Trung Quốc chia sẻ hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro với thế giới
26/07/2025 21:42:17
1 lượt xem
Thời sự nước ngoài
Trung
Quốc chia sẻ hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro với thế giới Hà Nội (TTXVN 26/7)-- Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 26/7, Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã ra mắt hệ thống khí tượng tích hợp dựa vào AI để cung cấp cảnh báo sớm cho tất cả, hay còn gọi "MAZU". Mục tiêu của hệ thống là giải quyết các thách thức khí hậu toàn cầu và chia sẻ chuyên môn cũng như thành tựu công nghệ của Trung Quốc với thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Tại lễ khai mạc Đại hội AI thế giới 2025 ở thành phố Thượng Hải, trước sự chứng kiến của Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Celeste Saulo, Cục trưởng CMA Trần Chấn Lâm (Chen Zhenlin) đã tặng "MAZU-Urban" một hệ thống thông minh cảnh báo sớm đa rủi ro đối với đô thị, cho các đại diện đến từ Djibouti và Mông Cổ. Việc này sẽ cho phép hệ thống, tích hợp các thuật toán tiên tiến và dữ liệu đa nguồn để tăng cường các thực tiễn cảnh báo sớm và các nỗ lực giảm thiểu thảm họa trên toàn cầu, lần đầu tiên được sử dụng ở nước ngoài.
CMA cho biết sứ mệnh của “MAZU” bao gồm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cảnh báo sớm, tăng cường xây dựng năng lực, tăng cường hệ thống xác định, đánh giá rủi ro và phát triển các cơ chế và mô hình hợp tác.
"MAZU-Urban" là sản phẩm được chia sẻ trên toàn cầu đầu tiên được Dịch vụ Khí tượng Thượng Hải hợp tác với Trung tâm Khí tượng Quốc gia và Học viện AI Khoa học Thượng Hải phát triển, quảng bá.
Các công nghệ cốt lõi của hệ thống thông minh này bao gồm các công cụ giám sát đa rủi ro linh hoạt và các ứng dụng phân tích dự báo về giám sát và cảnh báo sớm. Hệ thống thông minh này cũng có thể tự động tạo ra các bản tin thảm họa trong giai đoạn phát hành cảnh báo và sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn dựa trên AI để tạo ra các hướng dẫn bảo vệ dựa vào vai trò, thảm họa cụ thể và các kế hoạch khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ hỏi đáp với người dùng để tăng cường hiệu quả ứng phó.
Hệ thống cũng tích hợp một cấu trúc 3 tầng, phục vụ các cơ quan quản lý khí tượng và tình huống khẩn cấp, người dùng cụ thể trong ngành và công chúng. Hệ thống cung cấp giám sát thảm họa thời gian thực, cá nhân hóa đánh giá rủi ro và địa phương hóa hướng dẫn ứng phó khẩn cấp.
CMA cho biết hệ thống thông minh này đã được sử dụng trên cơ sở thử nghiệm tại 35 quốc gia và khu vực trên khắp châu Á, châu Phi và châu Đại Dương kể từ tháng 1. Trong những năm gần đây, CMA đã cùng các cơ quan khí tượng của các nước như Pakistan, Ethiopia và Quần đảo Solomon phát triển các hệ thống cảnh báo sớm dựa trên đám mây.
Thông qua các khóa đào tạo quốc tế, chương trình học bổng và chương trình trao đổi học giả, CMA cũng đã hợp tác với các đối tác các nước để tạo điều kiện cho việc chia sẻ kinh nghiệm xuyên biên giới và đổi mới công nghệ, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đào tạo các chuyên gia địa phương. CMA cũng đã chia sẻ thực tiễn của Trung Quốc trong khảo sát và đánh giá rủi ro thảm họa, cũng như hỗ trợ các quốc gia khác trong việc thiết lập cơ sở khoa học để ra quyết định đối với các rủi ro./.
Hải Yến