Chiến thuật hăm dọa của Trung Quốc trên Biển Đông không hiệu quả
28/07/2025 14:36:54
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Chiến thuật
hăm dọa của Trung Quốc trên Biển Đông không hiệu quả Theo warontherocks.com (Mỹ), trong bài phát biểu mới đây tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Steve Koehler, tuyên bố rằng dù Trung Quốc vẫn duy trì các chiến dịch đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn ở Biển Đông nhưng "áp lực của Trung Quốc không có tác dụng, vì Bắc Kinh đã không thể đe dọa các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền và buộc họ từ bỏ quyền chủ quyền."
Một chiến lược đang lụi tàn Đến nay, Trung Quốc vẫn không thể kiểm soát được Biển Đông nhiều hơn so với 4 năm trước. Ở một số khu vực, Bắc Kinh thậm chí còn mất thế chủ động vào tay các bên yêu sách khác. Các tranh chấp hiện tập trung tại những địa điểm có giá trị đặc biệt về mặt biểu tượng, chiến lược hoặc kinh tế với các chính phủ Đông Nam Á, và họ sẵn sàng chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định để đối đầu với Trung Quốc tại những địa điểm này. Các nước phát hiện ra rằng trên thực tế, họ có thể chống lại áp lực từ chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. Ít nhất là cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng leo thang đến mức sử dụng vũ lực gây chết người, dù chịu thất bại ở vùng xám.
Hoạt động thăm dò dầu khí là một ví dụ quan trọng về những thành công gần đây của Đông Nam Á nhưng chưa được đánh giá đúng mức.
Năm 2021, Việt Nam bắt đầu phản ứng mạnh mẽ hơn trên mặt trận dầu khí. Việt Nam đã bật đèn xanh cho hoạt động khoan mới tại mỏ Nam Côn Sơn gần Bãi Tư Chính, nơi cung cấp một lượng điện đáng kể cho Tp. Hồ Chí Minh.
Cũng như cách làm với Indonesia, Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh đến quấy rối các hoạt động này. Việt Nam đã điều tàu đến bảo vệ và hoạt động khoan diễn ra đúng như kế hoạch.
Trong nửa cuối năm 2021, Indonesia đã tiến hành khoan thăm dò tại khu mỏ khí Tuna ở rìa phía Nam Biển Đông. Bắc Kinh đáp trả bằng cách triển khai tàu tuần duyên để ngăn chặn, khiến tình trạng đối đầu kéo dài 3 tháng. Tuy nhiên, Indonesia đã hoàn thành hoạt động đúng kế hoạch.
Các hoạt động liên tục tại Nam Côn Sơn và lô Tuna lý giải nguyên nhân Hải cảnh Trung Quốc duy trì hiện diện gần như hằng ngày tại Bãi Tư Chính. Tuy nhiên, Trung Quốc không thu được kết quả gì từ nỗ lực này.
Tháng 10/2024, Indonesia bắt đầu khoan thăm dò tại một mỏ khác gần đó và các động thái tương tự lặp lại: Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh tới khu vực và Indonesia cũng điều tàu Indonesia ra khơi để bảo vệ hoạt động, việc khoan vẫn được tiến hành.
Với Malaysia, nước có hoạt động khai thác công nghiệp dầu khí ngoài khơi lớn nhất và sinh lời nhất ở Biển Đông, bên cạnh việc thực hiện các cuộc tuần tra hải cảnh hằng ngày, Trung Quốc còn gây áp lực chính trị đáng kể để buộc Kuala Lumpur dừng hoạt động. Tuy nhiên, năm 2023, Malaysia vẫn lập kỷ lục khoan 25 giếng ngoài khơi và khoan thêm 15 giếng khác năm 2024.
Căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines càng cho thấy chiến lược của Bắc Kinh đang thất bại một cách đau đớn và ê chề hơn.
Sau nhiều năm hài hòa yêu cầu của Trung Quốc, Philippines đã bắt đầu tăng cường các hoạt động tuần tra của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở vùng biển tranh chấp và Manila cũng ngày càng công khai lên tiếng khi bị Trung Quốc quấy rối. Philippines cũng đã củng cố thế trận quân sự tại quần đảo Trường Sa, đặc biệt là xung quanh đảo Thị Tứ. Các cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của Mỹ và Philippines cho thấy Trung Quốc đã nhận ra rằng các chiến thuật vùng xám được cho là "phi sát thương" của họ đã tiến gần đến giới hạn có thể khiến Mỹ kích hoạt cơ chế can thiệp theo Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ với Philippines.
Biển động phía trước?
Trung Quốc khó có thể điều chỉnh chiến lược chừng nào Tập Cận Bình còn nắm quyền, tiếp tục áp đặt cách diễn giải bao trùm về các yêu sách hàng hải rằng tất cả Biển Đông thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc và việc đòi lại lãnh thổ được cho là "đã mất" này trở thành một phần quan trọng trong “Giấc mộng Trung Hoa”. Điều này khiến khả năng có thỏa hiệp càng trở nên xa vời, đặc biệt nguy hiểm vì khi Tập Cận Bình củng cố quyền lực, quá trình ra quyết định của Bắc Kinh ngày càng trở nên cứng nhắc. Điều đó sẽ đồng nghĩa với một chu kỳ leo thang vùng xám liên tục, cuối cùng sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng thương vong.
Điều này không nhất thiết dẫn đến xung đột vũ trang ngay lập tức giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng sẽ đòi hỏi Washington phải có một số phản ứng nhất định. Điều này có thể bao gồm các cuộc tuần tra hải quân gần quần đảo Trường Sa hoặc tăng cường triển khai quân đến Philippines, có nguy cơ gây ra phản ứng trả đũa từ Trung Quốc.
Tệ hơn nữa, Trung Quốc sẽ quyết định rằng chiến thuật “vùng xám” đã thất bại và việc leo thang lên các biện pháp vũ lực sẽ là một rủi ro có thể chấp nhận được. Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Bắc Kinh nhận thấy rằng gần như không có khả năng Mỹ can dự hoặc không có khả năng này. Vì vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, nhiệm vụ của Mỹ và Philippines là củng cố uy tín của liên minh song phương. Chính phủ Mỹ nên tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng cấp các cơ sở quân sự của Philippines và luân chuyển lực lượng Mỹ (bao gồm cả hỏa lực tầm trung) đến quần đảo này. Và Mỹ nên tăng cường các cuộc tuần tra song phương với Philippines cũng như các cuộc tuần tra đa phương cùng với các lực lượng đồng minh của Australia, Nhật Bản và các lực lượng khác ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines. Đó là hy vọng tốt nhất để duy trì nguyên trạng mong manh cho đến khi Tập Cận Bình hoặc nhiều khả năng là người kế nhiệm ông nhận thấy những điều sắp xảy ra và tìm cách thỏa hiệp./.