Người dân, doanh nghiệp hiến kế giúp Cần Thơ thoát ngập
17/07/2025 20:24:50
4 lượt xem
Kinh tế trong nước
Người dân, doanh nghiệp
hiến kế giúp Cần Thơ thoát ngập Cần Thơ (TTXVN 17/7)
Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu "treo thưởng" 50 triệu đồng cho sáng kiến chống ngập khu vực trung tâm thành phố, nhiều cá nhân, tổ chức đã gửi các giải pháp nhằm giúp đô thị lớn nhất miền Tây thoát ngập.
Hàng loạt sáng kiến từ người dân, kỹ sư và doanh nghiệp trên cả nước đã được gửi về với mong muốn chung tay giúp thủ phủ miền Tây giải quyết bài toán ngập úng đô thị. Những ý tưởng này từ dựa trên thực tiễn đến đề xuất, đang mở ra những hướng đi mới, bên cạnh các dự án hạ tầng quy mô lớn mà thành phố đã và đang nỗ lực triển khai.
Tình trạng ngập lụt từ lâu đã là vấn đề nhức nhối tại Cần Thơ. Phát biểu tại cuộc họp chuyên đề mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Lâu đã chỉ ra ba nguyên nhân chính gây ngập lụt: triều cường, mưa lớn kéo dài và sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước do rác thải và lấn chiếm. Thực tế cho thấy mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, chỉ một trận mưa lớn kéo dài vài giờ vào ngày 27/5 đã khiến khoảng 20 tuyến đường ở trung tâm bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,4 mét, gây ách tắc giao thông từ 2 đến 4 giờ. Trong vòng một năm qua, thành phố đã phải hứng chịu 12 đợt triều cường vượt báo động cấp III.
Trước thực trạng cấp bách đó, người đứng đầu chính quyền thành phố đã phát động một phong trào, kêu gọi các cá nhân, tổ chức mạnh dạn đề xuất giải pháp khả thi có thể áp dụng ngay. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ sẽ trao thưởng 50 triệu đồng và Bằng khen của UBND thành phố cho sáng kiến chống ngập có thể phát huy hiệu quả.
* Xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, rút cạn các kênh rạch trong nội ô để chống ngập Đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố Cần Thơ, nhiều ý tưởng đã được gửi về trong những ngày qua.
Đáng chú ý là sáng kiến của ông P.T.Đ, một người dân ở phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau, người sẵn sàng hiến kế mà không nhận bất kỳ chi phí hay tiền thưởng nào.
Giải pháp của ông tập trung vào việc xây dựng các hố thu gom nước tại điểm cuối của các tuyến cống chính trước khi đổ ra sông, rạch.
Các hố này có sức chứa tối thiểu 100m3, kết hợp với các trạm bơm công suất lớn để chủ động thoát nước ra sông khi mưa lớn hoặc triều cường. Ông cũng đề xuất mở rộng và làm sâu các hố ga tại các giao lộ để tăng khả năng thu nước mặt. Theo ông Đ., đây là giải pháp cấp bách, tiết kiệm và thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến đời sống người dân so với các giải pháp tốn kém như nâng đường, nâng cống.
Trong khi đó, kỹ sư Lê Văn Hào, đại diện một doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An, đề xuất một giải pháp công nghệ cao hơn là "tổ hợp thoát nước song song". Sáng kiến này đề nghị lắp đặt thêm một hệ thống đường ống HDPE song song với hệ thống cống hiện hữu tại các điểm ngập nặng. Hệ thống này sẽ được trang bị các thiết bị thu gom và trạm bơm tự động, kích hoạt bằng cảm biến khi mực nước đạt ngưỡng cài đặt. Nước mưa sẽ được bơm thẳng ra sông, hồ, giúp giảm tải ngay lập tức cho hệ thống thoát nước cũ đang quá tải. Ông Hào cho biết công nghệ này đã được doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ và có tính khả thi cao do sử dụng các thiết bị sẵn có trên thị trường.
Một hiến kế khác từ một người dân ở phường Ninh Kiều lại tập trung vào việc tận dụng hạ tầng sẵn có.
