Chuẩn hoá và phát triển bền vững đội ngũ nhà giáo
17/07/2025 20:42:49
1 lượt xem
Thời sự trong nước
Chuẩn hóa và phát triển bền vững đội ngũ nhà giáo
Hà Nội (TTXVN 17/7)
Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngày 16/6/2025, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa với ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng và đất nước nói chung, là niềm vui của những người làm giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc đầy tâm huyết, trách nhiệm và sâu sát của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp cùng các Ủy ban khác; sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ nhiệt tình từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; sự đóng góp toàn diện, chia sẻ trách nhiệm từ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Sở Giáo dục và Đào tạo; sự đồng hành tích cực của các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ giáo viên trên cả nước; đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ, tận tâm của ban soạn thảo, tổ biên tập cùng các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các tổ chức quốc tế. Sự chung tay góp sức của tất cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đã đồng lòng vào cuộc để ngành Giáo dục có được một đạo luật riêng, điều chỉnh đầy đủ về nhà giáo, qua đó mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, bền vững cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới.
Báo cáo tổng kết quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo và triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Luật Nhà giáo là sản phẩm kết tinh của trí tuệ tập thể, được vun đắp từ công sức, tâm huyết và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia. Luật thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn về phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự thống nhất, đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương; từ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà giáo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước đối với vai trò, vị trí của nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục.
Với 9 chương 42 điều, những quy định trong Luật Nhà giáo có 5 điểm nổi bật đáng chú ý: Khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ – nâng cao chất lượng giáo dục; tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.
Khuyến nghị chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo, ông Carlos Vargas, Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 nhấn mạnh đến việc cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên. Thời gian qua, giáo viên rời bỏ nghề liên quan đến điều kiện vật chất, thu nhập, khối lượng công việc. Đồng thời, có cả lý do về tinh thần, đó là thiếu sự ghi nhận, lòng tin, sự tôn trọng dành cho giáo viên. Do đó, cần có các chiến lược giữ chân giáo viên như hợp đồng ổn định, cơ hội thăng tiến rõ ràng, từ đào tạo ban đầu đến nghỉ hưu. Giáo viên cũng cần được đặt vào trung tâm của quá trình ra quyết định giáo dục, đóng góp vào sự chuyển mình của giáo dục, nâng cao chất lượng học tập vì sự phát triển của học sinh và cộng đồng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Luật Nhà giáo sẽ trở thành động lực lớn để sinh viên đang rèn luyện dưới mái trường sư phạm phấn đấu lâu dài. Các em sẽ thấy nghề nghiệp của mình được định hình rõ hơn, tương lai ổn định hơn, công việc được tôn vinh nhiều hơn. Từ đó, nhiều học sinh, sinh viên có năng lực, có tư chất sẽ mong muốn trở thành nhà giáo.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Luật Nhà giáo có 3 yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đội ngũ, đó là sự tôn vinh, đảm bảo đời sống và sự trao quyền. Đây không chỉ là một bộ luật mà còn là căn cứ quan trọng để các trường sư phạm xây dựng, phát triển chương trình, triển khai hoạt động bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ. Với bộ luật này, đội ngũ nhà giáo sẽ ngày càng chuẩn hóa, chuyên nghiệp, hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo./.
Việt Hà