Đàm phán thương mại Hàn Quốc – Mỹ - Bài cuối: Những “lằn ranh đỏ” khó vượt qua
24/07/2025 12:41:09
3 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Đàm phán thương mại Hàn Quốc – Mỹ - Bài cuối: Những “lằn ranh đỏ” khó vượt qua
TTXVN (Seoul 24/7): Hãng Yonhap dẫn ý kiến giới chuyên gia Hàn Quốc cho
rằng Seoul đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong đàm phán thuế quan với Mỹ, sau khi đối thủ Nhật Bản đạt được thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Austin Chang, Chủ tịch Viện Thương mại Quốc tế thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Tokyo dường như đã đạt được một thỏa thuận vượt kỳ vọng, từ đó gia tăng sức ép với Hàn Quốc trong các cuộc thương lượng sắp tới. Ông Chang khuyến nghị Seoul nên xem xét nhượng bộ trong lĩnh vực kỹ thuật số nếu muốn bảo vệ thị trường gạo và thịt bò, đồng thời tận dụng các cam kết đầu tư và quan hệ sản xuất làm đòn bẩy thương thảo.
Mỹ hiện nêu một loạt quan ngại về các biện pháp phi thuế quan của Hàn Quốc, bao gồm lệnh cấm nhập thịt bò từ gia súc trên 30 tháng tuổi, quy định kiểm soát nền tảng trực tuyến, giới hạn xuất khẩu dữ liệu bản đồ chính xác cao và quy chuẩn khí thải ô tô. Washington cũng yêu cầu Seoul mở rộng nhập khẩu gạo Mỹ.
Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc khẳng định, thịt bò và gạo là "lằn ranh đỏ" trong đàm phán với Mỹ và không được đưa lên bàn thương lượng.
* Nông nghiệp – chăn nuôi trở thành điểm nghẽn Các ngành nông nghiệp và chăn nuôi nổi lên như tâm điểm xung đột trong quá trình Hàn Quốc vận động để được miễn trừ hoặc giảm các mức thuế mà Mỹ áp lên thép và ô tô nhập khẩu. Trong khi đó, Seoul đang cân nhắc mở rộng nhập khẩu các loại cây trồng làm nhiên liệu như ngô, ethanol sinh học nhằm tăng cường hợp tác năng lượng. Năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 11,3 triệu tấn ngô, trong đó 22% đến từ Mỹ.
Về thịt bò, hạn chế độ tuổi gia súc được áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn Quốc – Mỹ ký năm 2008, nhằm phòng ngừa rủi ro bệnh bò điên. Trong năm 2024, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thịt bò Mỹ lớn nhất với kim ngạch đạt 2,22 tỷ USD.
Với gạo, Hàn Quốc hiện duy trì hạn ngạch thuế quan với mức thuế 5% cho 132.304 tấn gạo nhập từ Mỹ mỗi năm – tương đương 32% tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này. Việc tăng hạn ngạch cần thông qua quy trình phức tạp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn. Các nhóm nông dân trong nước tại Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ khả năng chính phủ nhượng bộ Mỹ về gạo và thịt bò, đồng thời cảnh báo sẽ tổ chức các hành động tập thể nếu hai mặt hàng này bị đem ra trao đổi trong đàm phán.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia trong nước lo ngại lập trường bảo hộ của Seoul đối với ngành nông nghiệp có thể khiến Hàn Quốc thất thế, trong bối cảnh nhiều đối tác thương mại khác đã chấp nhận mở cửa thị trường nông sản để đạt được thỏa thuận với Washington.
