Tính phức tạp trong các thỏa thuận thuế quan của Mỹ với Đông Nam Á
27/07/2025 13:41:01
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Tính phức tạp trong các thỏa thuận thuế quan của Mỹ
với Đông Nam Á TTXVN (Singapore 27/7): Theo phân tích mới đây trên trang mạng Fulcrum,
thỏa thuận thuế quan của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á là rất phức tạp.
Thời hạn đàm phán thuế quan đối ứng ngày 9/7 của Tổng thống Trump đã qua. Ngoài trừ ba nước là Việt Nam, Indonesia và Philippines đã được ông Trump thông báo là đạt được “thỏa thuận”, các quốc gia khác của Đông Nam Á vẫn bị giữ nguyên mức thuế quan đã công bố vào tháng 4/2025, nhưng thời hạn thực thi thuế quan chung đã được Washington gia hạn thêm ba tuần đến ngày 1/8.
Thông tin chi tiết về thỏa thuận với Indonesia cũng khá ít ỏi, nhưng mức thuế quan đối ứng ban đầu 32% dường như đã được giảm xuống còn 19%. Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Indonesia sẽ không phải chịu thuế và Indonesia đã đồng ý mua một số lượng không xác định máy bay Boeing.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra để làm rõ chi tiết và bất kỳ điều khoản nào cũng có thể được làm rõ hoặc sửa đổi thêm. Ngoài ra, do tính chất cạnh tranh với nhau để giành thị phần tại Mỹ, nên không có cơ sở nào để đánh giá liệu những "thỏa thuận" này có thể được coi là "chiến thắng" cho các quốc gia đã đạt được thỏa thuận hay không và sẽ phải chờ cho đến khi tất cả các mức thuế quan cuối cùng được công bố.
Điều tương tự cũng đúng đối với các mức thuế quan theo ngành mà Washington đe dọa áp đạt hoặc đã được áp dụng đối với các sản phẩm chủ chốt như ô tô, thép, dược phẩm, đồ điện tử, gỗ và đồng. Nếu một quốc gia nhận được mức thuế quan đối ứng tương đối thấp, nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị đánh thuế theo ngành từ 25-200%, thì sẽ chẳng có gì đáng để “ăn mừng”.
Một yếu tố bất ngờ khác là việc Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 10% đối với các thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (bao gồm 5 quốc gia sáng lập là Trung Quốc, Nga, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và một số quốc gia mới gia nhập, cùng những nước có quan điểm "chống Mỹ"
tương tự nhóm này. Indonesia, hiện đã gia nhập BRICS, rõ ràng sẽ là nước đầu tiên tại Đông Nam Á bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách Tổng thống Trump diễn giải "sự liên kết", các quốc gia khác trong khu vực có thể phải đối mặt với mức thuế bổ sung 10%.
Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết nào được cung cấp, nhưng giả định an toàn nhất là mức thuế quan BRICS sẽ được cộng thêm vào mức thuế quan đối ứng 19% đã đàm phán của Indonesia. Như thường lệ với những tuyên bố hời hợt trên mạng xã hội của ông Trump, vẫn chưa rõ liệu điều này cuối cùng sẽ được thực hiện hay không.
Có lẽ vấn đề phức tạp nhất mà các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt trong các thỏa thuận thương mại với Mỹ là việc thực hiện các điều khoản trung chuyển. Washington đã nhiều lần chỉ trích việc các quốc gia trong khu vực bị lợi dụng làm cầu nối cho các sản phẩm Trung Quốc, để lách thuế quan của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện rõ quyết tâm chấm dứt n hành vi này và các cuộc đàm phán thuế quan qua lại đã tạo ra cơ chế để Washington nêu vấn đề với các đối tác Đông Nam Á.
Cần phải phân biệt rõ ràng. Một số hoạt động trung chuyển hoàn toàn hợp pháp và được phép theo các quy tắc thương mại quốc tế.
Mỹ không có khiếu nại chính đáng trong những trường hợp đó. Trong những trường hợp khác, hoạt động trung chuyển được xem là gian lận và Mỹ, hoặc bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến các quy tắc thương mại, sẽ có lý do chính đáng để tìm kiếm sự bồi thường. Ví dụ, nếu một sản phẩm được vận chuyển từ Trung Quốc vào một quốc gia Đông Nam Á và sản phẩm này được gắn “tem xuất xứ” là từ quốc gia đó, thay vì "Trung Quốc”. Sản phẩm, sau đó, được xuất khẩu sang Mỹ để hưởng mức thuế suất thấp hơn so với thuế áp cho hàng hóa Trung Quốc, thì đó gọi là hành vi gian lận – một cách lý giải đơn giản và dễ hiểu, nghĩa là một chứng từ hải quan có ràng buộc pháp lý đã bị cố tình làm giả.
Nếu mức thuế 40% được áp dụng cho những trường hợp như vậy, thì đó là một sự thừa nhận khá kỳ quặc về một hành vi bất hợp pháp và thậm chí có thể được hiểu là sự chấp thuận ngầm. Mặc dù không có chi tiết hoạt động cụ thể, nhưng một câu hỏi thực tế được đặt ra: Nếu có thể xác định các trường hợp trung chuyển gian lận, liệu có thể áp dụng các thủ tục thực thi pháp luật thay vì chỉ áp dụng mức thuế suất cao 40% hay không?
Tuy nhiên, có một cách hoàn toàn hợp pháp để thực hiện hành vi mà có thể được gọi một cách rộng rãi là "trung chuyển".
Nếu một sản phẩm từ Trung Quốc vào một quốc gia Đông Nam Á và trải qua quá trình chế biến đầy đủ hoặc đóng vai trò là hàng hóa trung gian được kết hợp vào một sản phẩm hoàn thiện lớn hơn, theo các quy tắc xuất xứ liên quan, sản phẩm đó có thể không còn là sản phẩm của Trung Quốc và sẽ được coi là sản phẩm của quốc gia điểm đến một cách hợp pháp. Trong trường hợp đó, sẽ không có cơ sở nào để đánh giá mức thuế cao hơn so với các sản phẩm bao gồm 100% nguyên liệu đầu vào của quốc gia điểm đến.
Vậy ý định của chính quyền Tổng thống Trump ở đây là gì? Liệu thỏa thuận có bao gồm một quy tắc xuất xứ phức tạp và nghiêm ngặt đến mức có thể được tính theo cách khác đối với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc?
Hay nó chỉ nhằm mục đích áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với các hoạt động trung chuyển bất hợp pháp? Hiện tại, các chi tiết vẫn còn mơ hồ.
Điều duy nhất rõ ràng là việc thực hiện các điều khoản này sẽ tạo ra những phức tạp đáng kể cho các quốc gia Đông Nam Á chấp nhận chúng. Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, chính quyền Tổng thống Trump khó có thể hoàn toàn hài lòng với những nỗ lực hạn chế hoạt động trung chuyển và việc khôi phục thuế quan đối với những trường hợp "không tuân thủ" sẽ treo lơ lửng trên đầu như “Thanh gươm của Damocles”./.
Đỗ Vân (TTXVN tại Singapore)