Từ Tokyo đến Bắc Kinh: Tuần lễ ngoại giao đầy rủi ro của châu Âu
24/07/2025 12:30:51
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Từ Tokyo đến Bắc Kinh: Tuần
lễ ngoại giao đầy rủi ro của châu Âu TTXVN (Paris 23/7)
Theo báo “Le Point” của Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong tuần này sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở hai thái cực đối lập: một tuần trăng mật chiến lược với Nhật Bản vào ngày 23/7 và cuộc đối đầu căng thẳng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một ngày sau đó.
Trong vòng 48 giờ đồng hồ, ông Costa và bà Leyen sẽ phải trải nghiệm cả hai mặt trong ngoại giao của châu Âu. Ngày 23/7, họ sẽ cùng Nhật Bản ăn mừng một liên minh chiến lược được củng cố, nhưng sang ngày 24/7, hai lãnh đạo châu Âu sẽ đối đầu Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh được dự báo là một trong những cuộc gặp căng thẳng nhất trong lịch sử quan hệ Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc. Hai thủ đô, hai bầu không khí, hai cách tiếp cận hoàn toàn đối lập.
Tokyo, tuần trăng mật chiến lược Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản lần thứ 30 giống như một cuộc họp gia đình. Tại buổi họp báo chuẩn bị, một quan chức cấp cao châu Âu đã chia sẻ: “Không lĩnh vực nào mà chúng ta không hợp tác và không cùng chung quan điểm”.
Thật vậy, chương trình làm việc tràn ngập với các sáng kiến: một liên minh cạnh tranh, đối tác an ninh - quốc phòng, hợp tác về cáp ngầm Bắc Cực, đàm phán để Nhật Bản gia nhập chương trình Horizon Europe…
Các con số phản ánh một bức tranh thương mại phong phú: 193 tỷ Euro trao đổi thương mại mỗi năm, tăng 20% kể từ Hiệp định Đối tác Kinh tế năm 2019. Cùng nhau, EU và Nhật Bản chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
toàn cầu và 600 triệu người tiêu dùng. “Một sức mạnh đáng kể khi chúng ta bảo vệ cùng các giá trị”, một nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh.
Nhật Bản “từ bỏ kháng cự” Trump Tuy nhiên, điều cần thiết là hướng sức mạnh này đi cùng một hướng. Trước sự hiếu chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người châu Âu và người Nhật đã “đàm phán” mỗi bên một cách riêng rẽ. EU và Nhật Bản từng dự định so sánh các “ghi chú” về các cuộc thương lượng song phương với Washington. Dù sao đi nữa, Nhật Bản đã quyết định không đáp trả việc Mỹ tăng thuế. Trong đêm 22/7 rạng sáng 23/7, Trump thông báo đã đạt được một “thỏa thuận” với Tokyo: người Nhật sẽ chịu mức “thuế quan đối ứng” 15% (thay vì 24% như công bố trong “Ngày Giải phóng”) và cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ. Nhật Bản cũng sẽ mở cửa thị trường cho xe hơi, xe tải Mỹ cũng như một số sản phẩm nông nghiệp (gạo). Đó, ít nhất, là thông điệp của ông Trump.
Dĩ nhiên, khi các quan chức EU đặt chân tới Nhật Bản, bóng dáng Trung Quốc vẫn bao trùm mọi cuộc thảo luận. “Cạnh tranh không lành mạnh”, “phụ thuộc chiến lược bị lợi dụng”, đặc biệt liên quan đến đất hiếm và nam châm vĩnh cửu… ngôn từ của châu Âu mô tả rất rõ thách thức Trung Quốc. Tokyo và Brussels muốn cùng nhau bảo đảm nguồn cung các nguyên liệu quan trọng, chip bán dẫn và pin.
Cần lưu ý rằng Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đang ở trong tình thế cá nhân nhạy cảm. Ngày 20/7, liên minh của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện. Ông Ishiba hiện đang ở thế thiểu số tại cả hai viện Quốc hội, nhưng ông quyết định ở lại ghế vì tình hình khó khăn. Ngày 1/8 tới, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với “lưỡi hái” thuế quan của Trump. Trong thư của mình, Tổng thống Mỹ dự kiến áp mức thuế quan ngang 25% từ ngày đó.
Bắc Kinh, một cuộc đối thoại câm lặng Chỉ 24 giờ sau, bầu không khí sẽ đổi khác hoàn toàn tại Bắc Kinh trong Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 25. Hội nghị lần này đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao, bắt đầu bằng cái bắt tay lịch sử ngày 6/5/1975 giữa Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu lúc đó là Christopher Soames và Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Ân Lai. Nhưng lễ kỷ niệm được dự báo sẽ đầy giông bão.
