Tương lai của thương mại toàn cầu: “Mở cửa” hay “Bế quan”
28/07/2025 15:00:33
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Tương lai của thương mại
toàn cầu: “Mở cửa” hay “Bế quan” Trang mạng moderndiplomacy.eu (Ngày 24/7)
Mùa Hè này, vũ đài kinh tế toàn cầu đang chứng kiến hai chính sách thương mại lớn và hoàn toàn trái ngược nhau, hứa hẹn các tương lai khác nhau cho thương mại quốc tế. Một bên là Trung Quốc, trải thảm đỏ với “đại tiệc” miễn thuế cho một loạt quốc gia châu Phi. Bên còn lại là “bóng ma” của chủ nghĩa bảo hộ với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch gửi hơn 150 lá thư tới các quốc gia trên toàn thế giới, với lời mời lịch sự (hoặc không)
yêu cầu đóng thêm mức thuế 10-15% bổ sung. Đây là câu chuyện về hai triết lý: một bên dang tay xây dựng cầu nối, bên còn lại có lẽ đang xây dựng một trạm thu phí toàn cầu đắt đỏ.
Đầu tiên là đại tiệc “mở cửa” của Trung Quốc. Cam kết mở cửa cao độ của Trung Quốc hiện đang được triển khai mạnh mẽ, được nhấn mạnh bởi chính sách thuế quan bằng 0 lâu dài và hiện đã được mở rộng đáng kể đối với các quốc gia châu Phi. Đây không chỉ là một mối quan hệ tạm thời, mà là mối quan hệ ngày càng sâu sắc. Bắt đầu từ ngày 1/12/2024, Trung Quốc đã áp dụng chính sách miễn thuế 100% cho các sản phẩm từ 33 quốc gia châu Phi kém phát triển nhất (LDC) có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, trở thành nền kinh tế đang phát triển lớn đầu tiên làm như vậy. Trong một động thái đáng chú ý vào tháng 6/2025, Trung Quốc đã công bố ý định mở rộng chính sách miễn thuế 100% này cho 98% hàng hóa chịu thuế từ tất cả 53 quốc gia châu Phi mà nước này có quan hệ ngoại giao với.
Chính sách này sẽ được hoàn thiện thông qua các hiệp định đối tác kinh tế mới.
Hãy tưởng tượng một thị trường rộng lớn với 1,4 tỷ người tiêu dùng, đột nhiên được tiếp cận tất cả các mặt hàng từ ớt khô Rwanda đến thịt cừu Madagascar mà không gặp phải các rào cản hải quan thông thường.
Đây không chỉ đơn thuần là các con số thương mại mà còn là một sự đón nhận mang tính chiến lược. Trung Quốc định hình điều này như một nỗ lực thúc đẩy “thịnh vượng chung” và giúp các quốc gia châu Phi xây dựng năng lực “tự tạo ra nguồn lực” – một phép ẩn dụ khá sinh động cho việc tự duy trì sự tăng trưởng kinh tế tự duy trì. Điều này liên quan đến việc hỗ trợ công nghiệp hóa, nâng cao chuỗi giá trị địa phương và cung cấp một thị trường xuất khẩu đa dạng quan trọng cho hàng hóa châu Phi, đặc biệt là khi các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn. Về cơ bản, Trung Quốc đang mời châu Phi tham gia một “bữa buffet thịnh soạn”, nơi thức ăn miễn phí và nhà bếp luôn sẵn sàng đưa ra những công thức nấu ăn mới. Thông điệp rất rõ ràng: “Mời bạn tham gia, mang theo những gì tốt nhất của bạn và cùng nhau phát triển”. Mặc dù một số nhà phân tích bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng điều này có lợi cho Trung Quốc hơn hoặc có thể tác động đến các ngành công nghiệp địa phương, song quy mô và ý định của chính sách mở cửa này thể hiện cam kết quan trọng đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác Nam-Nam.
Bên còn lại của vũ đài toàn cầu, nơi chính sách “trạm thu phí toàn cầu” có thể sắp được khai màn. Các báo cáo cho biết Trump, nổi tiếng với cách tiếp cận thương mại độc đáo, hiện đã gửi thư tới hơn 150 quốc gia, thông báo rằng họ sẽ sớm phải chịu mức “thuế quan đối ứng” 10% hoặc 15%. Hãy coi đây như một khoản phí “vào cửa” chung khi thâm nhập thị trường Mỹ, với khoản phụ phí tiềm ẩn đối với những quốc gia bị coi là đã “lợi dụng” Mỹ trong quá khứ.
