Hai "bức tường băng khổng lồ" ngăn cách quan hệ Nhật-Trung
28/07/2025 09:00:51
1 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Hai "bức tường băng khổng lồ" ngăn cách quan hệ Nhật-Trung
TTXVN (Tokyo 27/7)
Tờ “Nikkei Shimbun” có bài phân tích chỉ ra rằng Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang tồn tại “hai bức tường băng dường như không bao giờ tan”, đó là vấn đề lãnh thổ và vấn đề lịch sử.
Cụ thể, sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn luôn tồn tại hai “bức tường băng dày” chắn lối. Đó là tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa (Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư) và mâu thuẫn về nhận thức lịch sử. Việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với các chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây. Trong bối cảnh không thể “tan băng”, hai bên chỉ còn cách tìm kiếm một mối quan hệ hướng tới tương lai.
Bình thường hóa quan hệ là sự khởi đầu tốt đẹp?
Ngày 29/9/1972, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Kakuei Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã ký Tuyên bố chung Nhật-Trung nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hình ảnh ông Chu Ân Lai bắt tay ông Tanaka rồi đưa mạnh cánh tay lên xuống tạo cảm giác như hai bên đã hòa giải và đang cùng nắm tay hướng về tương lai, dù Nhật Bản từng là nước xâm lược Trung Quốc. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng, chính vào thời khắc ấy, hai vị thủ tướng đã gieo mầm cho một cuộc đối đầu mới.
Câu chuyện quay trở lại ngày 27/9, tức 2 ngày trước sự kiện trên. Ông Tanaka và ông Chu đã tiến hành cuộc hội đàm lần thứ ba hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao tại Đại lễ đường Nhân dân, bắt đầu vào khoảng 16 giờ chiều.
Sau khi trao đổi quan điểm về các vấn đề như xu hướng của Liên Xô, mối đe dọa chung lúc bấy giờ, ông Tanaka bất ngờ chuyển chủ đề: “Ông nghĩ sao về quần đảo Senkaku? Có nhiều người đến chỗ tôi và nói về vấn đề này”. Ông Chu Ân Lai trả lời:
“Tôi không muốn nói về vấn đề quần đảo Điếu Ngư vào lúc này. Bây giờ không phải thời điểm thích hợp để bàn về nó. Vì có dầu mỏ nên nó mới trở thành vấn đề. Nếu không có dầu thì cả Đài Loan và Mỹ cũng chẳng quan tâm”.
Nội dung trên được lưu lại trong tài liệu ngoại giao do phía Nhật Bản công bố. Trong khi đó, phía Trung Quốc khẳng định cuộc trao đổi này còn có đoạn tiếp theo là: Ông Tanaka được cho là đã đáp lại rằng” “Đúng vậy. Bây giờ không cần bàn thêm nữa. Hãy để một dịp khác rồi nói tiếp”.
Việc “để dịp khác bàn tiếp” được hiểu là sự thừa nhận của ông Tanaka về sự tồn tại của tranh chấp lãnh thổ và đồng thuận với ông Chu Ân Lai về việc “gác lại” việc giải quyết. Đây là lập luận từ phía Trung Quốc.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình, người lên nắm quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng kế thừa nhận thức này. Khi đến Nhật Bản vào tháng 10/1978 để trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật-Trung, trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ báo chí nước ngoài Nhật Bản, ông Đặng Tiểu Bình đã phát biểu về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư rằng “Tôi nghĩ rằng những vấn đề như thế này có thể tạm thời gác lại. Dù là 10 năm cũng được”.
Đó là hai tháng trước khi Trung Quốc bắt đầu chính sách cải cách mở cửa.
Để khôi phục nền kinh tế gần như sụp đổ sau Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc cần thu hút viện trợ từ Nhật Bản. Phát ngôn của ông Đặng Tiểu Bình về việc “gác lại vấn đề Senkaku/Điếu Ngư” cũng có thể hiểu là một nước cờ có tính toán nhằm lôi kéo Nhật Bản về phía mình. Nhật Bản sau đó, vào năm 1979, đã bắt đầu cung cấp Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Trung Quốc.
Bùng nổ phát triển kinh tế và sự khởi đầu của làn sóng “chống Nhật” tại Trung Quốc Vấn đề nhận thức lịch sử cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Trên thực tế, cho đến đầu những năm 1980, phía Trung Quốc không quá coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi khi xảy ra “vấn đề sách giáo khoa lần thứ nhất” vào năm 1982.
Từ các bản tin liên quan đến việc thẩm định sách giáo khoa của Nhật Bản, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội, cáo buộc rằng Nhật Bản “đang bóp méo lịch sử”. Đến năm 1985, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Yasuhiro Nakasone đã chính thức viếng thăm đền Yasukuni, dẫn đến các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra tại nhiều nơi ở Trung Quốc.
