Nhật Bản: Nắng nóng bắt đầu làm giảm đáng kể năng suất nông nghiệp
28/07/2025 06:59:03
1 lượt xem
Kinh tế trong nước
Nhật Bản: Nắng nóng bắt đầu làm giảm đáng kể năng suất nông nghiệp
Hà Nội (TTXVN 28/7)
Khảo sát của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cho thấy, nắng nóng bất thường vào đầu mùa Hè năm nay không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt người dân mà đã bắt đầu có dấu hiệu làm giảm đáng kể năng suất nông nghiệp của nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã ban hành cảnh báo nguy cơ say nắng trên toàn quốc khi nhiệt độ cao kỷ lục tiếp tục bao trùm cả lên quốc gia ngày từ ngày 25/7. Nhiệt độ cao đã khiến cuộc sống người dân đảo lộn, đồng thời cũng làm cho gia súc, gia cầm và cây trồng khó có được năng suất như dự kiến.
* Gà kiệt sức vì nắng nóng, giá trứng tăng vọt vượt qua cả “giá trứng tăng sốc” Do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, đã có hiện tượng gà mái bị kiệt sức vì nóng, dẫn đến giá trứng tăng vọt. Giá giao dịch giữa các doanh nghiệp đã vượt mức đỉnh được gọi là “giá trứng tăng sốc” vào cùng kỳ hai năm trước.
Tại trang trại chăn nuôi Hotoku Farm ở thành phố Omitama, tỉnh Ibaraki, nơi nuôi khoảng 200.000 con gà và sản xuất khoảng 170.000 quả trứng mỗi ngày, dù đã sử dụng tấm làm mát để chống nóng, nhưng nhiệt độ trong chuồng gà vẫn thường vượt quá mức lý tưởng từ 20-25°C, thậm chí có ngày lên đến khoảng 30°C.
Gà không thể toát mồ hôi để làm mát cơ thể, nên rất yếu khi trời nóng. Ông Toyomura Mitsuhiro, đại diện của trang trại bày tỏ lo lắng: “Giống như bị say nắng, gà không còn muốn ăn nữa. Sản lượng trứng giảm, kích cỡ trứng cũng nhỏ đi”.
Theo công bố từ Hiệp hội nông nghiệp toàn quốc, cơ quan đưa ra giá tham khảo bán buôn tại Nhật Bản, giá trứng gà trung bình trong tháng tại khu vực Tokyo cho trứng cỡ M là 330 yên/kg (khoảng 2,23 USD, tính đến ngày 25/7). Mức giá này cao hơn 10 yên so với cùng kỳ năm 2023, khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh từng đẩy giá trứng đạt đỉnh 350 yen/kg (khoảng 2,37 USD). Các khu vực khác như Osaka, Nagoya, Fukuoka cũng có xu hướng tương tự.
Theo cuộc khảo sát mới nhất về xu hướng giá thực phẩm do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản công bố, giá trung bình cho một vỉ gồm 10 quả trứng bán tại siêu thị trên toàn quốc là 299 yên, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khiến giá trứng vẫn ở mức cao không chỉ do nắng nóng, mà còn vì ảnh hưởng kéo dài từ đợt dịch cúm gia cầm mùa Đông năm ngoái, khi đó khoảng 8,4 triệu con gà, tương đương hơn 6% tổng đàn đã bị tiêu hủy, khiến khả năng cung ứng giảm. Tình hình này càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh Nhật Bản mới bước vào giai đoạn đầu của đợt nắng nóng mùa Hè.
Ông Toyomura cho biết: “Thường thì giá trứng sẽ giảm vào mùa Hè khi nhu cầu giảm, nhưng năm nay lại có xu hướng tăng cao. Nếu sản lượng tiếp tục giảm do nắng nóng, giá trứng có thể vẫn sẽ tăng trong thời gian tới”.
* Những bất thường cũng đang xảy ra tại các vùng sản xuất rau quả Tại thành phố Amakusa, tỉnh Kumamoto, các vết đốm nâu đã lan rộng trên lá dưa leo trồng trong nhà kính. Anh Masuda Ryuichi thuộc Hiệp hội nông nghiệp Amakusa cho biết: “Do trời quá nóng, rau trở nên yếu, sâu bệnh cũng tăng lên. Có lẽ sẽ không thu hoạch được nhiều dưa leo nữa”.
Do ảnh hưởng của mùa mưa ngắn và ít mưa, thời điểm ra hoa đực và hoa cái của cây ngô cũng bị lệch nhau, dẫn đến bắp ngô bị lép nhiều, sản lượng chỉ đạt khoảng một nửa so với dự kiến. Từ tháng 8, tỉnh Kumamoto, địa phương chiếm khoảng 20% sản lượng toàn quốc và đứng đầu cả nước về sản lượng cà chua bi, sẽ bắt đầu vụ trồng cà chua bi, nhưng một số nông dân địa phương cho biết cây giống bị chết nhiều do nắng nóng.
Anh Keisuke Noda, một người trồng đào và các loại trái cây ở tỉnh Yamanashi, chia sẻ: “Do nắng nóng kéo dài, tôi lo trái đào bị hiện tượng ‘mật hóa’, tức phần bên trong chuyển sang màu nâu”. Hiện tượng này dễ xảy ra ở những giống có độ ngọt cao và quả to nhưng sẽ không thể bán được giá theo kỳ vọng. Ngoài ra, do ánh nắng gắt, vỏ quả đào cũng có nguy cơ bị rám nắng, ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài của của đào. Trong lúc đang bước vào vụ thu hoạch chính của giống đào nổi tiếng Kawa nishijima, được mệnh danh là vua của các loại đào, anh Noda chỉ mong “bốn mùa quay lại như trước đây”.
Theo khảo sát do một công ty điều hành trang bán nông sản trực tuyến thực hiện vào cuối tháng 6 với 331 nông dân đăng ký trên trang web, có 96,7% số người được hỏi trả lời: “Nắng nóng gay gắt là thay đổi lớn nhất mà họ cảm nhận được tại nơi sản xuất”. Về tác động cụ thể, 58% cho biết “sản lượng thu hoạch hoặc đánh bắt giảm”, tiếp theo là “tăng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn” (29,6%) và “tăng hàng lỗi, hàng loại B” (25,7%).
Theo khảo sát của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, giá trung bình 1 kg đào bán tại các siêu thị trên toàn quốc gần đây là 1.757 yen (khoảng 11,89 USD), cao hơn 200 yen so với cùng kỳ năm trước. Các loại rau mùa Hè tiêu biểu như cà chua và dưa leo cũng bị ảnh hưởng bởi biến động nhiệt độ và thời tiết âm u, sản lượng giao hàng trong tháng 7 thấp hơn một chút so với mức trung bình và giá tăng hơn 10%.
Giáo sư Hirota Chiyoshi, chuyên ngành khí tượng nông nghiệp tại Đại học Kyushu, nhận định: “Từ giờ, chúng ta nên coi nắng nóng này là điều bình thường. Ngoài việc phát triển giống cây trồng chịu nhiệt, người sản xuất cũng cần thay đổi nhận thức, chẳng hạn như điều chỉnh lượng và thời điểm bón phân dựa trên dự báo thời tiết dài hạn, chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ”./.
Phạm Tuân (P/v TTXVN tại Tokyo)