Cách tiếp cận này, bắt nguồn từ triết lý “Nước Mỹ trước tiên”, nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích “chuyển sản xuất về nước” (reshoring) và “giảm rủi ro” (de-risking), giảm sự phụ thuộc và những mắt xích cụ thể, thường là đối thủ cạnh tranh, trong chuỗi cung ứng. Cách tiếp cận này không hẳn là một bữa tiệc chung, mà là đảm bảo nước Mỹ được hưởng thị phần lớn nhất, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải giảm bớt độ lớn của thị trường.
Điều hài hước ở đây nằm ở sự táo bạo và quy mô của nó. Hãy tưởng tượng dịch vụ bưu chính phải vật lộn với hơn 150 thông báo thuế quan được thiết kế riêng, mỗi thông báo có khả năng châm ngòi cho một vòng đàm phán thương mại mới, hoặc nhiều khả năng hơn là các mức thuế quan trả đũa. Trò đùa kinh tế ở đây là lập luận rằng “họ phải chi trả”, trong khi hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng thuế quan phần lớn do người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước chi trả thông qua giá cả tăng cao, có khả năng khiến mức giá chung của Mỹ tăng 2% và dẫn đến thiệt hại đáng kể về tổng sản phẩm nội địa (GDP) thực.
Sự tương phản giữa hai cách tiếp cận này không thể rõ ràng hơn. Chiến lược của Trung Quốc giống như một kiến trúc sư kỳ cựu, tỉ mỉ thiết kế các tuyến đường thương mại mới, kết nối chặt chẽ và mời gọi mọi người cùng xây dựng dọc theo các tuyến đường này, đặc biệt là những quốc gia cần được hỗ trợ.
Chiến lược này nhằm xây dựng một bức tranh phức tạp, đan xen của chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi mỗi yếu tố, dù nhỏ đến đâu, đều góp phần tạo nên sức mạnh tổng thể.
Mục tiêu là hội nhập sâu rộng, tăng trưởng chung và tầm nhìn về sự bền vững thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau.
Ngược lại, chiến lược của Mỹ giống như một người làm vườn quyết tâm, thận trọng “tỉa tót” những nhánh mà họ cho là có hại hoặc rủi ro khỏi “cây” chuỗi chung ứng toàn cầu. Mặc dù mục tiêu được nêu ra là tăng cường khả năng chống chịu, phương pháp này có nguy cơ phân mảnh, tăng chi phí và tạo ra môi trường thương mại toàn cầu khó lường hơn. Một bên tìm cách mở rộng thị phần cho tất cả các bên, trong khi bên còn lại nhằm đảm bảo một thị phần lớn hơn, được kiểm soát chặt chẽ trong một thị trường có thể đang bị thu hẹp.
Đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu, hai hướng đi khác biệt này mở ra một tương lai hấp dẫn, nhưng cũng có phần khó hiểu.
Chính sách miễn thuế của Trung Quốc mang lại những động lực hữu hình cho việc tiếp cận và phát triển thị trường, có khả năng tạo ra các cực tăng trưởng mới ở châu Phi và nhiều nơi khác. Điều này báo hiệu sự ổn định và cam kết lâu dài đối với sự tham gia toàn cầu. Tuy nhiên, thuế quan của Trump lại tạo ra một yếu tố bất ổn đáng kể. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sự bất ổn liên tục do chính sách thương mại thay đổi, buộc họ phải đánh giá lại các chiến lược về nguồn cung ứng, sản xuất và thị trường trên quy mô toàn cầu. Sự hài hước có thể mất đi khi giá cà phê buổi sáng hoặc thiết bị yêu thích của bạn đột nhiên tăng vọt do “thuế quan đối ứng” bất ngờ.
Trên vũ đài kinh tế toàn cầu rộng lớn, Trung Quốc đang đặt cược vào một màn trình diễn tập thể, nơi tất cả các bên đều có cơ hội tỏa sáng, đặc biệt là những ngôi sao mới nổi. Nước Mỹ, dưới thời Trump, dường như đang chuẩn bị cho một màn trình diễn solo, nơi ngôi sao chính đòi hỏi một khoản phí vào cửa khổng lồ từ khán giả, bất kể vai trò của họ trong buổi biểu diễn đó. Mùa Hè này, cả thế giới sẽ dõi theo để xem chiến lược “bom tấn” nào cuối cùng sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định thực sự, và chiến lược nào có thể sẽ khiến mọi người phải trả giá nhiều hơn./.