Chiến tranh Ukraine sẽ định hình thế giới
27/07/2025 10:30:57
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Chiến tranh Ukraine sẽ định hình thế giới
Trang mạng ft.com (Ngày 25/7)
Kết quả của cuộc chiến ở Ukraine có thể định hình không chỉ tương lai của Ukraine mà còn của chính nền dân chủ tự do châu Âu. Điều này không hề khoa trương.
Đầu tiên và rõ ràng nhất, Ukraine đang đấu tranh cho quyền tự quyết định vận mệnh của người dân.
Nga là một chế độ độc tài, được cai trị bởi một vị tổng thống mà ý chí của ông là luật pháp. Người dân Ukraine đang chiến đấu với bản lĩnh và lòng dũng cảm tuyệt vời để giành tự do khỏi chế độ chuyên chế đó và tự lựa chọn hướng đi của mình.
Thứ hai, như Fiona Hill và Angela Stent đã viết trong một bài báo trên tờ “Foreign Affairs” năm 2022, Vladimir Putin “đã ra lệnh tiến hành ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ vì ông tin rằng Nga có quyền thiêng liêng là cai trị Ukraine, xóa bỏ bản sắc dân tộc của đất nước này và đưa người dân vào một nước Nga vĩ đại hơn”. Người châu Âu cần nhớ rằng lục địa của họ cũng bị chia cắt bởi những đường biên giới tranh chấp tương tự.
Một khi “chiếc hộp Pandora” được mở ra, ai sẽ đóng nó lại, nhất là khi “đạo quân chính trị thứ năm” của Putin đang ngày càng nắm quyền lực trên khắp lục địa?
Thứ ba, Ukraine đang chiến đấu với một thế lực có ý định thống trị châu Âu. Một nước Nga chiến thắng sẽ là cường quốc quân sự lớn nhất châu Âu, đe dọa trực tiếp đến các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) lân cận.
Với việc Mỹ ngày càng thờ ơ với số phận của lục địa, điều này sẽ khiến châu Âu vừa sợ hãi vừa yếu đuối.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nếu châu Âu không hành động hiệu quả, Mỹ đứng ngoài cuộc, và trục Nga, Trung Quốc và Triều Tiên chiến thắng, điều gì sẽ xảy ra với cán cân lực lượng và tư tưởng trên toàn cầu? Ai sẽ tin tưởng những người tuyên bố ủng hộ tự do và dân chủ khi họ sẵn sàng khoanh tay đứng nhìn những lý tưởng này bị xóa bỏ một cách tàn bạo ngay sát biên giới của chính họ.
Tuy nhiên, tất cả vẫn còn rất xa vời. Điều quan trọng là mặc dù cuộc chiến đã diễn ra gần 3 năm rưỡi, song theo báo cáo tháng 6 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Nga chỉ giành được chưa đến 1% lãnh thổ Ukraine kể từ năm 2024. Báo cáo cho biết thêm rằng “Nga đã chịu tổn thất về người ở Ukraine nhiều gấp khoảng 5 lần so với tất cả các cuộc chiến tranh của Nga và Liên Xô cộng lại” từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai đến khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022. Putin đã nghĩ rằng đó sẽ là một chiến thắng dễ dàng. Nhưng ông đã sai lầm biết bao!
Đồng thời, các cuộc trò chuyện với những người ngoài cuộc am hiểu về Ukraine cho thấy rõ ràng rằng “tình hình rất bấp bênh”. Người dân đã kiệt sức, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Hơn nữa, họ chiến đấu vì tất cả phương Tây. Phương Tây không được lặp lại sai lầm của những người theo đuổi chính sách nhượng bộ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Ít nhất chúng ta phải cung cấp cho Ukraine những nguồn lực mà họ cần.