Đó là thời kỳ mà “kiếm tiền” bắt đầu được chấp nhận ở Trung Quốc dưới chính sách cải cách mở cửa. Ông Đặng Tiểu Bình đưa ra thuyết “làm giàu trước”, công khai thừa nhận sự tồn tại của khoảng cách giàu nghèo và cho phép những người có năng lực được làm giàu trước.
Việc duy trì sự gắn kết quốc gia bằng chế độ xã hội chủ nghĩa thời điểm đó có vẻ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận ra một sự thật: Việc khuyến khích chủ nghĩa yêu nước dưới hình thức “chống Nhật” vốn trước đó từng bị kiềm chế, có thể giúp duy trì ổn định chính trị trong nước.
Nhờ vào sự viện trợ từ Nhật Bản, kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, ngày 4/6/1989, một bản tin từ Bắc Kinh đã khiến thế giới rúng động, đó là sự kiện Thiên An Môn, trong đó Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ.
Nhật Bản đã đồng loạt cùng Mỹ và châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc, trong đó có việc đóng băng các khoản vay ưu đãi từ Nhật cho Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải toàn bộ dư luận Nhật Bản đều theo quan điểm cứng rắn.
Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng “Cô lập Trung Quốc không phù hợp với lợi ích quốc gia của Nhật Bản”.
Tháng 11/1990, Nội các của Thủ tướng Toshiki Kaifu đã tiên phong trong số các nước phát triển phương Tây, nối lại các khoản vay ưu đãi cho Trung Quốc. Tiếp theo đó, Nội các của Thủ tướng Kiichi Miyazawa đã hiện thực hóa chuyến thăm Trung Quốc của Thiên hoàng vào tháng 10/1992. Có thể nói, quan hệ Nhật-Trung lúc này đã đạt đến thời kỳ tốt đẹp nhất kể từ sau chiến tranh.
Tuy nhiên, đằng sau đó là một hành động đầy bất ngờ từ phía Trung Quốc.
Vào tháng 2/1992, Trung Quốc đã ban hành Luật lãnh hải, trong đó xác định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc, một điều đi ngược lại với quan điểm “gác tranh chấp” mà ông Đặng Tiểu Bình từng đề xuất.
Khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời vào tháng 2/1997, Trung Quốc bắt đầu thường xuyên nêu bật vấn đề nhận thức lịch sử. Vào tháng 11/1998, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân khi đến thăm Nhật Bản đã công khai chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản trong buổi quốc yến tại Hoàng cung Nhật Bản.
Sự khác biệt về giá trị: Liệu hai bên có thể thấu hiểu nhau?
Kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi viếng thăm đền Yasukuni vào năm 2001, quan hệ Nhật-Trung đã bước vào thời kỳ lạnh giá. Dưới thời các Thủ tướng Shinzo Abe và Yasuo Fukuda, đã có những nỗ lực nhằm phá băng mối quan hệ này, nhưng khi chính quyền đảng Dân chủ quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào năm 2012, quan hệ hai nước đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh.
Trung Quốc giờ đây đã không còn cần đến sự giúp đỡ của Nhật Bản nữa. Năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản về quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền lãnh đạo tối cao từ năm 2012, đã kêu gọi “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” và thúc đẩy lộ trình trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại.
Ngày 3/9 năm nay, một cuộc duyệt binh quy mô lớn sẽ được tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh nhằm kỷ niệm 80 năm chiến thắng cuộc kháng chiến chống Nhật. Được biết, Trung Quốc sẽ gửi lời mời đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung cùng nhiều lãnh đạo khác.
“Bức tường băng” giữa hai nước dường như ngày càng cao hơn. Ngày 16/7 vừa qua, một tòa án Trung Quốc đã tuyên án 3,5 năm tù giam đối với một nhân viên người Nhật của Công ty dược phẩm Astellas trước cáo buộc về hành vi “gián điệp”.
Sự việc càng làm dấy lên làn sóng nghi ngờ và thiếu niềm tin trong người dân Nhật Bản đối với Trung Quốc.
Liệu có con đường nào để hạ thấp bức tường ấy, dù chỉ một chút? Như cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda chia sẻ: “Những người có nhiều giá trị quan khác nhau hãy tiếp xúc với nhau dưới nhiều hình thức khác nhau. Cứ thử tự do làm điều đó xem sao”.
Quan hệ giữa các quốc gia, xét cho cùng, cũng là mối quan hệ giữa con người với con người. Không chỉ giới chính trị, mà cần phải tăng cường cả giao lưu ở cấp độ nhân dân và tiếp tục nỗ lực nhiều hơn để hiểu nhau tốt hơn./.