Ý đồ của Mỹ khi triển khai thêm vũ khí ở Philippines
27/07/2025 09:46:49
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Ý đồ của Mỹ khi triển khai thêm vũ khí ở Philippines
Trang mạng scmp.com (Ngày 25/7)
Phát biểu trong cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 21/7/2025 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã xác nhận Washington cam kết triển khai các hệ thống tên lửa và thiết bị bay không người lái (drone) tiên tiến tại Philippines, báo hiệu nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một “lá chắn răn đe thực sự vững chắc” trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và chuẩn bị cho các kịch bản khủng hoảng tiềm tàng.
Trong cuộc gặp với ông Marcos tại Lầu Năm Góc (trước thềm cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Philippines với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng) ông Hegseth cho biết các vũ khí mới này sẽ là một phần của nỗ lực chiến lược rộng lớn hơn nhằm củng cố vai trò của Manila trong an ninh khu vực. Ông Hegseth nói với Tổng thống Marcos rằng “Chúng tôi đang triển khai các tên lửa và hệ thống không người lái tiên tiến mới đồng thời tái thiết các cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình. Cùng nhau, chúng ta phải tạo dựng một lá chắn răn đe thực sự vững chắc cho hòa bình, đảm bảo an ninh và thịnh vượng lâu dài cho các quốc gia của chúng ta”.
Mặc dù Lầu Năm Góc không nêu rõ loại tên lửa hoặc drone nào được sử dụng, song ông Hegseth nhấn mạnh các động thái này không nhằm mục đích kích động đối đầu:
“Nhưng chúng tôi đã và sẽ sẵn sàng và kiên quyết. Chúng tôi tự hào hỗ trợ nền kinh tế chung của chúng ta, bao gồm cả những nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và phòng thủ tập thể của các bạn”. Ông Hegseth cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với hiệp ước đã có từ nhiều thập kỷ với Manila. Ông cho biết Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951 bao gồm các cuộc tấn công vào “lực lượng vũ trang, máy bay hoặc tàu công vụ của chúng ta, bao gồm cả lực lượng tuần duyên của chúng ta, ở bất kỳ nơi nào trên Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Hoa Nam (Biển Đông)”. Đáp lại, Ông Marcos nhấn mạnh vai trò quan trọng của liên minh trong việc duy trì hòa bình trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ông nói: “Tôi tin rằng liên minh của chúng ta, Mỹ và Philippines, đã đóng góp to lớn vào việc gìn giữ hòa bình, về duy trì sự ổn định của Biển Đông... Tôi thậm chí còn muốn nói đến toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Các nhà phân tích an ninh tin rằng các hệ thống “tiên tiến” chưa được xác định có thể bao gồm Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một nền tảng do Mỹ chế tạo có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm bắn lên tới 200 km và độ cao 150 km. Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống này ở các quốc gia khác khi cho rằng khả năng radar của hệ thống này là mối đe dọa đối với khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc.
Abdul Rahman Yaacob, nghiên cứu viên của Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Lowy, phát biểu với chuyên mục “This Week in Asia” rằng “Việc triển khai các hệ thống tên lửa khác nhau có thể báo hiệu rằng Mỹ cùng với Philippines đang chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào liên quan đến Đài Loan”. Ông cho biết các nhà hoạch định quốc phòng của Manila lo ngại rằng quân đội Trung Quốc có thể chiếm đóng các đảo của Philippines ở Eo biển Luzon trong trường hợp xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan.
Sarang Shidore, Giám đốc Chương trình Nam Bán cầu tại Viện Quincy, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết kể từ năm 2024, Mỹ đã triển khai nhiều vũ khí tiên tiến hơn cho Philippines với niềm tin rằng những vũ khí này có thể ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào Biển Đông. Shidore cho biết, theo quan điểm của Mỹ, sự răn đe như vậy sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn bằng cách hạn chế sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Ông nói với “This Week in Asia” rằng “Ngoài ra còn có một khía cạnh thứ hai, ít được chú ý hơn, trong những đợt triển khai này - đó là tính hữu ích của chúng trong trường hợp xảy ra xung đột về Đài Loan”.
Năm 2024, Quân đội Mỹ đã triển khai một bệ phóng tên lửa Typhon ở Bắc Luzon, Philippines như một phần của cuộc tập trận chung. Hệ thống phóng tên lửa từ mặt đất này có khả năng bắn tên lửa Standard Missile 6 và tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk, với tầm bắn lần lượt hơn 240 km và 2.500 km, bao phủ được Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Vào tháng 4/2025, Mỹ cũng đã triển khai Hệ thống ngăn chặn tàu viễn chinh của Hải quân/Thủy quân lục chiến (NMESIS) tại Batanes, một tỉnh nhỏ ở cực Bắc của Philippines, giáp Đài Loan. NMESIS phóng tên lửa tấn công hải quân, một tên lửa dẫn đường chính xác, lướt trên biển với khả năng phân biệt mục tiêu tiên tiến và tầm bắn khoảng 185 km.
