Ý thức cộng đồng giữ vai trò then chốt trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
18/07/2025 10:21:10
1 lượt xem
Thời sự trong nước
Ý thức cộng đồng giữ vai trò then chốt trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Lâm Đồng (TTXVN 18/7)
Những đợt nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa rào đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm bùng phát như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh đường tiêu hóa. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũ (tỉnh Lâm Đồng mới) đã ghi nhận số ca mắc tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận (cũ), bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng ngay từ đầu hè. Tính đến 13/7, 45 xã, phường ven biển của thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận (cũ) ghi nhận 754 trường hợp mắc bệnh (tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2024). Số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ đầu tháng 5 và tăng cao trong tháng 6. Nếu như tháng 5 số ca mắc bệnh là 150 ca thì trong tháng 6 con số này tăng lên là 320 ca (chiếm hơn 42% tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay). Qua kết quả phân lập virus, chủng mắc chủ yếu là Coxsackievirus A16 và Enterovirus A71 (EV71). Số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Không chỉ tay chân miệng mà bệnh sốt xuất huyết cũng có dấu hiệu gia tăng. Tính đến 13/7, các địa phương ven biển đã ghi nhận hơn 860 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2024) và 87 ổ bệnh. Đáng chú ý, tỷ lệ ca bệnh tăng so với cùng thời điểm năm trước. Cụ thể, có 30 trường hợp bệnh nặng (tăng 42,9%) và một trường hợp tử vong.
Ngoài ra, bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các địa phương ven biển ghi nhận 1.682 ca nghi sởi, trong đó có 151 trường hợp xác định mắc sởi (tăng 150 ca). Bệnh sởi ghi nhận xuất hiện ở hầu hết các xã, phường, đặc khu.
Trước tình hình các bệnh truyền nhiễm gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tuyên truyền cách nhận biết và phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… Trung tâm triển khai kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại các địa phương có số ca mắc cao; cấp phát tờ rơi, tổ chức truyền thông lưu động, chiến dịch diệt lăng quăng bọ gậy, xử lý môi trường phòng, chống sốt xuất huyết, truyền thông phòng, chống tay chân miệng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận (cũ) nhận định, bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng vào chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 9, 10 sắp tới. Bước vào mùa mưa, độ ẩm cao là thời điểm muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển; làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Trong khi đó, công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang gặp một số khó khăn như việc thực hiện mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư phát sinh chưa thực hiện được vì kinh phí đã được cấp từ đầu năm; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ trong việc triển khai xử lý ổ dịch...
Hơn hết, hiện ý thức của người dân về dịch bệnh truyền nhiễm chưa cao, còn chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xem đây là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Đại đa số người dân không chủ động tầm soát bệnh nên không kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
Để công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả, ý thức phòng bệnh của người dân đóng vai trò then chốt. Ngành Y tế địa phương khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe như: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng đầy đủ và giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà để diễn biến bệnh thêm nặng.
Ý thức cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ chính bản thân mỗi người mà còn góp phần tạo nên một “hàng rào phòng dịch” vững chắc cho toàn xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ của người dân với chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng để kiểm soát và đẩy lùi các loại bệnh truyền nhiễm một cách bền vững./.
Hồng Hiếu