Nội chiến liệu có bùng phát trở lại ở Syria?
24/07/2025 13:30:51
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Nội chiến liệu có bùng
phát trở lại ở Syria?
TTXVN (Paris 22/7)
Theo báo “Le Nouvel Economiste” của Pháp, bất lực trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, chính quyền mới ở Syria đang bị lấn át bởi chính các lực lượng dân quân đã hỗ trợ họ giành quyền lực. 7 tháng sau cuộc tấn công chớp nhoáng của các phần tử thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, Syria đang lún sâu vào vòng xoáy bạo lực, trong đó các cộng đồng thiểu số là những nạn nhân đầu tiên. Bị tàn phá bởi 13 năm nội chiến, quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với một vòng xoáy trả thù mang tính cộng đồng. Chính quyền mới, bất lực trong việc giữ gìn an ninh, đang bị các lực lượng dân quân từng giúp họ lên nắm quyền vượt mặt.
Người thiểu số bị tàn sát Tháng 3 vừa qua, hơn 1.000 người Alawite - cộng đồng thiểu số mà cựu Tổng thống Bashar al-Assad xuất thân - đã bị thảm sát ở vùng ven biển phía Đông đất nước.
Các vụ bắt cóc phụ nữ Alawite ngày càng gia tăng, gợi lại số phận bi thảm của phụ nữ Yazidi (một nhóm sắc tộc tôn giáo nói tiếng Kurd ở miền Bắc Iraq) từng bị lực lượng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tàn sát và bắt cóc từ năm 2014 đến 2017.
Ngày 22/6 vừa qua, cộng đồng Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của một vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào Nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp Saint-Élie tại thủ đô Damascus, làm 25 người thiệt mạng và 63 người bị thương. Ban đầu, vụ tấn công được cho là do IS thực hiện, nhưng sau đó nhóm cực đoan Saraya Ansar al-Sunna, có liên hệ với IS đã đứng ra nhận trách nhiệm. Theo các chuyên gia, nhóm này bao gồm những cựu thành viên Hayat Tahrir al-Sham đã quay sang đối lập.
Kể từ khi xung đột nổ ra năm 2011, tỷ lệ người Kitô hữu ở Syria đã sụt giảm nghiêm trọng, từ khoảng 1,5 triệu người xuống chỉ còn 300.000 tín đồ đến nay. Ông John X, Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp vùng Antioch trong buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân đã tuyên bố rằng Chính phủ của Tổng thống Ahmed al-Sharra phải chịu trách nhiệm vì đã không bảo vệ được các cộng đồng thiểu số, và lời chia buồn của nhà lãnh đạo Syria là không đủ.
Đụng độ và đổi phe Miền Nam Syria cũng đang hứng chịu các cuộc đụng độ ác liệt giữa các bộ tộc Bedouin theo dòng Sunni, cộng đồng người Druze và lực lượng chính phủ, khiến hơn 500 người thiệt mạng kể từ ngày 13/7.
Sau khi tiến vào thành phố Soueïda hôm 15/7, quân đội Syria đã buộc phải rút lui theo yêu cầu của Israel, nước đã tiến hành không kích vào nhiều vị trí của lực lượng chính phủ tại thủ đô Damascus với lý do “bảo vệ cộng đồng người Druze”, đồng thời duy trì thế kiểm soát trên Cao nguyên Golan. Tổng thống Syria, muốn tránh đối đầu trực diện với Israel, đã tuân theo và thông báo trao lại quyền duy trì an ninh tại thành phố Soueïda cho “các phe phái địa phương và các thủ lĩnh bộ tộc” Druze.
Cuối cùng, thỏa thuận ngày 10/3 giữa Damascus và người Kurd nhằm tích hợp lực lượng này vào bộ máy hành chính Syria vẫn chưa được thực thi. Chỉ huy quân sự của người Kurd, Mazloum Abdi, tiếp tục khẳng định ưu tiên một mô hình quản trị phi tập trung, bác bỏ sức ép từ phía Mỹ. Chứng kiến bạo lực leo thang và số phận của các cộng đồng thiểu số, lực lượng người Kurd - từng liên minh tạm thời với chế độ Assad để ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ - vẫn do dự chưa chịu giải giáp.
Mỹ thao túng hậu trường Nếu trước đây Mỹ còn thận trọng, gắn việc hỗ trợ Syria với điều kiện “hòa nhập” mọi cộng đồng, thì nay trước nguy cơ hỗn loạn lan rộng, Washington buộc phải đặt cược vào chính lực lượng Hồi giáo đã chiếm quyền lực.
Hayat Tahrir al-Sham - tổ chức từng liên kết với al-Qaeda - nay không còn bị Bộ Ngoại giao Mỹ coi là khủng bố, và lệnh truy nã thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa – nay là Tổng thống lâm thời Syria - đã bị hủy bỏ. Các biện pháp trừng phạt Syria cũng chính thức được Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ nhân chuyến công du các vương quốc dầu mỏ vùng Vịnh hồi tháng 5 vừa qua.
Washington thậm chí đã từ bỏ “lằn ranh đỏ” trước đây khi cho phép 3.500 tay súng thánh chiến nước ngoài gia nhập quân đội Syria, nhằm ngăn chặn họ chạy sang hàng ngũ IS - lực lượng đang hồi phục sức mạnh ở một số địa phương. Mỹ hẳn không coi chính quyền mới ở Syria là dân chủ, nhưng lại kỳ vọng tránh được viễn cảnh Syria tan rã, điều có thể kéo theo những hậu quả địa chính trị khôn lường. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy canh bạc này sẽ thành công. Chính quyền mới tuyên bố muốn hòa giải dân tộc để nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, nhưng thực tế đến nay lại phản bội hoàn toàn lời hứa.
Những tuần tới sẽ mang tính quyết định để biết Syria sẽ lại rơi vào hỗn loạn hay liệu sự kiên nhẫn của phương Tây và các quốc gia vùng Vịnh đối với ông chủ mới ở Damascus có giúp ổn định đất nước hay không. Nhưng cái giá phải trả sẽ ra sao?./.