Tín hiệu lạc quan đối với cuộc xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia
27/07/2025 10:50:51
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Tín hiệu lạc quan đối với cuộc xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia
AFP/Trang mạng asiatimes.com/Đài RFI (Ngày 27/7)
Theo một bài đăng trên mạng xã hội của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/7, các nhà lãnh đạo Campuchia và Thái Lan đã đồng ý gặp nhau để đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Sau các cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Campuchia và quyền Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Trump tuyên bố rằng cả hai nước "đã đồng ý gặp mặt ngay lập tức và nhanh chóng đạt được một lệnh ngừng bắn và cuối cùng là HÒA BÌNH!". Tin tức này được đưa ra ngay sau khi Trump công khai kêu gọi cả hai bên đàm phán hòa bình trong bối cảnh bạo lực leo thang ở biên giới tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia.
Theo hãng tin AFP, trong bài đăng trên mạng xã hội Facebook vào khoảng gần 2h sáng 27/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, ông đã nêu rõ Campuchia đồng ý với đề xuất ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa hai quân đội.
Về phía Thái Lan, ngày 27/7, quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai đã xác nhận về kết quả cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump, trong đó cho biết Thái Lan nhất trí trên nguyên tắc về việc thiết lập lệnh ngừng bắn với Campuchia.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết ông đã trao đổi với hai đồng cấp Thái Lan và Campuchia. Trên mạng Facebook, lãnh đạo Malaysia đã kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và giải quyết căng thẳng một cách hòa bình, đã hoan nghênh “những tín hiệu tích cực và thiện chí từ Bangkok và Phnom Penh theo hướng này”.
Ngày 27/7, cuộc giao tranh giữa Thái Lan và Campuchia đã bước sang ngày thứ tư, khiến ít nhất 33 người được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 200.000 người phải di dời. Bangkok và Phnom Penh đã xảy ra tranh chấp lãnh thổ kể từ khi Pháp, cường quốc thực dân, vạch ra đường biên giới giữa hai nước hơn một thế kỷ trước. Cuộc xung đột đẫm máu mới nhất này đặt đồng minh lâu năm của Mỹ là Thái Lan, với nhiều thập kỷ kinh nghiệm, vào thế đối đầu với lực lượng vũ trang tương đối non trẻ của Campuchia có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Dưới đây là cái nhìn về lịch sử và năng lực của hai bên.
Số liệu nghiêng về Thái Lan Quân đội Thái Lan vượt trội hơn hẳn so với quốc gia láng giềng Campuchia, cả về nhân sự lẫn vũ khí. Tổng số 361.000 quân nhân thường trực của Thái Lan trải rộng trên tất cả các binh chủng của quân đội vương quốc này gấp 3 lần Campuchia. Và những binh sĩ Thái Lan sở hữu vũ khí mà các đối tác Campuchia chỉ có thể mơ ước.
Trong báo cáo "Cán cân Quân sự 2025" về lực lượng vũ trang thế giới, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã viết: "Thái Lan có một quân đội lớn, được tài trợ tốt và không quân của họ là một trong những lực lượng được trang bị và huấn luyện tốt nhất ở Đông Nam Á". Trong khi đó, bảng xếp hạng năng lực quân sự của 27 quốc gia trong khu vực năm 2024 do Viện Lowy thực hiện xếp hạng Thái Lan ở vị trí thứ 14, trong khi Campuchia ở vị trí thứ 23.
Sự chênh lệch như vậy có lẽ là điều dễ hiểu, bởi Thái Lan có dân số gấp 4 lần Campuchia và GDP lớn gấp hơn 10 lần. Không giống như Campuchia, Lào và Việt Nam, Thái Lan đã thoát khỏi sự tàn phá của các cuộc chiến tranh nhấn chìm khu vực vào nửa sau thế kỷ XX, và chủ nghĩa thực dân châu Âu trước đó.
Nhìn chung, với các yếu tố bao gồm sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao và văn hóa được cân nhắc trong “Chỉ số Quyền lực châu Á” của Viện Lowy, Thái Lan được xếp hạng 10, được coi là một cường quốc tầm trung, chỉ sau Indonesia nhưng trên các quốc gia bao gồm Malaysia và Việt Nam. Lowy xếp hạng Campuchia là một nước nhỏ ở châu Á, cùng nhóm với các quốc gia như Bangladesh, Sri Lanka và Lào.
Thái Lan có quan hệ chặt chẽ với Mỹ Quân đội Thái Lan từ lâu đã đóng vai trò chủ chốt trên chính trường nước này. Trong nhiều năm, đất nước này bị chi phối bởi một bộ máy bảo thủ bao gồm quân đội, chế độ quân chủ và giới tinh hoa có ảnh hưởng.
Theo “Sách Dữ kiện Thế giới” của CIA, các tướng lĩnh đã nắm quyền trong 20 cuộc đảo chính kể từ năm 1932, thường lật đổ các chính phủ dân chủ, và quân đội tự coi mình là người bảo vệ tối thượng cho chế độ quân chủ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Thái Lan là đồng minh hiệp ước của Mỹ, một vị thế có từ khi ký kết Hiệp ước Phòng thủ Tập thể Đông Nam Á, còn được gọi là Hiệp ước Manila, vào năm 1954. Mối quan hệ bền chặt giữa Washington và Bangkok vẫn được duy trì. Thái Lan được Mỹ xếp hạng là một đồng minh lớn ngoài NATO, mang lại cho nước này những lợi ích đặc biệt giúp họ được hưởng sự hỗ trợ từ Mỹ trong nhiều thập kỷ cho các chương trình vũ khí của mình.