Mặc dù các đợt triển khai này tập trung vào các khu vực phía Bắc song các chuyên gia cho rằng Washington cuối cùng có thể mở rộng sự hiện diện của mình sang các khu vực phía Tây và phía Nam của Philippines. Arnaud Leveau, Phó Giáo sư địa chính trị tại Đại học Paris Dauphine, cho biết: “Trong tương lai, Palawan hoặc thậm chí Zamboanga (ở Mindanao) có thể được xem xét, đặc biệt nếu sự chú ý chuyển sang Quần đảo Trường Sa hoặc vùng biển rộng lớn hơn của Đông Nam Á. Tuy nhiên, những động thái như vậy có thể sẽ bị vấp phải sự nhạy cảm chính trị lớn hơn ở Philippines. Các đợt triển khai hiện tại tạo ra sự cân bằng giữa tính liên quan đến hoạt động và sự thận trọng về ngoại giao”.
Sylwia Monika Gorska, nhà phân tích chính trị có bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Central Lancashire, đồng tình với quan điểm này khi lưu ý thêm rằng, mặc dù các đợt triển khai trong tương lai có thể mở rộng đến các địa điểm khác theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), việc bố trí lực lượng tại Cagayan và Isabela ở Đông Bắc Luzon sẽ tăng cường phạm vi bảo vệ Kênh Luzon và Bashi - tuyến đường quan trọng trong bất kỳ tình huống bất ngờ nào liên quan đến Đài Loan - và cung cấp khả năng dự phòng tấn công trên khắp miền Bắc.
Năm 2023, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận 4 địa điểm quân sự mới, bên cạnh 5 địa điểm hiện có (theo EDCA), cho phép Washington luân chuyển quân đội và bố trí sẵn vật liệu, thiết bị và vật tư quốc phòng tại các địa điểm cụ thể. Theo Tiến sĩ Gorska, một trong số đó là Palawan, một hòn đảo hướng ra Biển Đông, cho phép tiếp cận trực tiếp không gian hàng hải đang tranh chấp, mở rộng phạm vi ngăn chặn hàng hải mà không cần phải có căn cứ cố định. Bà giải thích: “Sự phân tán về phía trước này phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ đã được thấy ở miền Nam Nhật Bản và miền Bắc Australia - triển khai các hệ thống di động trên nhiều địa điểm để tăng cường khả năng phục hồi hoạt động, làm phức tạp việc nhắm mục tiêu của đối phương và đảm bảo khả năng tấn công liên tục ngay cả khi chịu áp lực. Tuy nhiên, trường hợp của Philippines vẫn mang tính đặc thù: tiếp nhận mà không sở hữu, định hình thế răn đe trong khi vẫn nằm ngoài vòng quyết định.
Về mặt chiến lược, điều này khuếch đại khả năng hiện diện của Manila trong các kịch bản khủng hoảng - gắn Manila vào cấu trúc leo thang, ngay cả khi quyền lực chính trị của Philippines đối với các đợt triển khai đó vẫn còn hạn chế”.
Các nhà quan sát cho rằng động thái mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines phản ánh sự chuyển dịch sang “răn đe phân tán” - chia nhỏ lực lượng và vũ khí trên nhiều địa điểm để làm phức tạp kế hoạch chiến lược của Trung Quốc. Học giả Leveau nói: “Với việc EDCA được khôi phục, Philippines không còn được coi đơn thuần là một đối tác hậu cần mà là một nền tảng răn đe tác chiến tiền phương. Đây là một hình thức cố thủ có cân nhắc, thể hiện cam kết lâu dài, tránh các hành động khiêu khích có thể liên quan đến các căn cứ thường trực”.
Tiến sĩ Gorska cho biết thêm rằng Washington đang “diễn tập trước các kịch bản leo thang”, sắp xếp các điều kiện địa lý, hậu cần và khuôn khổ pháp lý để cho phép phản ứng nhanh chóng. Bà mô tả sự hợp tác mở rộng của chính phủ Marcos, theo EDCA, là cho phép “răn đe có thể mở rộng” - một lập trường linh hoạt giúp tối đa hóa sự hiện diện quân sự mà không gây ra phản ứng dữ dội trong nước hoặc đòi hỏi phải sửa đổi hiệp ước.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều tin rằng chiến lược này là hoàn hảo. Shidore nói: “Việc dựa vào một chiến lược thiên về răn đe hoặc chỉ tập trung vào răn đe có thể dễ dàng gây ra nhiều hậu quả hơn là phòng thủ. Kéo Philippines vào một kịch bản Đài Loan có thể rất rủi ro vì có sự không tương xứng về lợi ích cốt lõi giữa Washington và Manila đối với Đài Loan”./.