“Chúng tôi biết hai bên không nhìn nhận cùng một cách về nhiều vấn đề”, một quan chức cấp cao thuộc Hội đồng châu Âu nói.
Bà Leyen đến Bắc Kinh với một bộ hồ sơ nhạy cảm. Khiếu nại đầu tiên, thâm hụt thương mại 300 tỷ Euro, đã tăng gấp đôi vào năm ngoái. Một quan chức Ủy ban châu Âu cảnh báo “tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được”.
Châu Âu nhập khẩu ồ ạt (21,3% tổng kim ngạch nhập khẩu đến từ Trung Quốc) nhưng xuất khẩu rất hạn chế (chỉ 8,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Âu).
Tố cáo hỗ trợ Moskva Khiếu nại thứ hai là việc Trung Quốc hỗ trợ Nga. Theo các cơ quan châu Âu, 80% hàng hóa lưỡng dụng mà Moskva sử dụng đến từ Trung Quốc. Đại diện cấp cao về đối ngoại của châu Âu Kaja Kallas nhấn mạnh: “Chúng tôi không yêu cầu Trung Quốc cắt đứt quan hệ, nhưng phải siết chặt kiểm soát hải quan và tài chính”.
Khiếu nại thứ ba là tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu. Một quan chức châu Âu nhận xét rằng “Trung Quốc hưởng lợi từ thị trường mở của chúng ta nhưng mua quá ít”. Thuế quan EU áp dụng đối với xe điện Trung Quốc mới chỉ là bước khởi đầu.
Tối hậu thư ngầm Châu Âu đang gia tăng áp lực phía sau những lời ngoại giao. Ủy ban châu Âu cảnh báo: “Nếu Trung Quốc không có hành động cụ thể để đáp ứng các quan ngại của chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc phải tự bảo vệ lợi ích của mình”. EU tuyên bố sẽ sử dụng các công cụ thương mại của chính mình. Việc Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu cognac và thịt lợn châu Âu - nhằm trả đũa thuế quan đối với xe điện (mức từ 17-36%) - cho thấy cuộc chiến thương mại đã bắt đầu.
Sẽ không có tuyên bố chung nào giữa von der Leyen và Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lý Cường. Khác với các hội nghị trước, sẽ không có tuyên bố cuối cùng nào được chuẩn bị, trừ khi về khí hậu. Một người thân cận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói với giọng ngoại giao rằng “thành quả sẽ là một cuộc trao đổi thực chất, cởi mở, trực tiếp”. Nói thẳng ra là vẫn còn nói chuyện, nhưng đã hết hiểu nhau.
Ukraine - sợi chỉ đỏ xuyên suốt hai hội nghị Ukraine cũng sẽ không vắng bóng trong các cuộc thảo luận ở châu Á: với Nhật Bản để phối hợp hỗ trợ Kiev và gia tăng áp lực lên Triều Tiên - quốc gia cung cấp binh lính và đạn dược cho Moskva; còn với Trung Quốc là để tố cáo hỗ trợ kinh tế cho Putin và yêu cầu chấm dứt cung cấp thiết bị quân sự.
Phái đoàn ngoại giao châu Âu luôn nhắc lại rằng “an ninh châu Âu và an ninh châu Á gắn bó với nhau. Thông điệp ẩn sâu trong đó là: Những gì đang xảy ra ở Ukraine là hình mẫu cho điều có thể xảy ra ở Đài Loan nếu Trung Quốc “bắt chước” Putin. Vì vậy, châu Âu sẽ phản đối “mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép” - một quan thức ngoại giao ám chỉ cả Nga lẫn Trung Quốc. Nhưng ai có thể tin rằng châu Âu thật sự có đủ sức mạnh để làm điều này, nếu không dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ?
Tính toán của Trung Quốc Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có những đòi hỏi của riêng mình: gỡ bỏ thuế quan EU đối với xe điện, phê chuẩn thỏa thuận đầu tư đã bị đóng băng từ năm 2021 và quyền tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường công của châu Âu.
Trung Quốc có thể khai thác các chia rẽ xuyên Đại Tây Dương.
Khi Trump đe dọa châu Âu bằng các loại thuế trừng phạt, Bắc Kinh có thể tự dựng lên hình ảnh bản thân như một bên bảo vệ chủ nghĩa đa phương./.