Điều này không phải là bất khả thi. Cho đến nay, Nga vẫn chưa thể giành chiến thắng, mặc dù có dân số gần gấp 4 lần Ukraine và GDP (theo sức mua tương đương) lớn hơn gấp 10 lần. Cũng có số lý do để tin rằng nền kinh tế Nga đang căng thẳng hơn những gì chính quyền nước này thừa nhận. Bộ Tài chính Thụy Điển cho biết số liệu lạm phát do chính phủ Nga tự công bố cao hơn nhiều so với số liệu mà họ công bố. Điều đó có thể giúp giải thích tại sao lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương là 20% trong khi lạm phát chính thức là gần 10%.
Trên hết, dân số và GDP của EU, cộng với Anh, lần lượt lớn gấp 3,5 lần và 4,8 lần so với Nga. Trong một cuộc cạnh tranh quân sự cân sức như vậy, nguồn lực có thể đóng vai trò quyết định. Nhưng liệu họ đã cung cấp đủ chưa? Công cụ Theo dõi Hỗ trợ Ukraine của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy là chưa.
Cho đến năm nay, các nước châu Âu (EU cộng với Anh) đã viện trợ số tiền tương đương với của Mỹ. Kể từ đó, Mỹ đã ngừng cung cấp tiền, với lý do rằng các nước châu Âu nên chi trả. Trong ngắn hạn, chỉ một vài quốc gia lấp đầy khoảng trống này. Nhưng điều đó cần được điều chỉnh. Cho đến nay, các chính phủ châu Âu chỉ chi 0,1% GDP hàng năm cho viện trợ song phương cho Ukraine. Ít nhất, họ cần phải tăng gấp đôi con số này ngay lập tức. Con số này vẫn chưa bằng một nửa những gì Đan Mạch và các nước Baltic đang làm và cũng tương đương với Ba Lan và Hà Lan.
Nếu muốn đạt được mục tiêu chung này, các nước lớn hơn phải đóng góp nhiều hơn đáng kể, đáng chú ý là Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc này không khó.
Cho đến nay, Đức mới chỉ huy động được 0,13% GDP - một con số không đáng kể, xét đến những gì đang bị đe dọa. Pháp đóng góp chưa đến một nửa con số đó. Cả hai nước đều có thể và nên đóng góp nhiều hơn nữa. Các nước khác cũng vậy.
Thiết bị quân sự của Mỹ, đặc biệt là thiết bị tấn công, cũng có tầm quan trọng sống còn. Các nước châu Âu sẽ phải tự sản xuất nhiều hơn, tài trợ cho sản xuất của Ukraine và mua trực tiếp từ Mỹ. Mối bất hòa gần đây giữa Donald Trump và Putin có thể giúp ích trong trường hợp này.
Lợi ích duy nhất từ những nỗi kinh hoàng của năm 2025 là sự sáng tỏ về một số vấn đề. Giờ đây, chúng ta đã biết - có lẽ ngay cả Trump cũng biết - rằng Putin chỉ quan tâm đến việc giành chiến thắng trên bàn đàm phán. Ông ấy đã không thể giành chiến thắng trên chiến trường. Người châu Âu cũng biết rằng nước Mỹ của Trump là một đồng minh không đáng tin cậy, nhưng Mỹ có thể bị dụ dỗ, hoặc bị mua chuộc, để cung cấp những gì cần thiết. Châu Âu cũng phải biết rằng tương lai của họ ngày càng phụ thuộc vào chính họ, mặc dù, trong trường hợp của Ukraine, vẫn cần sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đáng chú ý là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Không kém phần quan trọng, châu Âu cần biết rằng vấn đề không phải là nguồn lực, mà là ý chí và thời gian. Người châu Âu phải huy động mọi thứ cần thiết để chứng minh với người Nga rằng Nga sẽ không được phép chiến thắng và với người Ukraine rằng châu Âu là những đồng minh đáng tin cậy.
Như những năm 1930, những quyết định được đưa ra bây giờ có thể định hình tương lai của lục địa và thậm chí của thế giới trong nhiều thế hệ. Nếu không thể hành động đồng bộ ngay bây giờ, châu Âu dân chủ sẽ diệt vong./.