* Mỹ gia tăng sức ép với thời hạn ngày 1/8/2025 Ngày 22/7, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, giảm thuế đối ứng từ 25% xuống 15%, đổi lại Tokyo mở cửa thị trường ô tô, xe tải, gạo và hàng nông sản, đồng thời cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết Indonesia cũng đã ký thỏa thuận tương tự. Thỏa thuận chưa được công bố chi tiết, nhưng theo Tổng thống Trump, quốc gia Đông Nam Á đã cam kết miễn mọi quy định cấp phép nhập khẩu đối với thực phẩm và nông sản Mỹ, đồng thời cho phép nhập khẩu xe cơ giới tuân theo tiêu chuẩn an toàn và khí thải của Mỹ.
Theo Giáo sư Hur Joon Yyoung, Đại học Sogang, Seoul cần lưu ý rằng các quốc gia vừa đạt thỏa thuận với Mỹ đều chấp nhận nới lỏng tiêu chuẩn nông nghiệp và ô tô – đặc biệt như Indonesia, nơi đã bãi bỏ một số kiểm định đối với hàng nông sản và công nhận tiêu chuẩn ô tô Mỹ.
Tờ Korea JoongAng Daily viết: “Đã đến lúc tăng cường quan hệ thương mại Mỹ – Hàn”. Bài xã luận nhấn mạnh thời hạn 1/8/2025 mà Tổng thống Trump đặt ra cho Hàn Quốc không chỉ là mốc thương mại quan trọng, mà còn ảnh hưởng đến một trong những quan hệ chiến lược và kinh tế then chốt của Mỹ tại châu Á.
Thông điệp từ Washington rõ ràng: Mỹ sẽ không tiếp tục “làm ăn như thường lệ” với các đối tác có thặng dư thương mại lớn và duy trì các rào cản phi thuế quan.
* Cơ hội lẫn rủi ro cho Hàn Quốc Chính quyền Tổng thống Trump coi thời hạn 1/8/2025 như một cơ hội cuối cùng để Hàn Quốc đưa ra đề xuất thỏa đáng. Theo Nhà Trắng, Hàn Quốc là đối tác quan trọng, đóng góp lớn vào an ninh kinh tế Mỹ thông qua đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn (chip), khoáng sản thiết yếu, năng lượng sạch và đóng tàu. Các công ty như Hyundai đã cam kết đầu tư 21 tỷ USD vào ngành xe điện tại Mỹ.
Tuy nhiên, một loạt rào cản kỹ thuật và pháp lý tại Hàn Quốc, như quy định nền tảng số, hạn chế dữ liệu bản đồ, mua sắm đám mây và luật cạnh tranh trực tuyến, đang khiến Washington lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.
Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh Mỹ không thể chấp nhận bất kỳ hình thức phân biệt nào đối với doanh nghiệp công nghệ Mỹ – dù là qua thuế hay quy định. Với Hàn Quốc, lựa chọn rất rõ ràng: hoặc cải thiện minh bạch và gỡ bỏ rào cản, hoặc đối mặt với hậu quả từ các biện pháp trừng phạt.
Giới quan sát cho rằng, nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm: bảo vệ các ngành xuất khẩu cốt lõi như ô tô, thép, chất bán dẫn và điện tử tiêu dùng khỏi mức thuế 25%, giúp duy trì hàng tỷ USD thương mại và hàng trăm nghìn việc làm; tăng tính ổn định và khả năng dự đoán thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư dài hạn và hoạch định chuỗi cung ứng; khẳng định vai trò đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong hệ thống thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế G7 đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Thêm vào đó, việc giải quyết căng thẳng thương mại sẽ giúp Seoul tập trung vào các ưu tiên chiến lược khác như hợp tác quốc phòng, liên kết năng lượng và phát triển công nghệ.
Do đó, cơ hội phía trước không chỉ là tránh thuế, mà còn là bước tiến chiến lược để Hàn Quốc trở thành đối tác chủ chốt của Mỹ trong việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng thời gian không còn nhiều – ngày 1/8 đang đến gần và Hàn Quốc cần hành động quyết đoán hơn bao giờ hết./.
Đức Thắng – Trường Giang (TTXVN tại Seoul)