Tình trạng "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ
27/07/2025 10:00:54
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Tình trạng "sức khỏe" của
nền kinh tế Mỹ TTXVN/trang mạng ft.com (Washington 23/7)
Theo "Financial Times", nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump đã được 6 tháng, mặc dù có nhiều lo ngại xung quanh chính sách tăng thuế của Tổng thống Mỹ, song những người tin rằng kinh tế Mỹ sẽ vẫn ổn đang cảm thấy được xác nhận bởi một vài số liệu gần đây. Vào tháng 6, tăng trưởng việc làm đã vượt kỳ vọng và dữ liệu lạm phát chỉ cho thấy những dấu hiệu tăng nhẹ liên quan đến thuế quan. Mùa báo cáo lợi nhuận quý II của các công ty lớn nhất nước Mỹ cũng mang lại kết quả "tốt hơn mong đợi". Tuy nhiên, thực tế là nền kinh tế Mỹ mong manh hơn nhiều so với những gì các tiêu đề báo chí gợi ý. Và theo “Bloomberg”, chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ mới là bên đang thực sự phải “trả giá” cho các mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt.
Các dấu hiệu mong manh của kinh tế Mỹ Đầu tiên là thị trường việc làm.
Các dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp (NFP) hàng tháng gần đây đã vượt qua kỳ vọng. Điều này đã tạo cho thị trường chứng khoán một lý do để tăng giá.
Nhưng tổng số liệu NFP lại gây hiểu lầm. Kể từ tháng 2, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 671.000 việc làm, 2/3 trong số đó đến từ các lĩnh vực kém năng động hơn bao gồm y tế, chính phủ và giáo dục. Ngoài ra, trong tháng 6, số liệu của Cục Thống kê Lao động cho thấy nhiều lĩnh vực đang mất việc làm hơn là tăng việc làm. Đây là một hiện tượng hiếm gặp ngoài thời kỳ suy thoái.
Thứ hai là thị trường nhà ở. Các khoản thế chấp cố định 30 năm từ lâu đã phổ biến ở Mỹ, và tỷ lệ các khoản thế chấp điều chỉnh theo lãi suất mới cũng đã giảm mạnh kể từ cuối những năm 2000.
Điều này có nghĩa là tác động của lãi suất cao hơn có thể mất nhiều thời gian hơn để “thẩm thấu” vào nền kinh tế thực (và dữ liệu).
Nhưng giờ đây, chúng đang trở nên nghiêm trọng. Những người mua nhà lần đầu đang phân bổ một phần lớn hơn thu nhập trung bình của họ cho các khoản thanh toán thế chấp so với thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng nhà đất năm 2006. Tỷ lệ các khoản thế chấp chưa thanh toán với lãi suất trên 6% đã tăng vọt trong giai đoạn hậu đại dịch. Lượng nhà mới tồn kho chưa bán được cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2009.
Thứ ba là tiêu dùng. Sau khi thúc đẩy đà tăng trưởng hậu đại dịch của Mỹ, chi tiêu tiêu dùng thực tế hàng tháng đã giảm kể từ tháng 12/2024. Các hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng đầu tiên: đầu tiên là do lãi suất cao, và giờ là do giá cả tăng liên quan đến thuế quan và bất ổn kinh tế nói chung.
Thứ tư là thị trường chứng khoán.
Chỉ số S&P 500 ngày càng trở nên tách biệt khỏi các biến số kinh tế thực tế trong thập kỷ qua, khiến nó trở thành một thước đo kém hữu ích hơn về nền kinh tế Mỹ.
Jonas Goltermann, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế thị trường tại Capital Economics, nói: "Trọng số của Magnificent 7 (một nhóm gồm 7 công ty công nghệ lớn) và lĩnh vực công nghệ nói chung trong các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng lên trong thập kỷ qua, cao hơn nhiều so với tỷ trọng thực tế của các công ty này trong GDP của Mỹ. Khoảng 40% thu nhập hiện cũng đến từ nước ngoài". Chỉ số S&P 600 của các công ty vốn hóa nhỏ tại Mỹ, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào điều kiện kinh tế địa phương, đã giảm kể từ khi Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, trong khi S&P 500 lại tăng.
Ngành công nghệ và phần mềm của Mỹ cũng được bảo vệ tương đối khỏi các mức thuế quan hiện hành (mặc dù chính quyền đang xem xét các mức thuế theo ngành). Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, ở những lĩnh vực khác, hơn 40% doanh nghiệp sử dụng hàng hóa nhập khẩu trong cả ngành sản xuất và dịch vụ cho đến nay đã báo cáo mức giảm thu nhập ròng.
Cuối cùng, có nhiều lý do để gia tăng lo ngại về các kế hoạch chính sách của Trump và khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế Mỹ.
Trước hết, chương trình nghị sự về thuế quan đầy đủ của tổng thống thậm chí còn chưa có hiệu lực. Hiện tại, theo dữ liệu từ Phòng thực nghiệm Ngân sách Yale, mức thuế quan trung bình thực tế của Mỹ là 16,6%, và kể từ ngày 1/8 - thời hạn mới nhất mà Tổng thống Mỹ đưa ra để thực hiện các mức thuế "có đi có lại" - mức thuế này sẽ là 20,6%.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Phòng thực nghiệm Định giá của Trường Kinh doanh Harvard, chênh lệch đang xuất hiện giữa giá bán lẻ của hàng hóa chịu thuế quan và hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trump. Điều này khó nhận thấy hơn trong các báo cáo lạm phát hàng tháng, vốn tổng hợp một loạt các sản phẩm nhập khẩu và không nhập khẩu.
