Nâng tầm tài nguyên bản địa trong xây dựng nông thôn mới
22/07/2025 15:27:31
1 lượt xem
Thời sự trong nước
Nâng tầm tài nguyên bản địa trong xây dựng nông thôn mới
Quảng Ngãi (TTXVN 22/7)
Nhiều hợp tác xã tại Quảng Ngãi đã phát triển các sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.
* Mô hình trồng hoa hữu cơ Năm 2020, anh Trần Quang Nhật (sinh năm 1992) thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoa Nghĩa Hiệp tại xã Vệ Giang. Hợp tác xã liên kết 10 thành viên và 10 hộ trồng hoa hữu cơ, bao tiêu đầu ra, tạo vùng nguyên liệu ổn định. Nhờ có hợp tác xã, người dân đã chuyển từ trồng hoa vụ Tết sang trồng quanh năm, đa dạng hóa chủng loại, giúp tăng thu nhập đáng kể.
Bà Mạc Thị Nữ, thành viên Hợp tác xã cho hay: “Bản thân tôi có kinh nghiệm trồng hoa cúc, hoa hồng hàng chục năm, tuy nhiên trước kia chúng tôi chỉ trồng hoa bán vào dịp Tết Nguyên đán. Từ ngày tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoa Nghĩa Hiệp, gia đình tôi trồng hoa quanh năm và trồng nhiều loại hoa khác nhau, nhờ đó thu nhập cũng tăng lên”.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoa Nghĩa Hiệp không chỉ cung cấp hoa tươi, cây giống, mà còn sản xuất các sản phẩm tinh chế từ hoa như trà, nến, nước hoa hồng... Đặc biệt, hợp tác xã có 2 sản phẩm trà hoa hồng và bột hoa hồng đạt chuẩn OCOP 3 sao, được Sở Công Thương hỗ trợ tiêu thụ.
Anh Trần Quang Nhật cho biết, hợp tác xã chú trọng sản xuất an toàn, dùng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao và được người tiêu dùng tin cậy. Bình quân mỗi tháng, hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 500 sản phẩm. Sắp tới, hợp tác xã định hướng kết hợp sản xuất với du lịch nông nghiệp, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm.
Ông Đoàn Việt Vân, Chủ tịch UBND xã Vệ Giang nhấn mạnh, xã Vệ Giang có truyền thống trồng hoa hàng chục năm, toàn xã có khoảng 600 hộ trồng hoa, với diện tích 35ha. “Hoa Vệ Giang” đã được công nhận nhãn hiệu tập thể và sản phẩm OCOP 3 sao. Việc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hoa Nghĩa Hiệp sản xuất cây giống giá hợp lý và đa dạng hóa sản phẩm từ hoa đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
* Xây dựng thương hiệu hương trầm Với mong muốn tạo ra sản phẩm truyền thống an toàn, thân thiện môi trường từ cây dó bầu sẵn có, năm 2024, anh Ngô Thanh Được (sinh năm 1989, xã Sơn Hạ) đã mạnh dạn đầu tư sản xuất hương trầm. Anh Được học hỏi kỹ thuật, mua sắm máy móc và thành lập Hợp tác xã thảo dược Quảng Ngãi để liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng dó bầu.
Anh Được chia sẻ, trước đây, cây dó bầu thường chỉ chờ thương lái thu mua, nhiều khi gặp khó khăn do giá giảm. Mục tiêu của anh là tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại Sơn Hạ để sản xuất hương trầm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Sản phẩm hương trầm của anh Được thơm nhẹ, ít khói, ít tro, đạt chuẩn OCOP nhờ quy trình chọn lựa nguyên liệu (cây dó bầu lâu năm) và các công đoạn phơi sấy tỉ mỉ.
Hiện tại, anh Được cung cấp khoảng 500kg hương trầm ra thị trường mỗi tháng. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh và nhu cầu tâm linh, anh liên kết với người dân địa phương để trồng và bao tiêu dó bầu, hướng đến phát triển vùng trầm bền vững.
Việc sản xuất hương trầm đã giúp nhiều hộ dân trồng dó bầu tại địa phương có thêm thu nhập ổn định, hình thành chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến sản phẩm. Ông Nguyễn Tấn Dũng (người dân tại xã Sơn Hạ) cho biết, cây dó bầu của gia đình ông giờ đây bán cho hợp tác xã với giá cao hơn gấp đôi so với trước. Ngoài ra, ông còn tham gia sản xuất hương trầm dưới sự hỗ trợ của anh Được, giúp tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Hồ Quý Nhân, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, tỉnh có nhiều hợp tác xã tận dụng tiềm năng bản địa để phát triển, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên. Liên minh Hợp tác xã tỉnh khuyến khích các hợp tác xã phối hợp với người dân để duy trì, mở rộng vùng sản xuất đặc trưng, tạo chuỗi liên kết bền vững. Đồng thời, Liên minh sẽ hỗ trợ các hợp tác xã vay vốn, tiếp cận kỹ thuật sản xuất chất lượng cao, chế biến sâu, theo quy hoạch và nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị nông sản./.
Đinh Hương