Theo đó, thành phố nên chủ động rút cạn nước tại các hồ điều hòa và kênh rạch nội ô như hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi vào cuối mùa khô. Việc này sẽ biến các hồ, rạch thành những "bể chứa" khổng lồ, sẵn sàng hấp thu lượng nước mưa lớn bất ngờ, giảm áp lực cho hệ thống cống. Người hiến kế dẫn chứng các mô hình thành công tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và cả Singapore để chứng minh tính hiệu quả và bền vững của giải pháp này.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết đã ghi nhận và sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến này để nghiên cứu, khảo sát và đề xuất lên lãnh đạo thành phố.
*Nỗ lực từ các dự án nghìn tỷ Bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp tình thế, Cần Thơ từ nhiều năm qua đã triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn nhằm giải quyết căn cơ vấn đề ngập lụt. Trọng tâm là Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), với tổng mức đầu tư lên tới hơn 9.167 tỷ đồng, tương đương 402 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới và vốn không hoàn lại từ Thụy Sĩ, cùng với vốn đối ứng của thành phố.
Dự án 3 được xem là "lá chắn thép" bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố. Hàng loạt công trình quy mô đã được xây dựng và cơ bản hoàn thành, bao gồm hơn 10km kè sông Cần Thơ và kè rạch Cái Sơn – Mương Khai, 10 cống ngăn triều thông minh, 2 âu thuyền lớn, 5km đường đê bao và 12km cống hộp độc lập trong nội ô. Tính đến cuối tháng 6/2025, 20 gói thầu xây lắp của dự án đã hoàn thành, phần lớn đã và đang trong quá trình bàn giao cho các địa phương quản lý, vận hành.
Trong đó, 8 gói thầu đã được bàn giao cho các địa phương và cơ quan chức năng quản lý, 10 gói thầu đang trong quá trình chuẩn bị bàn giao trong tháng 7/2025 và 2 gói thầu cuối cùng đang chờ kiểm tra nghiệm thu để bàn giao. Tổng giá trị giải ngân của dự án tính đến cuối năm 2024 đạt 7.587 tỷ đồng, tương đương 80,57% tổng vốn.
Tuy nhiên, dù hạ tầng đã hình thành, hiệu quả chống ngập của Dự án 3 vẫn chưa được phát huy tối đa. Theo ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là Tổ quản lý vận hành và duy tu các công trình này vẫn chưa được kiện toàn đầy đủ theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Điều này dẫn đến sự lúng túng trong việc tiếp nhận, bàn giao và khai thác đồng bộ hệ thống. Việc vận hành một hệ thống phức hợp gồm cống, âu thuyền, trạm bơm đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và một quy trình chuẩn, nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc.
Để phát huy hiệu quả của các công trình nghìn tỷ này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Lâu đã yêu cầu các sở ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, sớm hoàn thiện quy chế vận hành.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn, yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch thoát nước của thành phố đến năm 2050 và sẽ trực tiếp đi khảo sát thực tế để đề xuất các danh mục đầu tư cho giai đoạn sắp tới.
Ngày 16/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành văn bản chỉ đạo khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp chống ngập. Theo đó, Sở Xây dựng được giao chủ trì, khẩn trương rà soát các tuyến đường ngập, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý. Đồng thời là cơ quan đầu mối tiếp nhận, phân tích, đánh giá các sáng kiến, giải pháp chống ngập từ cộng đồng để tham mưu cho thành phố, đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện khen thưởng theo quy định.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm vận hành hợp lý hệ thống van, cống, âu thuyền và tiếp nhận, khai thác Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS). Ban Quản lý Dự án ODA được yêu cầu đẩy nhanh công tác nghiệm thu, bàn giao các hạng mục thuộc Dự án 3, đặc biệt là hệ thống FRMIS. Cùng với đó, UBND các phường được giao nhiệm vụ tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trên địa bàn và tuyên truyền, xử phạt các hành vi lấn chiếm, xả rác gây cản trở dòng chảy./.
Thanh Liêm