Ngay cả khi Trump tiếp tục trì hoãn thuế quan, lượng hàng tồn kho sẽ cạn kiệt và giá cả sẽ tăng cao hơn dựa trên mức thuế hiện hành. (Các nhà phân tích dự đoán hầu hết hàng tồn kho sẽ cạn kiệt trong những tháng mùa Hè).
Nói cách khác, chuỗi kết quả kinh doanh khả quan trong quý II không phải là một chỉ báo tốt về tác động tiềm tàng của thuế quan đối với hoạt động kinh doanh nói chung hoặc triển vọng của nền kinh tế trong tương lai gần.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ gánh chịu hệ quả từ thuế quan của Trump Theo tờ “Bloomberg” ngày 22/7, chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ mới là bên đang thực sự phải “trả giá” cho các mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt.
General Motors là công ty Mỹ mới nhất công bố rằng các mức thuế đang làm tăng chi phí, với việc nhà sản xuất ô tô này cho biết hôm 22/7 rằng thuế quan đã làm giảm lợi nhuận hơn 1 tỷ USD vì công ty lựa chọn tự chịu chi phí thay vì chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng.
Điều này giúp lý giải vì sao giá xe không tăng trong dữ liệu lạm phát tuần trước, trong khi giá đồ chơi và thiết bị gia dụng - những mặt hàng thường nhập khẩu - lại tăng mạnh, phản ánh việc chi phí thuế đang được chuyển sang người tiêu dùng.
Trong khi đó, giá nhập khẩu, không bao gồm nhiên liệu, trong tháng 6 đã tăng đáng kể, cho thấy các công ty nước ngoài không hề giảm giá để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ - trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump rằng các nước khác đang “trả thuế”.
Dù thuế hải quan đang giúp tăng đáng kể nguồn thu ngân sách Mỹ, nhưng dữ liệu cho thấy nguồn thu đó đến chủ yếu từ trong nước Mỹ. Trong một ghi chú hôm 22/7, ông George Saravelos, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank AG, cho biết “các bằng chứng kinh tế vĩ mô cho thấy khá rõ ràng rằng người Mỹ chủ yếu là bên đang phải trả cho các mức thuế. Nhiều áp lực hơn có thể sẽ đè nặng lên giá tiêu dùng tại Mỹ trong thời gian tới”.
Nhiều nhà kinh tế đồng tình với nhận định này, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay ở mức khá ổn định, cho thấy các doanh nghiệp do dự khi chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng. Điều này cũng thể hiện rõ trong chỉ số giá sản xuất (PPI), khi tỷ lệ tăng lợi nhuận của các nhà bán buôn và bán lẻ đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây.
Các chuyên gia kinh tế của Wells Fargo, Sarah House và Nicole Cervi, cho rằng, với rất ít sự hỗ trợ từ giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu đựng chi phí thuế cao hơn và bắt đầu chuyển dần chi phí này sang người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu cho thấy các nhà cung cấp nước ngoài đang chịu một phần tác động để duy trì dòng hàng vào thị trường Mỹ. Giá xuất khẩu từ Nhật Bản đã giảm 3 tháng liên tiếp, và các hãng xe Nhật đã giảm giá bán sang Mỹ trong tháng 6 ở mức kỷ lục, theo dữ liệu từ năm 2016 đến nay.
Nhưng theo Wells Fargo, với nhiều công ty nước ngoài, việc đồng USD suy yếu đã khiến họ có động lực tăng giá để bù đắp tổn thất. Trong khi đó, ông Saravelos từ Deutsche Bank cho biết áp lực hiện tại lên các doanh nghiệp Mỹ khi phải gánh chi phí thuế là một lực cản khác đối với “đồng bạc xanh”, vốn đang có khởi đầu tệ nhất trong một năm kể từ thập niên 1970.
Các nhà dự báo không tin rằng các công ty Mỹ sẽ chấp nhận hy sinh lợi nhuận thêm bao lâu nữa. Tuần trước, hãng 3M đã nâng triển vọng lợi nhuận vì công ty đã điều chỉnh hoạt động sản xuất và giá bán để giảm tác động từ thuế quan. Nike cũng có kế hoạch tăng giá có chọn lọc để giảm thiểu tác động, khi công ty dự báo các mức thuế sẽ làm tăng chi phí thêm khoảng 1 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, nếu người tiêu dùng và các công ty nước ngoài không gánh thuế, chính doanh nghiệp Mỹ đang phải gánh chi phí này.
Theo “Finacial Times”, những tháng bất ổn gần đây sẽ kìm hãm hoạt động kinh doanh trong tương lai, ngay cả khi các kế hoạch áp thuế của Tổng thống được giảm nhẹ mức độ. Thị trường việc làm, nhà ở và thị trường bán lẻ đang chững lại và gần đến một điểm mang tính bước ngoặt. Thị trường chứng khoán lạc quan và các doanh nghiệp lớn của Mỹ đang che giấu sự yếu kém tiềm ẩn. Môi trường chính sách cũng sẽ không giúp ích được nhiều. Sự bất ổn đang ngăn cản FED cắt giảm lãi suất. Chính quyền Mỹ có thể nghĩ rằng việc sa thải Chủ tịch FED Jay Powell là giải pháp. Nhưng như những tin đồn gần đây về việc ông bị sa thải đã cho thấy, việc này sẽ đẩy lãi suất dài hạn lên cao và làm giảm giá cổ phiếu Mỹ vốn đang bị định giá quá cao. Dự luật tài khóa mới được Trump thông qua cũng không được kỳ vọng sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế. Nếu tổng thống Mỹ không sớm từ bỏ chủ trương bảo hộ một cách dứt khoát, thật khó để thấy điều gì có thể ngăn cản "ngôi nhà giấy" này sụp đổ./.