Đột phá theo Nghị quyết 57: Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số
27/07/2025 13:43:32
2 lượt xem
Thời sự trong nước
Đột phá theo Nghị quyết 57: Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số
Hà Nội (TTXVN 27/7)
Thành phố Đà Nẵng hiện đã thành lập Tổ ứng cứu công nghệ ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn để thuận tiện cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính; xem xét đề xuất chi 500 triệu đồng cho mỗi xã, phường để nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin ở cơ sở. Hiện nay, Tổ ứng cứu công nghệ của xã đang trực tiếp hỗ trợ người cao tuổi tra cứu kết quả, tải giấy tờ số hóa, kết nối với chính quyền một cách thuận tiện chưa từng có.
Từ ngày 25/7/2025, thành phố Hà Nội triển khai “Chiến dịch 45 ngày đêm” hỗ trợ chuyển đổi số tại xã, phường, nơi người dân tiếp cận trực tiếp các dịch vụ hành chính công.
Những hình ảnh sinh động trên cho thấy chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu. Chuyển đổi số đang hiện diện trong từng công việc cụ thể ở cơ sở, nhờ sự kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức giáo dục – khoa học.
* Những bước đi sáng tạo Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã có những bước đi sáng tạo trong công tác chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Một số hoạt động tại địa phương còn có thể được nhân rộng, lan toả để công tác chuyển đổi số ngày càng được triển khai thực chất, hiệu quả.
Từ ngày 25/7/2025, thành phố Hà Nội triển khai “Chiến dịch 45 ngày đêm” hỗ trợ chuyển đổi số tại xã, phường, nơi người dân tiếp cận trực tiếp các dịch vụ hành chính công. Thành phố đã yêu cầu 100% xã, phường bố trí nhân sự công nghệ thông tin chuyên trách, trong đó chấp nhận cả hình thức hợp đồng thuê nhân sự để đảm bảo tiến độ. Lực lượng chuyển đổi số cộng đồng ở từng thôn, tổ dân phố cũng được tập huấn toàn diện về các nền tảng số như Cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng iHanoi và nhiều tiện ích AI phục vụ dân sinh.
Đồng thời, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến 24/7 được thiết lập, cùng với hạ tầng viễn thông 5G được bổ sung tại 126 xã, phường, giúp người dân nộp hồ sơ, theo dõi tiến trình giải quyết, tái sử dụng dữ liệu số hóa.
Tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh xác định quá trình chuyển đổi số đi liền với đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao. UBND tỉnh đã đề xuất 9 bài toán lớn mang tầm chiến lược, gồm: Ứng dụng ảnh vệ tinh giám sát đất đai, xây dựng AI cho nông nghiệp, môi trường, y tế; phát triển bản sao số đô thị, công nghệ lượng tử, chuyển đổi khu công nghiệp thành khu thông minh, sinh thái, tích hợp đổi mới sáng tạo – logistics xanh…
Đồng thời, Đồng Nai triển khai Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung quy mô 119 ha với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD và Đề án Khu thương mại tự do liền kề sân bay Long Thành, dự kiến có kinh phí 16 tỷ USD, hướng tới hình thành hệ sinh thái công nghệ số gắn với các cực tăng trưởng mới.
Gần 200 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học FPT, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đà Nẵng) cũng được huy động để phân bổ xuống các xã, phường nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng, nộp hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, tra cứu kết quả, tái sử dụng giấy tờ đã số hóa của cá nhân và các tiện ích số cơ bản khác.
Quá trình chuyển đổi số cũng được các tổ chức giáo dục-khoa học hưởng ứng mạnh mẽ. Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An đã tích hợp AI vào chương trình giảng dạy, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Từ đây, nhiều sản phẩm đã bước ra thực tế như mô hình nhà hàng ứng dụng robot, hệ thống xử lý ảnh viễn thám cho nông nghiệp thông minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An khẳng định, Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra một không gian phát triển mới cho các trường đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An đang nắm bắt cơ hội này, không chỉ đổi mới cách dạy, cách học mà còn khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng sinh viên. “Chúng tôi không chỉ đào tạo người sử dụng công nghệ mà hướng đến đào tạo những con người có năng lực số, có khả năng sáng tạo, biết làm việc cùng AI, đồng thời vẫn giữ được trách nhiệm xã hội và giá trị nhân văn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tuấn nói.
*Vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Trung ương Từ những nỗ lực ở địa phương, có thể thấy vai trò dẫn dắt của Trung ương, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ trong định hình chiến lược và kiến tạo hạ tầng pháp lý – kỹ thuật cho chuyển đổi số.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều mục tiêu đột phá, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trong ngắn hạn cũng như dài hạn đã được xác định rõ tại Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2024 và định hướng năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cũng như tại hai phiên họp của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; "Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) trong tháng 3, 4/2025.
Một trong những kết quả nổi bật là việc vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến… về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là bước đi quan trọng trong xây dựng nền tảng quản trị dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cũng ghi nhận nhiều tiến bộ với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trong tháng 6/2025 đạt 39,51%, trong đó khối Bộ, ngành đạt hơn 51%. Tuy nhiên, khối địa phương chỉ đạt hơn 15%, vẫn còn khoảng cách đáng kể so với mục tiêu 80% của năm 2025.
Số lượng giao dịch thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt khoảng 630 triệu giao dịch, tương đương 73% kế hoạch năm. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 35,48%, với khoảng 20 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp. Lũy kế thu phí từ Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đạt 31,3 tỷ đồng; đóng góp 4,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số phiên bản 4.0, xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà miễn phí và trình nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi số, Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia và dịch vụ tin cậy.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Bộ xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế với trọng tâm là Luật Chuyển đổi số; phát triển nền tảng số và hạ tầng kết nối, trọng tâm là phủ sóng 5G, xây dựng tuyến cáp biển; cải thiện trải nghiệm dịch vụ công thông qua tái cấu trúc quy trình, tăng độ phủ, tăng tốc độ xử lý, giảm số lần tương tác của người dân với cơ quan nhà nước.
Chuyển đổi số hiện đã bước qua giai đoạn nhận thức, tiến vào giai đoạn hành động. Từ thể chế kiến tạo ở Trung ương đến những hành động mạnh mẽ từ địa phương, Việt Nam đang từng bước vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ trong khu vực, đáp ứng những yêu cầu mới trong kỷ nguyên phát triển của dân tộc./.
Thu Phương