháp không chỉ đơn giản là đa dạng hóa nguồn cung, mà là gia tăng giá trị nội địa.
Vùng lãnh thổ phía Bắc là nơi Australia có cơ hội hấp dẫn để thực hiện sự thay đổi đó, đặc biệt là ở Orogen Pine Creek, vùng Tanami và tỉnh Aileron. Cho đến gần đây, những khu vực này ít được quan tâm thăm dò. Điều đó đã thay đổi vào năm 2022, khi Kingsland Minerals phát hiện ra một mỏ than chì lớn tại Leliyn, cách Darwin khoảng 200 km về phía Nam. Khi quy mô được xác nhận vào năm 2024, mỏ than chì này đã trở thành mỏ than chì lớn nhất được biết đến ở Australia, với trữ lượng ban đầu được cho là 194,6 triệu tấn với tổng lượng carbon than chì là 7,3%.
Vị trí và những kết quả ban đầu khiến phát hiện này không chỉ là một khám phá đầy hứa hẹn. Mỏ Leliyn nằm trong bán kính 40 km từ một thị trấn khai thác mỏ, với đường sá được trải nhựa, có hệ thống đường sắt, khí đốt và lối vào cảng Darwin. Các thử nghiệm luyện kim đã xác nhận khả năng sản xuất tinh quặng than chì với độ tinh khiết hơn 94% của mỏ, một sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương mại, phù hợp để chế biến thành vật liệu anode cho pin.
Một điều quan trọng nữa là mới chỉ có 25% trong tổng chiều dài 20 km của dải đá than chì tại Leliyn được khoan thăm dò, 75% diện tích còn lại vẫn chưa được thử nghiệm, mở ra một tiềm năng khai thác vô cùng lớn trong tương lai. Tuy nhiên, không nên coi Leliyn là một cơ hội thương mại đơn lẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho cả ngành công nghiệp. Phát hiện này chứng minh rằng tiềm năng than chì của Lãnh thổ Bắc Australia là có thật, có thể mở rộng quy mô và có ý nghĩa kinh tế. Nếu Australia muốn phát triển năng lực chế biến than chì trong nước thì nên bắt đầu từ nơi mà địa chất, cơ sở hạ tầng và chính sách công nghiệp đã được đồng bộ.
Mới đây, bang Queensland đã đẩy nhanh dự án khai thác than chì và cơ sở chế biến trị giá 1,23 tỷ AUD (806 triệu USD), củng cố chuỗi cung ứng anode pin của Australia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất độc lập trên toàn quốc.
Việc phát triển một nhà máy chế biến than chì liên kết với các dự án như Leliyn và gần Khu phát triển bền vững Middle Arm của Darwin sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng.
Thứ nhất là năng lực trong nước. Việc có khả năng tinh chế than chì hình cầu tinh khiết trên bờ sẽ loại bỏ một điểm yếu lớn trong chuỗi cung ứng quốc phòng và năng lượng sạch.
Thứ hai là giá trị kinh tế. Than chì tinh chế được bán với giá cao hơn đáng kể so với nguyên liệu thô. Bằng cách chế biến tại Australia, quốc gia này sẽ giữ lại được nhiều giá trị hơn, nhiều việc làm hơn và nhiều chuyên môn hơn.
Thứ ba là sự liên kết chiến lược. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang tìm kiếm các nguồn than chì tinh chế không phải từ Trung Quốc. Thay vì đặt mục tiêu thay thế Trung Quốc, Australia nên tập trung vào việc đa dạng hóa thông qua các mối quan hệ đối tác đáng tin cậy. Một cơ sở ở Darwin sẽ đưa Australia vào đúng nhóm đối tác đáng tin cậy đó, đặc biệt là khi sự hợp tác thông qua AUKUS (liên minh an ninh ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh và Mỹ) và Bộ tứ (Nhóm bốn nước gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ), giúp tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Hiệu ứng lan tỏa thậm chí còn lớn hơn. Darwin có thể trở thành trung tâm chế biến khoáng sản quan trọng ở phía Bắc. Chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng tại Middle Arm. Các dự án như Leliyn có thể đóng vai trò là nền tảng cho việc thăm dò, phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài. Chúng cũng có thể thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế khu vực và sự tham gia của người bản địa vào khai thác mỏ, hậu cần và sản xuất tiên tiến.
Australia đã có chiến lược, nhưng chưa có giải pháp. Mặc dù Chiến lược Khoáng sản Quan trọng năm 2023 của Australia đã đặt nền móng quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ. Australia cần hành động có mục tiêu và phối hợp. Điều đó có nghĩa là thiết lập các mô hình chia sẻ rủi ro công-tư để mở khóa chế biến trung gian. Đơn giản hóa các phê duyệt theo quy định. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng trước nhu cầu, chứ không phải để đáp ứng nhu cầu. Và trên hết, đảm bảo chính sách xử lý được tích hợp với các ưu tiên về quốc phòng, an ninh năng lượng và thương mại.
Australia đã thảo luận về việc nâng cao chuỗi giá trị trong một thập kỷ. Phát hiện tại mỏ Leliyn cho thấy những gì có thể đạt được khi hoạt động thăm dò, cơ sở hạ tầng và ý chí chính sách hội tụ. Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là liệu Australia có thể chuyển từ các dự án riêng lẻ sang một ngành công nghiệp chế biến than chì tích hợp hay không? Nếu làm được, Australia sẽ không chỉ đạt được giá trị kinh tế mà còn có được chủ quyền thực sự trong chuỗi cung ứng./.
Thanh Tú (TTXVN tại Sydney)