Đàm phán thương mại Hàn Quốc – Mỹ - Bài 1: Áp lực gia tăng
24/07/2025 12:41:08
2 lượt xem
Tin nhanh tham khảo
Đàm phán thương mại Hàn Quốc – Mỹ - Bài 1: Áp lực gia tăng
TTXVN (Seoul 24/7): Chính phủ Hàn Quốc đang đứng trước sức ép lớn sau khi Nhật Bản đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ. Hai yếu tố - thời hạn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp có hiệu lực từ ngày 1/8 tới và ô tô Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ đã được giảm thuế đáng kể so với mức thuế chung 25% mà Washington từng khẳng định là “bất di bất dịch” – đang tạo ra áp lực ngày càng tăng với Hàn Quốc. Hơn nữa, gánh nặng đàm phán càng trở nên nặng nề hơn cho các quan chức Seoul khi Nhật Bản đã đưa ra một "lá bài đầu tư" khổng lồ lên tới 758.000 tỷ won (khoảng 550 tỷ USD), vượt quá ngân sách hàng năm của Chính phủ Hàn Quốc.
Gói thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật Bản khiến Seoul lo ngại, vì thiếu một lá bài đột phá có thể làm “lay động” Washington. Đặc biệt, Nhật Bản - vốn có cơ cấu công nghiệp và xuất khẩu tương tự như Hàn Quốc - có thể đóng vai trò như là quốc gia tham chiếu cho các cuộc đàm phán thuế quan giữa Hàn Quốc và Mỹ. Chính vì điều này, có nhiều nhận định cho rằng việc điều chỉnh lá bài đàm phán mà Chính phủ Hàn Quốc ban đầu dự định trình bày với phía Mỹ trong các cuộc thảo luận tiếp theo là điều không thể tránh khỏi.
* Loại trừ gạo và thịt bò, đề xuất gói an ninh kết hợp Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 23/7 ra tuyên bố cho biết Hàn Quốc đang xem xét chi tiết các nội dung của thỏa thuận đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản và sẽ sử dụng chúng làm tài liệu tham khảo cho các cuộc đàm phán của chính phủ. Tuy nhiên, dường như không khí trong nội bộ chính trường Hàn Quốc vào lúc này còn hoang mang. Nhật Bản đã có 7 lần đàm phán trực tiếp cấp cao với Mỹ, nhưng không thể thu hẹp bất đồng. Đáp lại, Tổng thống Trump đã tăng mức thuế quan đối ứng đối với hàng hóa của Nhật Bản từ 24% lên 25%. Ông Trump liên tục gây áp lực và sau đó đạt được một "thỏa thuận bất ngờ".
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cẩn trọng việc Tokyo đã đồng ý nới lỏng một số rào cản phi thuế quan đối với thị trường gạo để đạt được thỏa thuận về ô tô nói riêng và gói thỏa thuận chung đột phá, thông qua kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào Mỹ. Một quan chức Seoul cho biết Nhật Bản đã dẫn đầu trong việc giảm thuế quan đối với ô tô, như một cách để tối đa hóa đầu tư vào Mỹ.
Có thông tin nói rằng Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị đề xuất một gói hỗ trợ đóng tàu, ô tô, pin, chất bán dẫn (chip), mua năng lượng và tăng đầu tư vào Mỹ theo chính sách phục hồi sản xuất của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, quy mô của gói hỗ trợ này được cho là nhỏ hơn so với của Nhật Bản. Tin tức dẫn lời một quan chức Chính phủ Hàn Quốc giải thích rằng thế mạnh của Hàn Quốc nằm ở lĩnh vực đóng tàu và các nhà đàm phán Hàn Quốc dự định thuyết phục phía Mỹ thông qua kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu.
Dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Alaska mà Nhật Bản đã cam kết đầu tư trong các cuộc đàm phán với Mỹ được cho là không nằm trong gói đề xuất của Hàn Quốc. Một nguồn tin chính phủ cho biết việc đầu tư vào dự án LNG còn cần phải xem xét thêm.
Chính phủ Hàn Quốc cũng vẫn loại trừ việc mở cửa thị trường gạo và thịt bò nội địa, vốn đang được phía Mỹ yêu cầu mạnh mẽ. Nguyên nhân là bởi những lo ngại phản ứng từ công chúng và đặc biệt là từ các nhóm nông dân và chính quyền địa phương.
Một số ý kiến chỉ ra rằng “chìa khóa đàm phán” sẽ là liệu Hàn Quốc có thể thuyết phục Mỹ thông qua các thảo luận hợp tác an ninh, chẳng hạn như tăng chi tiêu quốc phòng, được tiến hành song song với các cuộc đàm phán thuế quan hay không. Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Wi Sung-lak đã có chuyến công tác đến Mỹ vào ngày 20/7 để gặp gỡ các quan chức chủ chốt trong chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Marco Rubio. Một số nguồn tin cho biết, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về gói thỏa thuận kết hợp giữa thương mại và an ninh và ông Wi đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Mỹ.
* Khả năng mở cửa thị trường nông sản và chăn nuôi có thể là cần thiết Chính phủ Hàn Quốc đang mong đợi các cuộc đàm phán cấp cao giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục trong tuần từ ngày 21-26/7. Tân Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Kim Jung-kwan đã lên đường sang Mỹ ngày 23/7 để đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Howard Rutnick và Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Koo Yoon-chul cũng dự kiến tổ chức tham vấn thương mại – tài chính 2+2 Hàn Quốc - Mỹ với Bộ trưởng Tài chính Scott Besant và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Jamison Greer.
Tuy nhiên, ngày 24/7, hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Hàn Quốc và Mỹ, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Washington, đã bị hoãn do lịch trình đột xuất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Cuộc đối thoại kinh tế cấp cao theo cơ chế "2+2", ban đầu được ấn định vào ngày 25/7, với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Koo Yun Cheol và Bộ trưởng Thương mại Yeo Han Koo cùng với ông Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Cuộc gặp được xem là bước quan trọng trước thời hạn mà Washington đưa ra về việc áp mức thuế quan mới vào ngày 1/8. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kang Young Kyu nhấn mạnh phía Mỹ mong muốn có thể tổ chức lại các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước trong thời gian sớm nhất.
Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc dự đoán khả năng đạt được thỏa thuận với Mỹ ở mức 50/50. Theo quan chức này, do các lá bài đàm phán mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chưa thay đổi nhiều, trong khi các quốc gia đã đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ bao gồm cả Nhật Bản, đều đã mở cửa thị trường nông sản của mình, nên dự kiến rằng áp lực từ phía Mỹ sẽ gia tăng.
Theo đó, rất có thể Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải rút lại lá bài mở cửa thị trường nông sản một cách chiến lược, để đạt được thỏa thuận vào phút chót. Bất chấp sự phản đối trong nước, Hàn Quốc đang ở trong tình thế cần một quyết định chính trị ở cấp chính phủ./.
Khánh Vân (TTXVN tại Seoul)
(Tiếp theo: Đàm phán thương mại Hàn Quốc – Mỹ - Bài cuối: Những “lằn ranh đỏ” khó vượt qua)