Thái Lan và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đồng tổ chức cuộc tập trận quân sự thường niên “Hổ Mang Vàng” (Cobra Gold), bắt đầu vào năm 1982 với tư cách là các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng kể từ đó đã có thêm hàng chục nước khác tham gia. Theo quân đội Mỹ, đây là cuộc tập trận quân sự quốc tế kéo dài nhất thế giới. Ngoài “Hổ Mang Vàng”, lực lượng Thái Lan và Mỹ còn tổ chức hơn 60 cuộc tập trận chung, và hơn 900 máy bay và 40 tàu hải quân Mỹ ghé thăm Thái Lan hằng năm, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bất chấp tất cả những lịch sử đó với Washington, ngày nay quân đội Thái Lan cố gắng duy trì một cách tiếp cận trung lập hơn đối với chính sách quân sự, tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong thập kỷ qua. Theo báo cáo "Cán cân quân sự” (Military Balance), không muốn phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào làm nhà cung cấp vũ khí, Thái Lan cũng đã phát triển một ngành công nghiệp vũ khí nội địa mạnh mẽ, với sự giúp đỡ của các quốc gia như Israel, Italy, Nga, Hàn Quốc và Thụy Điển.
Sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Campuchia Theo IISS, quân đội Campuchia còn non trẻ so với quân đội Thái Lan, được thành lập năm 1993 sau khi lực lượng của chính quyền cộng sản được sáp nhập với hai lực lượng kháng chiến phi cộng sản. IISS cho biết: "Mặc dù trước đây Campuchia phụ thuộc vào Nga về thiết bị quốc phòng, song Trung Quốc đã nổi lên như một nhà cung cấp chủ chốt".
Bắc Kinh thậm chí còn phát triển một căn cứ hải quân tại Campuchia. Theo các nhà phân tích quốc tế, Căn cứ Hải quân Ream, trên Vịnh Thái Lan, có thể tiếp nhận tàu sân bay Trung Quốc. Campuchia và Trung Quốc đã hoàn thành cuộc tập trận quân sự chung thường niên Rồng Vàng (Golden Dragon) lần thứ 7 vào tháng 5, được ca ngợi là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay với các kịch bản huấn luyện bắn đạn thật.
Theo một bài viết hồi tháng 2 trên trang web tiếng Anh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), mối quan hệ này được kỳ vọng sẽ đạt đến "một tầm cao mới và đạt được những bước phát triển mới" trong năm nay. Phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 2, khi được hỏi về những rạn nứt tiềm ẩn trong quan hệ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Ngô Khiêm nói: “Trung Quốc và Campuchia là những người bạn son sắc… luôn ủng hộ lẫn nhau. Quân đội hai nước có mối quan hệ không thể phá vỡ và tình anh em vững chắc”.
Báo cáo của IISS nêu rõ rằng quân đội Campuchia cần sự hỗ trợ, đồng thời cho hay: “Hiện tại, Campuchia thiếu khả năng thiết kế và sản xuất trang thiết bị hiện đại cho lực lượng vũ trang của mình”.
Cũng theo IISS, nhờ sự hỗ trợ của Mỹ trong nhiều năm, Không quân Hoàng gia Thái Lan được trang bị tốt, với ít nhất 11 máy bay chiến đấu Gripen hiện đại của Thụy Điển và hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và F-5 cũ hơn do Mỹ sản xuất. Campuchia không có lực lượng không quân đủ khả năng chiến đấu.
Trên bộ, theo báo cáo “Cán cân Quân sự”, Thái Lan có hàng chục xe tăng chiến đấu, bao gồm 60 xe tăng VT-4 hiện đại do Trung Quốc sản xuất, và hàng trăm xe tăng cũ hơn do Mỹ sản xuất. Campuchia có khoảng 200 xe tăng cũ do Trung Quốc và Liên Xô sản xuất. Quân đội Thái Lan tự hào có hơn 600 khẩu pháo, bao gồm ít nhất 56 khẩu pháo 155mm mạnh mẽ và hơn 550 khẩu pháo kéo 105mm.
Còn theo số liệu của IISS, Campuchia chỉ có một chục khẩu pháo 155mm với khoảng 400 khẩu pháo kéo nhỏ hơn. Trên không, quân đội Thái Lan có trực thăng tấn công Cobra do Mỹ sản xuất cũng như 18 máy bay vận tải Black Hawk của Mỹ. Campuchia chỉ có vài chục trực thăng vận tải cũ của Liên Xô và Trung Quốc.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nhà phân tích quân sự Carl Schuster tại Hawaii - cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp Mỹ - cho biết mặc dù Thái Lan có lợi thế về quân số và chất lượng quân sự, nhưng Campuchia ít nhất có một lợi thế - đó là vùng đất thực tế dọc theo biên giới tranh chấp. Ông Schuster nói với CNN: "Địa hình thuận lợi cho việc tiếp cận từ lãnh thổ Campuchia đến khu vực tranh chấp".
Và với việc lực lượng Campuchia bị cáo buộc đặt mìn và bẫy mìn trong khu vực tranh chấp, ông cho biết Thái Lan có thể sẽ phải dựa vào vũ khí tầm xa hơn. Chuyên gia Schuster nói: "Không quân Hoàng gia Thái Lan vượt trội và lực lượng đặc nhiệm của họ cũng vậy. Tôi nghĩ người Thái sẽ ưu tiên phát huy sức mạnh không quân và hỏa lực tầm xa trong cuộc xung đột này"./.