Xung đột Nga-Ukraine khiến thượng đỉnh Trung Quốc-EU tẻ nhạt
27/07/2025 11:08:14
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Xung đột Nga-Ukraine
khiến thượng đỉnh Trung Quốc-EU tẻ nhạt Đài RFI (Đêm 25/7)
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Bắc Kinh hôm 24/7 không chỉ bị rút ngắn xuống còn một ngày, mà còn diễn ra trong một bầu không khí giá lạnh, căng thẳng. Thỏa thuận duy nhất mà hai bên đạt được là về khí hậu. Trong bản thông cáo được công bố bên lề thượng đỉnh, Bắc Kinh và Brussels cam kết sẽ “gia tăng nỗ lực” để chống biến đổi khí hậu.
Yếu tố chính khiến thượng đỉnh Trung Quốc-EU lần này diễn ra một cách tẻ nhạt như thế, đó là Ukraine. Cụ thể hơn là những trừng phạt của EU nhằm cố chặn hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh để Moskva có thể tiếp tục cuộc chiến Ukraine.
Trong loạt trừng phạt thứ 18 đối với Nga, được công bố ngày 18/7, lần đầu tiên EU nhắm vào hai ngân hàng Trung Quốc. Cho đến nay, Brussels chỉ trừng phạt các công ty của Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ Moskva trong cuộc chiến Ukraine, nhưng chưa bao giờ nhắm vào các tổ chức tài chính.
Quyết định này ngay lập tức đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Hôm 21/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt này sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng quan hệ thương mại, kinh tế và tài chính Trung Quốc-EU”. Đến ngày 23/7, bộ này thông báo đã “trực tiếp” phản đối với Ủy viên Thương mại châu Âu Maros Sefcovic trong một cuộc họp song phương.
Hai ngân hàng Trung Quốc bị trừng phạt là Ngân hàng Thương mại Nông thôn Hắc Hà và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tuy Phân Hà, hai ngân hàng địa phương, nằm gần biên giới với Nga. Kể từ nay, mọi công ty của EU đều bị cấm giao dịch với hai ngân hàng nói trên, dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo thông cáo báo chí từ Ủy ban châu Âu, hai ngân hàng Trung Quốc bị nhắm tới vì EU đã “đơn giản hóa” các điều kiện trừng phạt những ngân hàng và công ty tài chính không nằm trong EU cũng như Nga. Để một thực thể bị đưa vào “danh sách đen” của Brussels, kể từ nay, nếu được xác định là có liên hệ với hệ thống nhắn tin tài chính (SPFS) của Nga, hoặc phá hỏng các lệnh trừng phạt Nga, hoặc “ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine”.
EU từ lâu vẫn khẳng định chính việc tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị giữa Moskva và Bắc Kinh kể từ cuộc xâm lược Ukraine đã giúp cho nền kinh tế Nga chịu được các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều mà Trung Quốc liên tục phủ nhận. Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 24/7 trích dẫn số liệu chính thức của Hải quan Trung Quốc cho thấy là trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt mức kỷ lục, ước tính là khoảng 240 tỷ Euro vào năm 2024, tăng gần 30% so với năm 2022.
Tờ báo trích dẫn nhà kinh tế học người Nga Dmitry Nekrasov, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chiến lược châu Âu (CASE), cho hay: “Hàng trăm ngân hàng Trung Quốc liên tục vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây”. Theo ông Nekrasov, “phần lớn các giao dịch liên quan đến Nga đều thông qua những ngân hàng giống như hai ngân hàng Trung Quốc mà EU nhắm tới”. Thật ra, với quy mô khu vực, những ngân hàng này chỉ cung cấp “các dịch vụ rất đơn giản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới ở mức độ khiêm tốn”.
Các ngân hàng này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 3, Trung tâm Phân tích và Chiến lược châu Âu đã nhấn mạnh đến mức độ mà Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây. Moskva được cho là đã phát triển một nền kinh tế song song thực sự dựa trên đồng Ruble và các loại tiền tệ “thân thiện”, chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc vừa là đối tác chính, vừa đóng vai trò trung gian cho các nước thứ ba.
Vì không thể chặn đứng hoàn toàn hệ thống đó, EU chỉ còn cách là gia tăng nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 24/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đã kêu gọi Trung Quốc “sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga” để chấm dứt chiến tranh. Một quan chức cấp cao của châu Âu nói với AFP: “Chúng tôi không yêu cầu Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Nga, mà là tăng cường kiểm soát hải quan và tài chính”./.